Ngành dệt may chiếm lĩnh thị trường nội địa
Tạo cơ hội mới cho ngành dệt may | |
Dệt may Việt Nam: Thúc đẩy liên kết chuỗi mở rộng thị trường xuất khẩu | |
Doanh nghiệp dệt may kín đơn hàng mà lo |
Thương hiệu Viettien đang được người tiêu dùng Việt ưa chuộng |
Là một trong những doanh nghiệp tạo dựng được thương hiệu vững chắc tại thị trường trong nước, Tổng CTCP May Việt Tiến cũng là thương hiệu duy nhất trong ngành dệt may vinh dự lọt Top 10 Sao Vàng đất Việt 2021.
Ông Bùi Văn Tiến - Tổng giám đốc Tổng CTCP May Việt Tiến chia sẻ, trong những năm qua, bên cạnh các hoạt động xuất khẩu thì Việt Tiến luôn chú trọng phát triển thị trường trong nước. Thời gian qua, đại dịch Covid-19 mang đến nhiều thách thức, nhưng cũng giúp doanh nghiệp đẩy mạnh thị trường tiêu thụ nội địa.
Theo đó, doanh nghiệp thường xuyên tìm hiểu nhu cầu của khách hàng, xu hướng về mầu sắc, kiểu dáng và đưa ra nhiều sản phẩm phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng nội địa. Việt Tiến hiện cũng là một trong những doanh nghiệp có hệ thống phân phối lớn với hơn 1.300 cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm trên khắp các tỉnh, thành phố cả nước.
Thương hiệu Viettien, Smartcasual của Việt Tiến đã được định vị trong tâm thức người tiêu dùng trong nước. Các cửa hàng Việt Tiến House đang được mở rộng cũng nằm trong chiến lược đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa của tổng công ty (TCT) và các đơn vị thành viên. Qua đó, góp phần nâng tầm thương hiệu Việt, cũng như hưởng ứng hiệu quả hơn nữa cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Ông Bùi Văn Tiến nhấn mạnh, thời điểm hiện tại là khá thuận lợi để tập trung vào thị trường nội địa bởi người tiêu dùng Việt đã dần quen và chuộng hàng may mặc của các thương hiệu trong nước với các sản phẩm chất lượng cao. Thời gian tới, Việt Tiến sẽ tiếp tục mở rộng và nâng cấp hệ thống phân phối (Viettien House) trong nước và nước ngoài; tập trung đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến cho hoạt động sản xuất kinh doanh, nhằm nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm; nâng cao thu nhập của người lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh...
Cũng như vậy, trên địa bàn Hà Nội, thương hiệu M2 xuất hiện trên nhiều quận, huyện và tuyến phố. Thời trang M2 đã là một thương hiệu quen thuộc với nhiều khách hàng và là đơn vị uy tín trong việc phân phối các sản phẩm thời trang Việt chất lượng cao.
Chủ tịch HĐQT Nguyễn Hải Đường cho biết, M2 là đơn vị kinh doanh thời trang tiên phong theo mô hình siêu thị, mang theo sứ mệnh trở thành chuỗi cung ứng uy tín chất lượng hàng đầu Việt Nam. Những sản phẩm của M2 luôn được cập nhật xu hướng mới, chất lượng sản phẩm đạt chứng nhận hợp quy may mặc. Đến nay, với hơn 20 năm hình thành và phát triển, M2 đã khẳng định được vị trí của mình trở thành sự lựa chọn tin cậy của khách hàng với hệ thống hàng chục cửa hàng trên địa bàn TP. Hà Nội, một số tỉnh lân cận và cả nước ngoài. Nhiều điểm bán hàng được mở rộng diện tích lên đến hàng nghìn m2. Đây là minh chứng rõ nét cho sự phát triển vững mạnh của M2, đồng thời cũng là tiền đề chắc chắn cho những bước đi đầy sáng tạo tiếp theo của chúng tôi.
Trong tương lai không xa, chúng tôi kỳ vọng vào sự vươn lên của M2 có sự góp mặt của các lĩnh vực khác. Trong bối cảnh thị trường trong nước còn nhiều tiềm năng và xu hướng người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng dùng hàng Việt Nam ngày càng nhiều là cơ hội để M2 tiếp tục mở rộng thêm nhiều cửa hàng để khẳng định được thương hiệu của mình.
Có thể thấy, những năm gần đây các doanh nghiệp may mặc trong nước đã nỗ lực xây dựng và phát triển thương hiệu tại thị trường trong nước. Ông Cao Hữu Hiếu - Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) chia sẻ, trong những năm qua, doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã và đang khẳng định được vị thế trên thị trường trong nước với phân khúc sản phẩm ở mức trung bình, trung bình cao.
Đối với Vinatex, kênh sản phẩm may mặc bán ra thị trường thông qua các siêu thị, cửa hàng của tập đoàn và doanh nghiệp. Với hai trung tâm thời trang của tập đoàn có quy mô hơn 5.000m2 sàn và trên 2.000 cửa hàng/đại lý của các doanh nghiệp trên địa bàn cả nước, cung cấp đầy đủ các chủng loại mặt hàng từ thời trang công sở, đồng phục học sinh, khăn, chăn gối, thời trang nam nữ. Các doanh nghiệp điển hình trong cung ứng sản phẩm ra thị trường nội địa là Tổng CTCP May Việt Tiến, TCT May 10-CTCP, Tổng CTCP May Nhà Bè, TCT Đức Giang - CTCP, Tổng CTCP Dệt May Hòa Thọ… với doanh thu toàn hệ thống đạt hơn 2.000 tỷ đồng/năm.
Ông Cao Hữu Hiếu cho rằng, thị trường nội địa đang hấp dẫn doanh nghiệp dệt may trong nước. Tuy nhiên, việc phát triển thương hiệu cũng như chinh phục thị trường nội địa bền vững cần có chiến lược bài bản và đầu tư lâu dài. Riêng với Vinatex, tập đoàn khuyến khích các doanh nghiệp trong hệ thống tập trung phát triển mạnh những thương hiệu cũ, vốn đã có lợi thế trong tâm thức người tiêu dùng. Song song với đó, đầu tư vào khâu thiết kế, marketing để phát triển những thương hiệu mới cho phù hợp với xu hướng tiêu dùng chung hiện nay; đẩy mạnh các kênh phân phối rộng khắp và đầu tư thêm cơ sở thông tin cho kênh thương mại điện tử.
Đánh giá của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho thấy, từ đầu năm đến nay các doanh nghiệp trong ngành dệt may đã phục hồi và phát triển mạnh mẽ. Kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may cũng tăng trưởng mạnh trong gần 8 tháng năm 2022. Không chỉ chú trọng đến xuất khẩu, các doanh nghiệp đã và đang phát triển mạnh thị trường nội địa. Tuy nhiên, để có thể chiếm lĩnh thị trường, đặc biệt là tăng sức cạnh tranh với các đối thủ có thương hiệu đến từ nước ngoài, đòi hỏi các doanh nghiệp phải không ngừng đầu tư, nghiên cứu và đưa ra những sản phẩm có chất lượng nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Do đó, muốn phát triển thị trường trong nước, doanh nghiệp dệt may cần phải chủ động được nguồn nguyên phụ liệu; đầu tư, đào tạo đội ngũ thiết kế, đưa ra những mẫu phù hợp xu thế, bắt kịp xu thế thị trường xuất khẩu, thời trang toàn cầu. Đồng thời, đầu tư phát triển chuỗi cửa hàng hiện đại, kinh doanh tổng hợp... phục vụ đa dạng nhu cầu mọi phân khúc của người tiêu dùng.