Ngân hàng hợp tác xây dựng chuỗi liên kết
Cho vay theo chuỗi liên kết: Cần xây dựng nhóm tiêu chí cơ bản | |
Ngân hàng – doanh nghiệp liên kết phát triển cùng đất nước |
Nhiều NHTM đang có các hình thức tiết giảm chi phí lãi vay cho DN |
Nhà băng chủ động hợp tác
Cuối tháng 7 vừa qua, OCB chi nhánh Cà Mau đã chính thức liên kết với Công ty Thức ăn thủy sản De Heus (Hà Lan) để cùng thực hiện dự án nâng cao chuỗi liên kết ngành hàng tôm tại huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau.
Tham gia vào dự án này, OCB chi nhánh Cà Mau chủ động lập ra bộ tiêu chí để cho người dân và các hợp tác xã vay vốn phục vụ đầu tư ao nuôi, con giống, dụng cụ nuôi và thức ăn thủy sản. Ngân hàng cam kết cho vay hạn mức 300-500 triệu đồng/hộ dân và tối đa 100 tỷ đồng/hợp tác xã để cùng với doanh nghiệp vận hành chuỗi liên kết sản xuất tôm khép kín.
Đại diện OCB chi nhánh Cà Mau cho biết, để có được quyết định đầu tư nguồn vốn tín dụng lớn vào ngành tôm như hợp tác với De Heus, đơn vị đã phải mất nhiều thời gian, công sức, nghiên cứu, khảo sát thực trạng ngành sản xuất tôm tại địa phương. Theo đó, các khảo sát của đơn vị cho thấy hiện nay 80-90% người nuôi tôm đều vay thêm ngân hàng hoặc mua chịu thức ăn, con giống từ các đại lý. Chỉ tính riêng ở Cà Mau, mỗi năm người dân nuôi tôm phải chi ra khoảng gần 5.000 tỷ đồng để mua thức ăn cho các ao tôm. Số tiền này, nếu được ngân hàng tài trợ theo chuỗi thì sẽ giảm được khoảng 15% khi đến tay người nông dân (tương đương gần 750 tỷ đồng). Vì thế việc tạo ra các liên kết chuỗi bao gồm doanh nghiệp đầu mối – ngân hàng tài trợ vốn – các đại lý thức ăn, con giống và nông dân, hợp tác xã hầu như là giải pháp tối ưu nhất để tiết kiệm tài chính và sử dụng vòng quay đồng tiền hiệu quả cho cả ngân hàng và doanh nghiệp.
Câu chuyện ngân hàng chủ động hợp tác với doanh nghiệp lớn để gia tăng cho vay vào các chuỗi liên kết khép kín như kể trên không chỉ xảy ra ở OCB, mà hiện nay ở nhiều NHTM hoạt động này đã được các chi nhánh đặt ra như một chiến lược để đầu tư tín dụng hiệu quả vào lĩnh vực nông nghiệp. Tại các tỉnh Lâm Đồng, An Giang, Đồng Tháp… hiện nay, sau khi thí điểm thành công nhiều mô hình liên kết theo chuỗi giá trị các ngành hàng lúa gạo, cá tra và rau màu, các chi nhánh NHTM đã chủ động mở rộng đầu tư vốn vay vào hàng trăm mô hình liên kết mới.
Chẳng hạn ở Lâm Đồng, các dự án liên kết chuỗi sản xuất chè, sản xuất mật ong và sản xuất rau, hoa của 75 doanh nghiệp và 35 hợp tác xã đã được các chi nhánh Agribank tại Đà Lạt, Đức Trọng và Bảo Lộc chủ động cấp vốn.
Còn tại Đồng Tháp, ngoài các dự án chuỗi giá trị ngành cá tra của nhóm Công ty Hùng Cá, chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo của Công ty Lộc An, hiện các chi nhánh của Agribank, VietinBank cũng đã liên kết với hàng chục doanh nghiệp như: Công ty Long Uyên, Cỏ May, Phương Minh, Vĩnh Nghiệp… để phát triển các chuỗi giá trị ngành hàng chăn nuôi vịt, trồng - chế biến - tiêu thụ xoài và phát triển các mặt hàng chế biến từ gạo.
