Ngành Ngân hàng Gia Lai đáp ứng đủ và kịp thời nhu cầu vốn của người dân và doanh nghiệp
Nỗ lực vượt khó
Trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước, năm 2023, tình hình kinh tế của tỉnh Gia Lai đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có các yếu tổ tác động không thuận lợi như: giá cả vật liệu xây dựng, vật liệu nông nghiệp, xăng dầu và nhiều loại hàng hóa cơ bản khác có xu hướng tăng làm tăng chi phí sản xuất, vận tải, logistics…
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, song với sự nỗ lực phấn đấu của các ngành, các cấp, của người dân và doanh nghiệp, trong năm 2023, tỉnh Gia Lai triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tếc - xã hội. Có 17/24 chỉ tiêu đạt và vượt nghị quyết đề ra.
Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân liên quan lĩnh vực ngân hàng đã được triển khai kịp thời, đúng đối tượng |
Ông Quế cho hay, có nhiều chỉ tiêu đạt và vượt so với năm 2022 như: giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản (theo giá so sánh năm 2010) ước đạt 34.360 tỷ đồng, tăng 7,18% so với năm 2022; giá trị sản xuất công nghiệp ước thực hiện khoảng 31.620 tỷ đồng, đạt 100% nghị quyết, tăng 9,45% so với năm 2022. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn ước thực hiện 42.000 tỷ đồng, đạt chỉ tiêu nghị quyết đề ra, tăng 9,28% so với năm trước; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 680 triệu USD, đạt chỉ tiêu nghị quyết, tăng 3,03% so với năm 2022.
Ngoài ra, hoạt động du lịch có nhiều khởi sắc khi đón trên 1,15 triệu lượt khách du lịch, tăng 19,8% so với năm 2022, vượt 4,6% chỉ tiêu kế hoạch năm 2023. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục được triển khai đồng bộ. Tình hình an ninh chính trị, an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững ổn định.
Theo đánh giá của UBND tỉnh Gia Lai, hoạt động sản xuất, kinh doanh của địa phương vẫn còn gặp khó khăn, dẫn đến chi phí đầu vào cho sản xuất nông nghiệp cao. Trong khi đó, giá cả một số mặt hàng nông sản chủ lực đã dần tăng nhưng còn ở mức thấp; dịch bệnh cây trồng, vật nuôi còn tiềm ẩn; chậm giải ngân xây dựng cơ bản, các dự án thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế chậm triển khai...
Mặc dù đối mặt với nhiều thách thức, song nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội của tỉnh Gia Lai có sự chuyển biến tích cực, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân được triển khai kịp thời, đúng đối tượng; phối hợp triển khai tốt dự án kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên; tình hình an ninh chính trị trên địa bàn được giữ vững…
Đóng góp vào kết quả khả quan đó có vai trò không nhỏ của ngành Ngân hàng tỉnh Gia Lai trong việc kịp thời triển khai đưa các chính sách của Chính phủ, NHNN vào đi vào cuộc sống. Theo Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Nghị, năm 2023, trong bối cảnh nền kinh tế đối mặt với nhiều thách thức, để kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn vay ngân hàng để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, chi nhánh đã triển khai, thực hiện đồng bồ các cơ chế chính sách có liên quan đến hoạt động ngân hàng theo chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của Thống đốc NHNN.
Điển hình, chi nhánh triển khai kịp thời Chỉ thị số 01/CT-NHNN của Thống đốc NHNN; đẩy mạnh thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất; triển khai chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; thực hiện chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản; đẩy mạnh thực hiện chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp...
Ông Nghị cho hay, với những giải pháp kịp thời, bám sát hoạt động phát triển kinh tế, xã hội địa phương nên các chương trình tín dụng của ngành Ngân hàng tỉnh Gia Lai triển khai phát huy hiệu quả tích cực, góp phần quan trọng phục hồi nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp...
Góp phần không nhỏ vào phục hồi sản xuất, kinh doanh
Năm 2023, tăng trưởng tín dụng trên địa bàn tỉnh Gia Lai không cao như những năm trước, mặc dù các TCTD trên địa bàn đã chủ động giảm lãi suất cho vay để tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận vốn. Ông Lý Anh Đào, Giám đốc SHB Gia Lai chia sẻ, mặc dù nguồn vốn cho vay khá dồi dào nhưng nhiều cá nhân, tổ chức không hấp thụ được do phương án kinh doanh không hiệu quả, chưa rõ ràng. Đồng hành chia sẻ cùng khó khăn của khách hàng, SHB xác định việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng cũng chính là tháo gỡ khó khăn cho chính ngân hàng, vì vậy SHB triển khai nhiều gói ưu đãi tín dụng cho khách hàng doanh nghiệp và cá nhân.
