Ngành gỗ và lâm sản nỗ lực xuất khẩu
Theo ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), thách thức từ đại dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu thuyên giảm, cùng với thời tiết nắng nóng kéo dài, nguy cơ cháy rừng đang ở cấp độ cao, khiến công tác chỉ đạo điều hành tại các điểm nóng về quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng gặp khó khăn. Trong 6 tháng đầu năm 2021, toàn ngành đã tập trung đẩy mạnh sản xuất, quyết liệt đưa ra các giải pháp kịp thời và phù hợp, góp phần thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Song song với đó, ngành cũng chủ động nắm bắt tình hình điểm nóng để khoanh vùng các địa bàn trọng điểm…
Doanh nghiệp gỗ nỗ lực vượt khó thời dịch bệnh |
Nhờ đó, xuất khẩu gỗ và lâm sản nửa đầu năm 2021 ước đạt 8,71 tỷ USD, tăng 61,6% so với cùng kỳ năm 2020. Các thị trường xuất khẩu gỗ và lâm sản chính của Việt Nam gồm: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc với giá trị xuất khẩu ước đạt trên 7,68 tỷ USD, chiếm khoảng 89% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Trong đó, Hoa Kỳ tăng trên 99% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là EU tăng 54%; Trung Quốc tăng 22,9%; Nhật Bản tăng 11%; Hàn Quốc tăng 7%.
Nhập khẩu nguyên liệu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt trên 1,54 tỷ USD, tăng 39% so cùng kỳ. Thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chính của Việt Nam hiện nay gồm: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Pháp, Thái Lan, Chi Lê với giá trị nhập khẩu ước đạt 894 triệu USD, chiếm 58% giá trị nhập khẩu của cả nước. Như vậy, nửa đầu năm 2021, ngành lâm nghiệp ước xuất siêu đạt 7,2 tỷ USD, tăng 67,4%.
Với đà tăng trưởng này, ông Bùi Chính Nghĩa - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp nhận định, dự báo cả năm 2021 đạt khoảng 3 tỷ USD, tăng 17% so với năm 2020. Trong bối cảnh dịch Covid-19, trị giá hàng xuất khẩu vẫn tăng 17% góp phần quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu chung của toàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam thông tin thêm, đơn hàng cho các tháng còn lại của năm 2021 tiếp tục tăng, phần lớn doanh nghiệp ngành gỗ đã nhận được các đơn hàng cho tới cuối năm 2021, ước tính tăng 30% so với năm 2020. Một phần là do các doanh nghiệp gỗ đã thích ứng được tình hình mới, tăng cường giao thương trực tuyến tìm đối tác nước ngoài mở rộng xuất khẩu. Nên dù dịch bệnh ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh, nhưng khách hàng nước ngoài vẫn tin tưởng tìm nguồn cung tại Việt Nam ngày một tăng.
Về khai thác lâm sản, sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng tập trung khoảng 6,8 triệu m3, bằng 32% kế hoạch năm 2021 và 114% so với cùng kỳ năm 2020. Thu từ dịch vụ môi trường rừng tăng 67% so với cùng kỳ năm 2020. Cụ thể, tổng số tiền đã thu được 1.431,7 tỷ đồng. Chi trả dịch vụ môi trường rừng, tổng số tiền đã thu được 1.431,7 tỷ đồng, đạt 51% kế hoạch thu năm 2021, tăng 67% so với cùng kỳ năm 2020.
Bên cạnh kết quả đạt được, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Bùi Chính Nghĩa cũng đưa ra một số tồn tại khó khăn, hạn chế của ngành. Cụ thể như, hoạt động đấu tranh, ngăn chặn vi phạm tại các điểm nóng về bảo vệ rừng bị hạn chế do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Vẫn còn một số điểm nóng về phá rừng tại một số tỉnh như: Bắc Kạn, Sơn La, Thừa Thiên - Huế, Đắk Nông, Gia Lai. Một bộ phận lớn lao động phổ thông không có việc làm đã trở về địa phương và tìm kiếm nguồn thu từ việc khai thác rừng trái pháp luật.
Mặt khác, do ảnh hưởng nắng nóng gay gắt, hanh khô, hạn hán kéo dài nhiều ngày đúng vào mùa làm nương rẫy nên đã xảy ra một số vụ cháy rừng, gây thiệt hại về rừng. Cùng đó, ảnh hưởng của dịch Covid-19 và thời tiết khô hạn, nắng nóng cũng ảnh hưởng đến tiến độ trồng rừng của một số địa phương.
Tình hình vi phạm về phá rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật vẫn còn tồn tại điểm nóng về phá rừng, vận chuyển, tàng trữ lâm sản trái phép và chống người thi hành công vụ, nhất là các tỉnh khu vực Tây Nguyên.
Đánh giá cao những nỗ lực của ngành lâm nghiệp trong 6 tháng đầu năm, góp phần vào sự tăng trưởng chung cả toàn ngành nông nghiệp. Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhìn nhận, xuất khẩu năm nay ngoài khó khăn về thị trường do ảnh hưởng của dịch bệnh, thì những rào cản thương mại xuất hiện cũng là trở ngại mà ngành lâm nghiệp phải đối mặt. Đáng kể nữa là chi phí logistics tăng cao làm giảm sức cạnh tranh, ảnh hưởng tới tăng trưởng của ngành gỗ trong thời gian tới… Tuy nhiên, công tác phát triển rừng,giữ rừng, tăng độ che phủ hiện đang được thực hiện rất tốt, ổn định ở mức 42%.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh nhấn mạnh, trong thời gian tới, ngành lâm nghiệp phải đẩy mạnh công tác phòng, chống cháy rừng, không để cháy rừng lớn xảy ra; coi trọng công tác phát triển rừng. Đối với vấn đề bảo vệ rừng, điểm nhấn quan trọng nhất là công tác phòng, chống chặt phá rừng, nhằm tạo nguồn nguyên liệu cho chế biến. Trong xuất khẩu, cần chú trọng chế biến sâu, đa đạng hơn để thu hút thị trường nước ngoài.