Ngành gỗ tiếp tục gửi kiến nghị tới Thủ tướng
Nguy cơ phá sản, mất thị trường, mất đơn hàng
Chủ tịch Viforest, ông Đỗ Xuân Lập, cho biết kết quả khảo sát nhanh của các hiệp hội địa phương vào trung tuần tháng 8/2021 đối với 360 doanh nghiệp tại Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Định cho thấy hơn 50% doanh nghiệp dừng sản xuất.
Những doanh nghiệp này đang đối diện nguy cơ phá sản do vẫn phải trả chi phí thuê mặt bằng, các khoản thuế, phí, lãi… Những doanh nghiệp còn hoạt động cũng chỉ duy trì được khoảng 50-60% số lao động và công suất giảm từ 30-50%...
Để duy trì sản xuất 3 tại chỗ, chi phí của doanh nghiệp ngành gỗ tăng thêm 20-30% |
Trước khó khăn bủa vây doanh nghiệp ngành gỗ, cùng ngày, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã họp nhanh với các doanh nghiệp và các hiệp hội doanh nghiệp ngành gỗ.
Trong cuộc họp này, các doanh nghiệp cho biết, chi phí để duy trì sản xuất theo phương thức ba tại chỗ, hai tại chỗ, chi phí cho mỗi lao động tăng thêm từ 5-6 triệu đồng/tháng/lao động, thậm chí cao hơn tùy theo địa phương do phải chi thêm các khoản ăn, ở tại chỗ, xét nghiệm nhanh COVID-19, xét nghiệm RT-PCR cho người lao động.
“Tính chung, để duy trì hoạt động, chi phí của doanh nghiệp tăng thêm 20-30%”, ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh cho biết thêm.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn phải chịu các khoản chi phí tăng thêm khác như cước vận chuyển container tăng từ 2-4 lần, chi phí gửi hồ sơ L/C để thanh toán. Đồng thời, doanh nghiệp vẫn phải đóng bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp, phí công đoàn chiếm khoảng 15% chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đây cũng thực sự là gánh nặng khiến doanh nghiệp rất khó cầm cự. Hầu hết các doanh nghiệp không hoàn thành các đơn hàng đã nhận, hoặc phải giãn thời gian giao hàng.
“Nếu tình hình không được cải thiện thì doanh nghiệp ngành gỗ có thể phải đối diện với nguy cơ mất khách hàng, mất các thị trường chiến lược và mất khả năng tham gia hiệu quả vào các chuỗi cung ứng sản phẩm gỗ đã có uy tín trên thị trường thế giới trong nhiều năm qua”, ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (Bifa) cho biết.
Từ thực tế trên, các doanh nghiệp ngành gỗ đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành hỗ trợ để doanh nghiệp duy trì sản xuất, giảm thiểu đứt gãy chuỗi cung và mất các đơn hàng.
Miễn phí công đoàn, giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp vùng dịch
Đề nghị đầu tiên từ doanh nghiệp là cần nâng hạng ưu tiên tiêm vắc-xin cho người lao động ngành gỗ từ mức 13/16 lên mức 8/16 trong bảng xếp hạng của Bộ Y tế. Ưu tiên tiêm cho 100% cho lao động vùng dịch và các nhà máy đang duy trì sản xuất cả ở trong và ngoài các khu công nghiệp.
“Nếu không điều chỉnh tiêu chuẩn này thì việc phân bổ vắc-xin ở các địa phương vẫn phải đi theo quy chế cũ”, Chủ tịch Bifa phát biểu.
Doanh nghiệp cũng đề nghị được tự lựa chọn áp dụng phương thức ba tại chỗ hoặc hai tại chỗ tùy theo tình hình thực tế; cho phép người lao động của doanh nghiệp được di chuyển đến các tỉnh khác để làm việc sau khi đã tiêm đủ 2 hoặc 1 mũi vắc-xin và thực hiện nghiêm túc 5K; cho doanh nghiệp tự xét nghiệm COVID-19 đối với người lao động và được các cơ quan chức năng công nhận kết quả xét nghiệm của doanh nghiệp; hỗ trợ chi phí xét nghiệm cho doanh nghiệp.
Đồng thời, không hình sự hóa đối với chủ doanh nghiệp trong trường hợp phát sinh các F0; kịp thời đưa các ca F0 được phát hiện ra khỏi nhà máy đến các cơ sở y tế để điều trị sớm nhất; cần có quy định về phân loại F0 để có cơ sở bố trí cách ly và chữa trị tại nhà hoặc tại công ty, công bố thành phần túi thuốc y tế và các loại thuốc đặc trị COVID-19 để nhân dân và các công ty có thể tự điều trị cho F0 tại gia đình và tại công ty nhằm giảm tải cho hệ thống y tế Nhà nước.
Đề nghị tiếp theo là miễn đóng phí công đoàn cho tới ngày 30/6/2022 và cho phép doanh nghiệp sử dụng nguồn kinh phí này nhằm hỗ trợ trực tiếp cho người lao động. Doanh nghiệp và công đoàn được sử dụng quỹ công đoàn tại doanh nghiệp để chi trả cho các khoản chi phí xét nghiệm cho người lao động, hỗ trợ người lao động gặp khó khăn.
Doanh nghiệp ngành gỗ cũng đề nghị được tiếp cận với nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất từ 3-6 tháng…
Hiện nay, Bộ Tài chính đã đề nghị Chính phủ đề xuất giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp của năm 2021, với các đối tượng có tổng doanh thu không quá 200 tỷ đồng. Các doanh nghiệp ngành gỗ đề nghị chính sách này nên áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp bị ảnh hưởng vì đại dịch, nằm trong vùng thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg.
Đồng thời, giảm 50% thuế TNDN phải nộp trong năm 2021 và giảm 30% thuế TNDN trong 2 năm tiếp theo để doanh nghiệp có thời gian phục hồi; miễn 50% tiền thuê đất năm 2021, giảm 25% tiền thuê đất trong 2 năm tiếp theo, không điều chỉnh tăng giá thuê đất vượt quá 10% trong 5 năm giai đoạn sau so với giá thuê đất mà doanh nghiệp đã thuê ở 5 năm giai đoạn trước; hoàn thuế GTGT nhanh nhất trong thời gian giãn cách, được phép hoàn trước, kiểm sau nhằm giúp các doanh nghiệp có thêm nguồn vốn để duy trì sản xuất và trả lương người lao động.