ÔNg Đào cho biết, đối với doanh nghiệp, chi nhánh cho vay bổ sung vốn lưu động bằng VNĐ, thời hạn vay ngắn hạn, lãi suất cho vay thấp nhất 8,97%/năm, áp dụng cố định lãi suất 6 tháng. Cho vay tiêu dùng lãi suất cố định 9%/năm trong 6 tháng đầu. Với doanh nghiệp do ngân hàng bảo lãnh, ưu đãi phí, ngoài giảm 40% phí đối với khách hàng thông thường, còn giảm thêm tối đa 50% mức phí sau giảm đối với khách hàng thông thường…
Nhiều gói tín dụng ưu đãi được các TCTD kịp thời triển khai đến với người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai |
Còn với cá nhân, SHB dùng 2 gói ưu đãi với tổng số tiền trên 15.000 tỷ đồng. Trong đó, gói 5.000 tỷ đồng dành nhiều hỗ trợ, giảm lãi suất, tri ân đối với khách hàng hiện hữu đang vay vốn và có thời gian đồng hành cùng SHB. Gói 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ khách hàng mới có phương án kinh doanh khả thi, kinh doanh các ngành quan trọng trong việc phục hồi sản xuất kinh doanh. Lãi suất cho vay thấp nhất 8,9%/năm cho khoản vay ngắn hạn dưới 1 năm.
Bên cạnh đó, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, SHB đã tiền hành phân loại khách hàng, hỗ trợ cơ cấu nhiều khách hàng gặp khó khăn tạm thời. SHB có những phương án, giải pháp kịp thời, thiết thực để hỗ trợ cho khách hàng trong thời điểm khó khăn, thông qua đó cũng giúp SHB làm tốt công tác quản trị rủi ro, tiết giảm chi phí, minh bạch chính sách và hoàn thành mục tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2023, với phương châm tháo gỡ, san sẻ khó khăn cho khách hàng là tự giúp mình trong giai đoạn điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
Còn theo ông Phan Tiến Thu, Giám đốc Agribank Đông Gia Lai, năm 2023, với nhiều thách thức, chi nhánh giữ quan điểm xuyên suốt là tăng trưởng thận trọng, sẵn sàng đối mặt với những thách thức, khó khăn; luôn chủ động cân đối nguồn vốn để cho vay, đáp ứng đầy đủ và kịp thời nhu cầu vốn của người dân và doanh nghiệp phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh; đặc biệt chú trọng đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chiếm gần 80% dư nợ, với 39.000 hộ nông dân đang vay vốn.
Ông Nghị cho hay, thời gian qua, tín dụng ngân hàng đang phát huy hiệu quả và chất lượng tín dụng được nâng cao rõ rệt. Ước đến cuối năm 2023, tổng dư nợ cho vay trên địa bàn khoảng 112.000 tỷ đồng, tăng 8,7% so với cuối năm 2022. Nợ xấu khoảng 1.695 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 1,51% tổng dư nợ, đã giảm nhiều so với cuối năm 2022, tỷ lệ nợ xấu giảm 0,07%.
Cùng với đó, các TCTD trên địa bàn tích cực triển khai các chương trình, chính sách tín dụng và phát huy hiệu quả tích cực. Trong đó, tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đến tháng 10/2023 đạt 52.249 tỷ đồng, chiếm 47,4% tổng dư nợ với 269.594 khách hàng còn dư nợ. Dư nợ cho vay mua máy, thiết bị và dự án đầu tư dây chuyền máy, thiết bị đến cuối quý III/2023 đạt 183,5 tỷ đồng, với 1.398 khách hàng còn dư nợ.
Cho vay chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp đến cuối quý III/2023 khoảng 4.349 tỷ đồng với 68 doanh nghiệp. Trong đó, dư nợ cho vay mới 4.319 tỷ đồng của 66 doanh nghiệp, dư nợ cơ cấu lại 30 tỷ đồng của 2 doanh nghiệp. Dư nợ cho vay chương trình cho vay phục vụ tái canh cà phê đến cuối quý III/2023 hơn 116,6 tỷ đồng, với 175 khách hàng còn dư nợ. Cho vay chương trình bình ổn thị trường đến cuối quý III/2023 đạt 1.302 tỷ đồng, trong đó ngắn hạn 1.280 tỷ đồng, trung dài hạn là 22 tỷ đồng. Chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch dư nợ đạt 563,5 tỷ đồng, với 110 khách hàng. Chương trình tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 17.983 tỷ đồng, với 1.776 doanh nghiệp.
Hoạt động của ngành Ngân hàng tỉnh Gia Lai có đóng góp không nhỏ vào việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương |
Song song đó, hoạt động hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại do ảnh hưởng của dịch Covid-19 được triển khai mạnh mẽ, từ đầu năm 2023 đến 31/10/2023, doanh số cho vay đạt 176,7 tỷ đồng, với 1.080 lượt hộ vay, đạt 80,2% kế hoạch giao… Đồng thời, các TCTD trên địa bàn thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, đến cuối tháng 10/2023 tổng giá trị nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ lũy kế là 1.230,1 tỷ đồng; trong đó, nợ gốc 1.189 tỷ đồng, lãi 41,1 tỷ đồng; số lượt khách hàng được cơ cấu lại nợ lũy kế 63 khách hàng…
Có thể nói, hoạt động của ngành Ngân hàng tỉnh Gia Lai có những đóng góp không nhỏ vào việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Các TCTD đã tích cực triển khai thực hiện các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN, tích cực thực hiện các giải phám nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, chính sách hỗ trợ lãi suất...
Đặc biệt, các TCTD tích cực triển khai các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng tín dụng, tích cực xử lý nợ xấu, nhờ đó tỷ lệ nợ xấu đã giảm 0,07% so với cuối năm 2022 và hiện chỉ chiếm tỷ trọng 1,51% tổng dư nợ. Đó là sự nỗ lực lớn của ngành Ngân hàng tỉnh Gia Lai, góp phần không nhỏ vào phục hồi sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, ổn định an sinh xã hội địa phương.