Ngành dịch vụ tài chính Việt Nam: Xu hướng và triển vọng M&A nào cho năm 2022?
Đối với ngành dịch vụ tài chính - ngân hàng, các hoạt động M&A được dự đoán sẽ tiếp tục nở rộ. Theo báo cáo mới nhất của PwC về Xu hướng M&A toàn cầu trong ngành dịch vụ tài chính: Triển vọng năm 2022, ngành này tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đã chứng kiến hoạt động M&A sôi nổi, được thúc đẩy bởi lòng tin và nhu cầu tăng cao của nhà đầu tư.
Thị trường M&A tại Việt Nam cũng đã trải qua một năm tích cực. Đơn cử có thể kể đến giao dịch chuyển nhượng 49% vốn điều lệ tại Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit) trị giá 1,4 tỷ USD của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) và Công ty Tài chính Tiêu dùng SMBC.
Đây là một trong những thương vụ lớn nhất trong thị trường M&A của ngành dịch vụ tài chính tại Việt Nam từ trước đến nay. Một số thương vụ nổi bật khác bao gồm việc Ngân hàng Thái Lan mua lại nhánh tài chính tiêu dùng của Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB), trị giá 156 triệu USD, và giao dịch mua lại 7,5% cổ phần tại Momo với trị giá 150 triệu USD của Ngân hàng Mizuho.
Bà Đinh Hồng Hạnh, Phó Tổng Giám đốc, Lãnh đạo Dịch vụ Tài chính, Công ty PwC Việt Nam & Ông Ong Tiong Hooi, Phó Tổng Giám đốc, Dịch vụ Tư vấn thương vụ và thẩm định giao dịch, Công ty PwC Việt Nam |
Các xu hướng ảnh hưởng đến hoạt động M&A của ngành dịch vụ tài chính tại Việt Nam
Tác động của đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động M&A của ngành dịch vụ tài chính. Để đảm bảo thành công trong năm 2022, các doanh nghiệp trong ngành cần chú trọng đặc biệt đến những xu hướng có thể tác động đến quá trình giao dịch.
Các thương vụ liên quan đến công nghệ và sáng tạo được kỳ vọng sẽ dẫn đầu thị trường M&A trong ngành dịch vụ tài chính; Hoạt động sáp nhập và thoái vốn sẽ được ưa chuộng hơn khi các ngân hàng, công ty bảo hiểm và quản lý tài sản tìm cách tối ưu hóa chi phí, tăng trưởng doanh thu và nâng cao hiệu quả và lợi nhuận. Theo báo cáo của PwC, một số xu hướng chính có tác động trực tiếp đến hoạt động M&A của ngành dịch vụ tài chính trong năm 2022 bao gồm:
Chuyển đổi số và công nghệ
Trong bối cảnh nhiều công ty fintech và công ty phi tài chính đang làm thay đổi cục diện, khả năng nâng cao công nghệ vẫn là chìa khóa giúp doanh nghiệp tài chính đạt được lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Nhiều ngân hàng và doanh nghiệp tài chính đã chọn cách chuyển đổi số và làm mới các dịch vụ nhằm đáp ứng áp lực tăng cao từ người tiêu dùng, cạnh tranh gia tăng cùng những lo ngại về lãi suất thấp và suy giảm lợi nhuận.
Trong những năm gần đây, các ngân hàng và tổ chức tài chính Việt Nam, đặc biệt là các công ty fintech, đã mở rộng và đa dạng hóa danh mục sản phẩm và năng lực số của mình. Một ví dụ nổi bật là sự hợp tác giữa Techcombank cùng Amazon Web Services và Backbase để triển khai các dịch vụ sử dụng điện toán đám mây. Do đó, trong năm 2022, các hoạt động M&A và hợp tác chiến lược được kỳ vọng sẽ tập trung vào các thương vụ và giao dịch nhằm nâng cao năng lực doanh nghiệp, ứng phó với rủi ro an ninh mạng và đẩy nhanh quá trình thanh toán.
“Tài chính nhúng” (Embedded finance)
Tài chính nhúng đang là xu hướng nổi bật hiện nay khi nhiều doanh nghiệp có thể tích hợp các dịch vụ tài chính vào hoạt động và danh mục dịch vụ của mình. Sự phát triển của nền kinh tế số đã thúc đẩy hợp tác giữa ngành dịch vụ tài chính và các kênh phân phối (như các nền tảng số) để tạo ra các giao dịch và cơ hội tài chính, chẳng hạn như cho vay tiêu dùng thông qua các kênh kỹ thuật số B2C. Ngoài ra, các doanh nghiệp tài chính lớn, bao gồm các ngân hàng phát hành thẻ, có thể sẽ tận dụng M&A để tăng cường năng lực nhằm cạnh tranh với các công ty fintech trong nhiều dịch vụ mới nổi, ví dụ như Mua trước - Trả sau (Buy Now, Pay Later).
Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG)
Không có gì đáng ngạc nhiên khi phân ngành Quản lý tài sản và của cải (AWM) dẫn đầu trong việc thích ứng với những thách thức phức tạp của ESG. Việc ESG và các lựa chọn đầu tư bền vững đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư đã khiến các công ty AWM phải đánh giá lại các mục tiêu mang tính ảnh hưởng trong việc mua bán và sáp nhập như thiết kế sản phẩm, phân bổ vốn và hiệu suất công việc. Tương tự, ngành bảo hiểm và ngân hàng cũng được thiết lập để đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp cơ sở hạ tầng tài chính để hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh.
Ở cấp quốc gia, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Sổ tay Đánh giá Rủi ro Môi trường và Xã hội cho 10 ngành kinh tế trong hoạt động tín dụng như bước đầu tiên tích hợp các tiêu chí ESG vào hoạt động ngành ngân hàng năm 2018. Mới đây, NHNN trong một cuộc hội thảo, đã xúc tiến xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Khi mối quan tâm về các mục tiêu tuân thủ ESG ngày càng gia tăng, chúng tôi tin rằng những hành động trên sẽ tác động trực tiếp đến việc quản lý rủi ro và kiến tạo giá trị của ngành dịch vụ tài chính.
Mua bán & Sáp nhập (M&A) gặp khó khăn
Nhận thấy các tổ chức dịch vụ tài chính, đặc biệt là ngân hàng và các công ty bảo hiểm, đang tập trung vào các hoạt động trong nước và thị trường cốt lõi của họ, chúng tôi dự đoán các hoạt động giao dịch liên quan đến việc mua bán doanh nghiệp không giá trị cốt lõi, không lợi nhuận và sự xuất hiện của các nền tảng hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ sẽ phát triển trong thời gian tới.
Ngoài ra, nhu cầu mạnh mẽ từ các công ty cổ phần tư nhân chuyên biệt cũng có thể khiến các hoạt động M&A và các giao dịch danh mục đầu tư gặp khó khăn, do các ngân hàng sẽ tìm cách thoái vốn các tài sản cho vay kém hiệu quả để tối ưu hóa cơ sở tài sản, bảng cân đối kế toán và tỷ lệ vốn của họ.
Lựa chọn năng lực phù hợp - Chìa khóa cho các thương vụ thành công
Các giao dịch tại Việt Nam đang có sự chuyển hướng tập trung từ việc thu mua thuần túy sang hợp tác đôi bên cùng có lợi.
Để tận dụng hiệu quả các cơ hội trong bối cảnh thị trường phục hồi, yếu tố phù hợp với năng lực doanh nghiệp cần phải được cân nhắc một cách kỹ lưỡng để tối đa hóa lợi nhuận của giao dịch. Năng lực ở đây được hiểu là sự kết hợp toàn diện của các quy trình, công cụ, công nghệ, kỹ năng và hành vi cho phép công ty cung cấp những giá trị khác biệt cho khách hàng của mình.
Những phát hiện trong một nghiên cứu gần đây của PwC về 800 thương vụ sáp nhập toàn cầu trong hơn một thập kỷ qua đã chỉ ra rằng các giao dịch phù hợp với năng lực doanh nghiệp có khả năng tạo ra tổng giá trị hoàn vốn cổ đông thường niên cao hơn nhiều so với những giao dịch không phù hợp. Những giao dịch này cho phép người mua đánh giá kỹ lưỡng khả năng thích ứng của doanh nghiệp trước sự thay đổi của môi trường và tập trung vào những điểm mạnh mà họ có thể tận dụng cũng như những điểm yếu cần được cải thiện để thành công.
Nhìn chung, Việt Nam đang ở vị thế tốt để duy trì và thúc đẩy các hoạt động M&A ngành dịch vụ tài chính trong năm 2022. Để tối đa hóa và nâng cao lợi nhuận từ các thương vụ khác nhau, các tổ chức tài chính có thể xem xét mô hình 5 bước dưới đây để cân nhắc yếu tố ‘phù hợp với năng lực’ khi thực hiện các giao dịch của doanh nghiệp.
Đối mặt với các áp lực gia tăng đến từ COVID-19 và cạnh tranh cùng các công ty fintech và insurtech (bảo hiểm công nghệ), ngành dịch vụ tài chính tại Việt Nam vẫn được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong tương lai gần, dựa trên các kết quả và thành tích đáng kể trong thời gian qua.