Ngành dệt may, da giày Việt Nam hướng tới phát triển bền vững
Ngành dệt may, da giày trước xu thế xanh hóa Doanh nghiệp dệt may kết nối để tối đa hoá lợi ích từ FTA Doanh nghiệp dệt may cần tăng cường liên kết |
Quang cảnh hội thảo |
Ngày 5/12/2024, tại Hà Nội, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) và Tổ chức Sáng kiến và thương mại bền vững (IDH), các hiệp hội trong lĩnh vực dệt may và da giày (Hiệp hội Dệt may Việt Nam - VITAS, Hiệp hội Bông sợi Việt Nam - VCOSA và Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam - LEFASO) tổ chức Hội thảo quốc tế “Hợp tác phát triển bền vững ngành Dệt may và Da giày Việt Nam”.
Đối diện không ít thách thức
Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Lâm Giang - Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho biết, ngành dệt may và da giày là những ngành hàng xuất khẩu chủ lực, đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, góp phần tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, thúc đẩy lối sống văn hóa tiêu dùng mới, phát triển chuỗi giá trị toàn cầu.
Tuy nhiên, ngành dệt may, da giày trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng là ngành cũng phải đối mặt với áp lực thách thức về sử dụng tài nguyên, năng lượng và gây tác động đến môi trường tự nhiên.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam chia sẻ, hiện dệt may vẫn sử dụng phương thức gia công xuất khẩu là chủ yếu, ngoại trừ công đoạn may, còn lại ở mức trung bình và trung bình khá, trình độ lao động dệt may thấp và thiếu nguồn lực, chịu sự cạnh tranh gay gắt trong nước và quốc tế, đứng trước môi trường sản xuất kinh doanh biến động, xu hướng thị trường thay đổi: thời trang bền vững; tra soát chuỗi cung ứng về lao động và môi trường; nhu cầu nhân lực, đổi mới công nghệ, tăng trưởng xanh, số hóa rất lớn.
Còn theo ông Nguyễn An Toàn, Chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam (VCOSA) cho biết, ngành bông sợi cũng đang đối mặt với không ít thách thức. Hiện tại, nguyên liệu đầu vào của ngành vẫn phụ thuộc lớn vào nguồn nhập khẩu từ Mỹ, Brazil và Úc, khiến doanh nghiệp dễ bị ảnh hưởng bởi các biến động địa chính trị đang diễn biến phức tạp trên thế giới. Các yếu tố này không chỉ gây bất ổn cho chuỗi cung ứng mà còn tạo áp lực về chi phí và thời gian cho các doanh nghiệp sản xuất.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng phải cạnh tranh với các quốc gia khác như Bangladesh và Ấn Độ, nơi có chi phí lao động thấp hơn và chính sách thuế ưu đãi hơn đối với ngành dệt may.
"Gánh nặng kép từ chi phí năng lượng leo thang và thiên tai đã tác động mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành. Cơn bão Yagi, với sức tàn phá khủng khiếp, đã giáng một đòn chí mạng vào nhiều thành viên VCOSA tại miền Bắc, làm gián đoạn chuỗi cung ứng và gây thiệt hại nặng nề về cơ sở vật chất. Bên cạnh đó, sự tăng vọt của giá năng lượng không chỉ bào mòn lợi nhuận mà còn đe dọa sự ổn định của nhiều doanh nghiệp", ông Toàn chia sẻ.
Theo ông Toàn, song song đó, khó khăn về tài chính đang là một rào cản lớn đối với VCOSA trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp hội viên vượt qua giai đoạn khó khăn. Việc thiếu hụt nguồn lực tài chính đã hạn chế đáng kể các hoạt động hỗ trợ, như xúc tiến thương mại, đào tạo và chuyển giao công nghệ - những yếu tố quan trọng để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh thị trường ngày càng khắc nghiệt.
Tháo gỡ nút thắt
Theo ông Nguyễn An Toàn, VCOSA nhận thức rõ những khó khăn này và đang tập trung tháo gỡ các nút thắt. Điển hình, VCOSA đang nỗ lực hỗ trợ các doanh nghiệp sợi OE tìm kiếm nguồn nguyên liệu xơ ngắn ổn định, tăng cường tính tuần hoàn và bền vững trong sản phẩm để đáp ứng các yêu cầu khắt khe từ thị trường quốc tế, đặc biệt là EU. Ngoài ra, VCOSA cũng tích cực tham vấn ý kiến từ các hội viên và cơ quan chức năng để đề xuất các chính sách, tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp, góp phần xây dựng một ngành bông sợi phát triển toàn diện.
Trong bối cảnh kinh doanh biến động không ngừng, ông Cẩm nhấn mạnh sự cần thiết của một mạng lưới hợp tác bền vững giữa nhà nước, hiệp hội, doanh nghiệp, nhãn hàng và các tổ chức quốc tế. Mục tiêu chung là xây dựng mối quan hệ tin cậy, cùng nhau vượt qua khó khăn và tạo ra những giá trị win-win cho tất cả các bên liên quan.
"Hợp tác là chìa khóa để giảm chi phí tuân thủ. Nhà nước, doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế như IDH đang cùng nhau nỗ lực. Nhà nước đơn giản hóa thủ tục hành chính, các doanh nghiệp chia sẻ thông tin, xây dựng tiêu chuẩn chung, còn IDH cung cấp nguồn lực và chuyên môn. Nhờ đó, doanh nghiệp có thể giảm thiểu rủi ro, nâng cao hiệu quả hoạt động và thích ứng nhanh chóng với biến động thị trường", ông Cẩm chia sẻ.
Đặc biệt, mới đây, IDH đã ký Bản ghi nhớ hợp tác phát triển bền vững ngành dệt may và da giày Việt Nam. Bản ghi nhớ này trong giai đoạn từ 2024 đến 2030 sẽ mở ra giai đoạn hợp tác thứ 3 (bản ghi nhớ tiếp sau 2 bản ghi nhớ giai đoạn 2016-2018 và 2019-2022) dài hơi hơn và sâu sắc hơn giữa những đối tác truyền thống, trên cơ sở tiếp nối, kế thừa và phát huy những thành công đã đạt được từ 2 giai đoạn trước.
Bà Nguyễn Thị Lâm Giang cho biết: “Thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Công Thương với IDH, các hiệp hội ngành hàng và các bên liên quan trong khuôn khổ Bản ghi nhớ tạo nền tảng hợp tác vững chắc trong việc thúc đẩy phát triển bền vững ngành dệt may và da giày Việt Nam".
Ông Huỳnh Tiến Dũng, Giám đốc Quốc gia IDH Việt Nam cho rằng, thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Công Thương, các hiệp hội ngành hàng và IDH là một nền tảng tiên quyết, quan trọng, thúc đẩy sự hợp tác công tư hiệu quả hơn, đặc biệt trong bối cảnh ngành dệt may và da giày đang phải đối mặt với các yêu cầu phát triển bền vững ngày càng khắt khe hơn của thị trường.
"Việc có một khuôn khổ hợp tác công tư vững chắc sẽ tạo điều kiện cho các bên đóng góp ý kiến, trí tuệ, huy động và điều phối nguồn lực từ các cơ quan của Chính phủ, các hiệp hội, từ các doanh nghiệp (các nhà máy và các nhãn hàng) đến các tổ chức quốc tế cho việc xây dựng các giải pháp toàn diện và các sáng kiến giúp ngành dệt may và da giày Việt Nam không chỉ phát triển bền vững hơn, đảm bảo tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế”, ông Huỳnh Tiến Dũng cho hay.