Ngành dệt may tích cực chuyển đổi số
Cổ phiếu dệt may đã đến thời điểm “bắt đáy”? | |
Dệt may đẩy mạnh kinh tế tuần hoàn | |
Ngành dệt may chiếm lĩnh thị trường nội địa |
Trong 8 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt trên 30 tỷ USD, tăng trưởng gần 20% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là tốc độ tăng trưởng cao nhất trong hơn 10 năm qua, cho thấy các doanh nghiệp trong ngành đã có sự bứt phá bất chấp ảnh hưởng của dịch bệnh và các diễn biến bất lợi trên thế giới.
Theo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), thời gian qua, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may Việt Nam hàng năm đạt khoảng 40 tỷ USD, thu nhập trung bình của lao động trong lĩnh vực này đạt khoảng 3.800 USD/người/năm. Tuy nhiên, giá trị gia tăng vẫn ở mức thấp. Chính vì vậy trong thời gian tới, ngành cần nỗ lực tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, đặc biệt tập trung vào những công đoạn mang lại giá trị gia tăng cao như thiết kế, phân phối; cùng với đó là tích cực chuyển đổi số...
Nhiều doanh nghiệp đã và đang đầu tư công nghệ hiện đại trong sản xuất. |
Ông Hồ Lê Hùng, Tổng Giám đốc Tổng CTCP Dệt may Hà Nội (Hanoisimex) chia sẻ, trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều biến động, nhất là giai đoạn sau dịch Covid-19, các doanh nghiệp đã phải có những chiến lược phù hợp để tồn tại và phát triển. Trong đó, đầu tư công nghệ, chuyển đổi số là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp duy trì được vị thế và nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.
Thời gian qua, Hanoisimex tập trung vào các lĩnh vực quản trị sản xuất ngành sợi, ngành may và quản trị chi phí - kinh doanh - tài chính nhằm thực hiện chuyển đổi số. Doanh nghiệp cũng đã triển khai phần mềm quản trị sản xuất sợi từ đầu năm 2021. Đến nay, qua hơn 1 năm vận hành, về cơ bản hệ thống đã đạt được yêu cầu đề ra, trong đó có mục tiêu đảm bảo số liệu nhanh, tin cậy, chính xác, loại bỏ thời gian thừa cũng như giúp bỏ các sổ sách ghi chép thủ công như trước đây. Trong thời gian tới, phần mềm sẽ tiếp tục được cải tiến, cập nhật để ngày càng phục vụ tốt hơn cho công tác quản trị từ các cấp lãnh đạo cho tới các phòng ban, nhà máy...
Ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, chuyển đổi số là một trong những vấn đề mà ngành dệt may tập trung thúc đẩy qua từng năm cùng với nâng cao năng suất, tiết kiệm năng lượng, chi phí quản trị, vận hành... Vinatex xác định chuyển đổi số là yếu tố quan trọng trong chiến lược phát triển với những lợi ích và thách thức không nhỏ.
Có thể thấy, hiệu quả của việc đầu tư công nghệ, chuyển đổi số đã giúp các doanh nghiệp dệt may nhanh chóng hội nhập và nâng cao giá trị xuất khẩu.
Ông Đỗ Thanh Tùng - Phó tổng giám đốc Công ty Dệt kim Đông Xuân chia sẻ, thời gian qua, để phù hợp với tình hình mới, công ty sớm quan tâm đến ứng dụng tự động hóa vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và giảm áp lực về nhân công lao động. Trong đó, mục tiêu chuyển đổi số được ban lãnh đạo sớm đưa ra và thực hiện theo lộ trình. Nhờ đó, tổng doanh thu của những tháng đầu năm 2022 của công ty ước đạt 242,67 tỷ đồng, bằng 176,9% so với cùng kỳ. Hiện, đơn hàng cho 2 xí nghiệp may của công ty đã lấp đầy đến hết tháng 12/2022.
Với ngành dệt - nhuộm, công ty vừa đầu tư hàng chục tỷ đồng cho 2 máy nhuộm công suất lớn để nâng sản lượng vải lên khoảng 350 tấn/tháng, gấp đôi so với hiện nay. Việc này không chỉ giúp đơn vị tăng về quy mô, mà cũng tạo ra sự tương đồng về công suất giữa các loại máy trong cùng nhà máy, đồng thời cũng giúp tối ưu hóa quy trình sản xuất.