Hay tại An Giang, ngoài chuỗi ngành hàng chế biến rau quả của CTCP Antesco (đã thực hiện từ năm 2016), hiện các NHTM như Agribank, VietinBank, SHB… cũng đã chủ động hợp tác với các doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Lộc Trời, Vinacam, Công ty Tấn Vương, CTCP Gạo Hạnh Phúc… để phát triển thêm các chuỗi ngành hàng lúa gạo, trái cây và thủy sản chủ lực.
Đổi mới cách đi của vốn vay
Theo phân tích của ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời, khi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, bản thân các doanh nghiệp lớn đều rất chú trọng đến hoạt động xây dựng thương hiệu nông sản. Vì vậy, trong thời gian đầu hình thành các chuỗi liên kết, các NHTM có thể đồng hành với nông dân – đại lý đầu vào theo các hạn mức tín dụng phù hợp. Nhưng khi chuỗi đã hoạt động ổn định thì các ngân hàng cũng cần tính toán để đổi mới hạn mức cung ứng dòng tiền vào các khâu đoạn của chuỗi giá trị.
Trong đó, các khoản hạn mức tài trợ cho xây dựng, duy trì và phát triển thương hiệu nông sản cũng cần được đưa vào các hợp đồng hợp tác chuỗi để đảm bảo doanh nghiệp có nguồn vốn đầu tư dài hạn.
Ở góc độ ngân hàng, đại diện một TCTD tại Đồng Tháp cho rằng, hiện nay đa số các chuỗi liên kết sản xuất nông sản có sự tham gia tài trợ vốn của ngân hàng đều gặp phải tình trạng khó bổ sung hạn mức tín dụng. Bởi khi tham gia cho vay vào các liên kết chuỗi (theo chỉ đạo của Chính phủ từ các năm trước), đa số các khoản vay được thực hiện dưới hình thức tín chấp, quản lý dòng tiền, trong khi tài sản đảm bảo của doanh nghiệp không tăng lên. Điều này tạo ra rủi ro rất lớn cho các NHTM, nhất là việc xử lý hậu quả nếu chẳng may trong quá trình vay vốn, các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ.
Theo đánh giá của các NHTM, với việc ngày càng nhiều các doanh nghiệp, tập đoàn lớn tham gia đầu tư dài hạn vào các ngành nông nghiệp thì chắc chắn hoạt động hợp tác giữa các NHTM với các doanh nghiệp đầu mối trong từng ngành hàng ở các địa phương sẽ ngày càng phát triển. Tuy nhiên, để cho vay bền vững vào các chuỗi liên kết thì câu chuyện hợp tác, kết nối giữa các bên cần diễn ra bình đẳng và sòng phẳng.
Theo đó, các NHTM cần đổi mới cách thức tiếp cận các liên kết chuỗi bằng việc chủ động tạo ra những nhóm tiêu chí cơ bản như: tiêu chí về quy mô, tiêu chí về tài chính, các ràng buộc trách nhiệm thành viên và ràng buộc giữa các định chế tài chính cùng tham gia chuỗi với nhau… Khi các chuỗi đã được hình thành, cả ngân hàng và doanh nghiệp đầu mối đều có thể chia sẻ áp dụng các liên kết công nghệ để đấu nối hệ thống quản lý tài chính, quản lý khoản vay và dòng tiền thu chi của chuỗi liên kết qua các ứng dụng ngân hàng điện tử.
Trong dài hạn, các kế hoạch đầu tư cho từng khâu đoạn của chuỗi giá trị đều cần được các doanh nghiệp đầu mối công khai minh bạch. Các chi phí như xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường sản phẩm đều cần được thống nhất trong lộ trình 5-10 năm của mỗi liên kết chuỗi. Các NHTM có thể căn cứ vào các kế hoạch tài chính này để đổi mới cách thức và đổi mới hạn mức cấp vốn cho phù hợp với từng giai đoạn và vòng đời của các chuỗi liên kết.