Ngân hàng tăng nguồn thu từ bancassurance
Bancassurance tạo nguồn thu nhập ổn định ngoài lãi cho các ngân hàng | |
Nhiều động lực Bancassurance tiếp tục tăng trưởng | |
Bancassurance: Sau những hợp tác hiệu quả, tồn tại nào cần giải quyết để bứt phá |
Prudential Việt Nam và MSB đã gia hạn quan hệ hợp tác chiến lược phân phối bảo hiểm thông qua ngân hàng trong vòng 15 năm. Dù mức phí trả trước không được công bố, song SSI Research ước tính, MSB có thể nhận khoảng 80-90 triệu USD phí trả trước (tương đương khoảng 1.900-2.100 tỷ đồng). Trong khi đó, theo Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), ước tính mức phí trả trước MSB nhận được có thể lên tới 3.500 tỷ đồng. VCBS mới đây cũng có báo cáo cập nhật về VietinBank, trong đó cho biết hợp đồng bancassurance với Manulife của ngân hàng này có phí trả trước ước khoảng 8.000 tỷ đồng…
Ảnh minh họa |
Không chỉ MSB, nguồn thu từ bancassurance của nhiều nhà băng khác cũng được nhìn nhận sẽ tăng trưởng tốt. Đơn cử như SSI Research ước tính, thu nhập phí ròng của Vietcombank năm 2021 tăng 8,2% nhờ bancassurance tăng 60%; HDBank kỳ vọng vào bancassurance với mục tiêu tổng doanh thu phí bảo hiểm năm đầu đạt 1.200 tỷ đồng trong năm 2021 và đến năm 2023 ngân hàng này sẽ lọt vào top 3 về doanh số bancassurance…
Ngay cả những trường hợp nhà băng chưa có đối tác phân phối bảo hiểm độc quyền mà khai thác qua công ty con, công ty liên doanh cũng ghi nhận nguồn thu tích cực năm qua: MB đạt hơn 5.800 tỷ đồng thu từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm năm 2020 - tăng 39% so với năm 2019, thu từ kinh doanh bảo hiểm chiếm hơn 71% tổng thu nhập dịch vụ của MB. Hay BIDV Metlife năm 2020 có tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc đạt 1.354 tỷ đồng - tăng 31% so với năm 2019…
Việc phân phối bảo hiểm của các ngân hàng đã mang lại nguồn thu khá tích cực cho các nhà băng. Điều này lý giải vì sao các ngân hàng liên tục ký kết với các công ty bảo hiểm phân phối sản phẩm bảo hiểm qua mạng lưới của mình. Báo cáo triển vọng thị trường 2021 do VDSC công bố đầu tháng 1/2021 cho thấy, tỷ trọng phí thu từ kênh bancassurance trong tổng phí bảo hiểm đã tăng từ 5% năm 2012 lên hơn 30% trong 9 tháng 2020. Song vẫn thấp hơn đáng kể so với nhiều quốc gia như 72% ở Tây Ban Nha, 70% ở Ý, 60% ở Pháp. Như vậy, dư địa tăng trưởng của kênh phân phối bancassurance vẫn còn rất lớn.
Nhận định về xu hướng bancassurance tại Việt Nam, theo chuyên gia Phạm Xuân Hoè, phát triển bancassurance bền vững đòi hỏi hoàn thiện về khung khổ pháp lý cho lĩnh vực này; đồng thời gắn với quá trình tái cơ cấu lại hoạt động của các TCTD, việc gia tăng thu nhập từ phí bảo hiểm, góp phần gia tăng tỷ lệ thu phí phi tín dụng sẽ giảm sự lệ thuộc thu nhập từ hoạt động tín dụng, hướng tới sự phát triển an toàn, bền vững. Các ngân hàng cũng cần lựa chọn đối tác doanh nghiệp bảo hiểm có năng lực tài chính, có kinh nghiệm, năng lực quản trị tốt, có công nghệ hiện đại phù hợp với công nghệ của TCTD, và đồng thời có sản phẩm bảo hiểm được thiết kế thích hợp với phân khúc khách hàng hiện hữu của TCTD để hướng tới phát triển một cách chuyên nghiệp, hiệu quả kênh phân phối này.
Thêm nữa, việc tận dụng tối đa nguồn lực của hai bên trong hợp tác phát triển bancassurance như cơ sở vật chất, hệ thống công nghệ thông tin, con người, cơ sở khách hàng… sẽ tiết giảm chi phí trong quá trình triển khai bancassurance mang lại hiệu quả cao.
Đưa mô hình bancassurance hoạt động trong kỷ nguyên số là một trong những chiến lược được các nhà băng đặc biệt quan tâm. Hay nói cách khác, việc phát triển bancassurance thời gian tới phải đặt trong tổng thể của chương trình chuyển đổi số, tiến tới số hóa, tích hợp đa kênh sản phẩm dịch vụ cung ứng cho khách hàng.
Ông Đàm Nhân Đức - Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển của MB cho rằng, số hoá kênh bancassurance sẽ tập trung vào mảng phân phối, cụ thể tập trung vào các vấn đề chính như nâng cao dịch vụ khách hàng thông qua kênh điện tử, tăng cường khả năng giao tiếp đa kênh với khách hàng, và cá nhân hoá các sản phẩm, dịch vụ bảo hiểm dựa trên phân tích dữ liệu khách hàng.
Lợi thế cho các ngân hàng khi bán sản phẩm bảo hiểm, dịch vụ không chỉ là mạng lưới phủ sóng mà còn là hệ thống dữ liệu khách hàng khổng lồ. Nếu tận dụng tốt dữ liệu khách hàng sẵn có để đánh giá, phân tích, cả doanh nghiệp bảo hiểm cũng như phía ngân hàng sẽ có những sản phẩm, dịch vụ bảo hiểm phù hợp với từng đối tượng khách hàng. Đồng nghĩa với tỷ lệ khách hàng tiềm năng trở thành khách hàng thực sự sẽ cao hơn nhiều.
Song các chuyên gia cũng lưu ý, số hoá kênh giao tiếp là vô cùng quan trọng, nhưng không chỉ chú trọng vào kênh số, việc cung cấp sản phẩm bancassurance tại kênh truyền thống cũng cần được cải thiện, nhất là nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ tư vấn viên. Bởi thực tế, kênh số là nơi giúp đơn giản hoá thủ tục, quy trình và tự động hồi đáp những thắc mắc thường gặp, thì đội ngũ tư vấn viên sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giải thích cặn kẽ những câu hỏi, hoặc khiếu nại liên quan đến những trường hợp hiếm gặp. Như vậy, khách hàng sẽ có được trải nghiệm tốt nhất khi sử dụng dịch vụ, từ khâu tiếp nhận thông tin sản phẩm, hoàn thiện các thủ tục mua bán sản phẩm lẫn dịch vụ chăm sóc khách hàng hậu mãi.