Cổ phiếu dệt may đã đến thời điểm “bắt đáy”?
Giữ vững đà tăng trưởng doanh thu nhưng biên lợi nhuận gộp bị thu hẹp trong quý II/2022. Tổng doanh thu quý II/2022 của các công ty dệt may niêm yết tăng 22,4% so với cùng kỳ nhờ nhu cầu mạnh mẽ từ thị trường xuất khẩu chính như Mỹ và EU. Mỹ đã cho thấy nhu cầu bị dồn nén mạnh mẽ sau khi gỡ bỏ lệnh giãn cách. Người Mỹ đã quay trở lại văn phòng, kéo theo sự phục hồi về nhu cầu đối với các sản phẩm văn phòng như vest, áo sơ mi.
Tuy nhiên, ngoại trừ các doanh nghiệp sử dụng sợi bông, biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp dệt may giảm 0,3 điểm % do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao.
Bên cạnh đó, chi phí tài chính của các công ty dệt may tăng 109,3% so với cùng kỳ do khoản lỗ chênh lệch tỷ giá do nhập khẩu nguyên liệu đầu vào và các khoản vay bằng USD. Do đó, lợi nhuận ròng toàn ngành chỉ tăng 19,5% so với cùng kỳ trong quý II/2022.
Ảnh minh họa. |
Các doanh nghiệp sợi bông cũng ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng trong 6 tháng đầu năm 2022, khi tổng doanh thu của các công ty dệt may niêm yết tăng 28,3% so với cùng kỳ, trong khi lợi nhuận ròng 6 tháng 2022 tăng 38,7% so với cùng kỳ. Các công ty ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng nhất bao gồm: HTG (+224,3%), VGT (+43,1%) và TNG (+50,0%).
Các nhà sản xuất sợi bông cũng đã ghi nhận kết quả ấn tượng trong 6 tháng năm 2022 khi lợi nhuận ròng của VGT và HTG lần lượt tăng 43,1% và 224,3% so với cùng kỳ nhờ tồn kho bông giá thấp trong quý I/2022 và nhu cầu cao với sản phẩm bông.
Nhận định triển vọng những tháng cuối năm 2022 và 2023, bà Trần Khánh Hiền - Giám đốc Phân tích, Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT cho rằng, còn nhiều thách thức phía trước khi lạm phát cao có thể ảnh hưởng đến nhu cầu mua sắm thời trang ở Mỹ. Sau khi gỡ bỏ lệnh giãn cách, người Mỹ đã quay trở lại văn phòng, kéo theo sự phục hồi về nhu cầu đối với các sản phẩm văn phòng như vest, áo sơ mi. Do đó, giá trị nhập khẩu dệt may của Mỹ trong 6 tháng năm 2022 tăng 30,9% so với cùng kỳ, đạt 66,3 tỷ USD. Tuy nhiên, nhu cầu dệt may tại Mỹ có thể hạ nhiệt trong nửa cuối năm 2022 do lạm phát cao. Lạm phát tiêu dùng của Mỹ đã tăng nhanh lên gần 10% - một mức chưa từng thấy trong hơn bốn thập kỷ qua.
“Chúng tôi cho rằng nhu cầu của các mặt hàng quần áo cao cấp như áo sơ mi và áo phông làm từ sợi tái chế và sợi bông (giá cao hơn) sẽ chậm lại trong cuối năm 2022. Theo ban lãnh đạo các công ty may mặc, khách hàng Mỹ đã rút ngắn thời gian đặt hàng trước từ 6 tháng xuống còn 3 tháng do lượng hàng tồn kho cao và áp lực lạm phát. Các doanh nghiệp lớn như TCM, STK, ADS có đủ đơn đặt hàng cho quý III/2022 nhưng lượng đơn đặt hàng trong quý IV/2022 đã chậm lại do lo ngại về lạm phát”, bà Hiền cho hay.
Các chuyên gia kinh tế cũng cho biết, các công ty dệt may đang bước vào một chu kỳ đầu tư mới khi thị trường Mỹ và châu Âu dự kiến sẽ phục hồi trong quý II/2023. Trong năm 2023 có thể ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng của các doanh nghiệp lớn như: STK, MSH, HSM khi các nhà máy mới hoàn thành và đi vào hoạt động ở mức 80-85% công suất. Trong đó, STK và MSH được kỳ vọng sẽ ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ vào năm 2023 khi dự án Unitex hoàn thành và chạy thương mại vào quý IV/2022 trong khi nhà máy SH10 dự kiến chạy với 80% công suất vào năm 2023.
Vậy cổ phiếu dệt may liệu đã đến thời điểm “bắt đáy”, bà Trần Khánh Hiền cho rằng, cổ phiếu dệt may đã giảm khoảng 30,5% so với đầu năm sau sự điều chỉnh của thị trường và hiện đang được giao dịch ở mức P/E trung bình 12 tháng là 11 lần. Triển vọng của ngành dệt may sẽ phụ thuộc vào việc kiểm soát lạm phát tại các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ và EU. Hiện 85% doanh thu của các công ty dệt may đến từ xuất khẩu, trong đó Mỹ và EU chiếm 61%.
“Theo quan điểm của chúng tôi, định giá cổ phiếu dệt may như hiện nay tương đối rẻ nhưng vẫn chưa đủ hấp dẫn với những khó khăn trước mắt. Do đó, chúng tôi khuyến nghị trung lập đối với các cổ phiếu ngành dệt may”, bà Hiền nêu quan điểm, đồng thời cho rằng triển vọng của ngành dệt may sẽ tươi sáng hơn trong quý I/2023 do các sản phẩm dệt may sẽ được giảm thuế xuất khẩu vào thị trường EU vào năm 2023 nhờ EVFTA.
Theo Hiệp định Thương mại Tự do (FTA), các loại hàng may mặc bao gồm B3, B5, B7 sẽ được giảm 2-4% thuế xuất khẩu vào năm 2023. Ngoài ra, Ủy ban châu Âu dự báo lạm phát trong khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ đạt 8,3% vào năm 2022, trước khi giảm xuống 4,3% vào năm 2023.
"Lạm phát thấp hơn sẽ kích thích nhu cầu mua sắm các mặt hàng thời trang trong năm 2023. Do đó, chúng tôi kỳ vọng một số doanh nghiệp dệt may xuất khẩu vest, áo sơ mi, quần và váy sang châu Âu như MSH, M10, VGG, TNG sẽ được hưởng lợi từ EVFTA”, bà Hiền phân tích.