Ngành Ngân hàng vẫn sẽ tiên phong trong chuyển đổi số
2021 - năm bản lề để Việt Nam thực hiện chiến lược chuyển đổi số | |
Chuyển đổi số giúp TPBank hoàn thành vượt mức kế hoạch 2020 | |
Ngân hàng chuyển đổi số, khách hàng hưởng lợi |
Ông Phạm Thế Trường, Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam. |
2021 được nhiều chuyên gia nhìn nhận sẽ là năm bản lề trong quá trình chuyển đổi số trên thế giới, ông đánh giá nhận định này như thế nào?
Điểm sáng trong chuyển đổi số năm 2021 phải kể đến những thuận lợi, hậu thuẫn từ Chính phủ. Hiện, chương trình “Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" được Chính phủ phê duyệt vào đầu tháng 6/2020 đã thay đổi cam kết và tầm tầm nhìn về chuyển đổi số. Nhờ đó, các doanh nghiệp sẽ có được "hành lang" để nhận những sự hỗ trợ cần thiết cho chuyển đổi và sáng tạo.
Chưa bao giờ chúng tôi được thấy sự quyết tâm về chuyển đổi số diễn ra như hiện nay. Từ những thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM đến Yên Bái, Lào Cai, Đồng Tháp Mười, Cà Mau... tất cả các tỉnh đều đang chuyển đổi, không ngoại trừ bất kỳ doanh nghiệp, ngành, nghề nào. Điều này tạo ra cơ hội cũng như thách thức rất lớn với mọi doanh nghiệp, tổ chức bao gồm cả Chính phủ.
Ngay tại Microsoft Việt Nam, thời gian vừa qua, lượng các cuộc họp của cá nhân tôi hay doanh nghiệp với các cơ quan Chính phủ đã tăng đột biến. Chưa bao giờ tôi thấy bên Bộ Tư Pháp muốn tìm hiểu về chuyển đổi số như bây giờ. Bởi, chuyển đổi số phải thay đổi rất nhiều thứ, trong đó, việc quản lý kỷ cương, hướng dẫn đến từng doanh nghiệp, người dân trên nền tảng số là vô cùng quan trọng.
Từ Chính phủ điện tử, thành phố thông minh… không chỉ nằm trên giấy mà hiện đã có nhiều tỉnh, thành tuyên bố 60-70% dịch vụ công đã được triển khai và người dân bắt đầu được tương tác với nền tảng số.
Cùng với đó, sự thuận lợi tiếp theo đến từ chính sự ham hiểu biết, khả năng học hỏi, thích nghi của người Việt Nam. Tuy nhiên, thách thức là doanh nghiệp phải làm sao để không chỉ có những cá nhân giỏi mà cần có cả một tập thể giỏi.
Để chuyển đổi số thành công, doanh nghiệp cần đáp ứng những yêu cầu gì?
Hàm lượng công nghệ chính là nhân tố quyết định chuyển đổi số thành công. Các doanh nghiệp có hàm lượng công nghệ cao sẽ hội tụ đủ 4 yếu tố quan trọng của quá trình chuyển đổi số.
Thứ nhất là tầm nhìn và chiến lược của doanh nghiệp. Nhiệm vụ của các doanh nghiệp không đơn thuần là làm thế nào để có thể trở lại trạng thái bình thường như trước, mà cần sự kiên cường hơn trong một thế giới đã thay đổi. Tầm nhìn được thể hiện qua chiến lược. Doanh nghiệp cần suy nghĩ xa hơn những gì tổ chức nghĩ là có thể - đặc biệt trong thời điểm mà tốc độ và sự nhanh nhạy là thiết yếu để tồn tại.
Thứ hai là văn hóa hỗ trợ chiến lược và tầm nhìn, cũng như kích hoạt và trao quyền cho nhân viên. Các tổ chức chuyển đổi số thành công khi toàn bộ nhân viên thống nhất và làm việc trên những giá trị và tầm nhìn mà họ được chia sẻ. Họ cần được tiếp cận với các ý tưởng, quy trình và công nghệ mới - đó là những gì cần thiết để xây dựng khả năng phục hồi.
Thứ ba, khám phá được tiềm năng khác biệt của tổ chức sẽ đáp ứng và thích nghi với hoàn cảnh dễ dàng hơn. Mọi tổ chức đều có những tiềm năng nhưng điều quan trọng là tìm ra điểm mấu chốt có thể khiến doanh nghiệp khác biệt theo một cách hoàn toàn mới.
Thứ tư là sự kết hợp giữa năng lực về con người và năng lực về công nghệ. Doanh nghiệp cần có nguồn lực nhân sự được trang bị kỹ năng phù hợp để thực hiện chuyển đổi. Họ cũng cần có những nền tảng công nghệ thích hợp và an toàn với khả năng trao quyền cho nhân viên tiếp cận từ xa và phát triển kinh doanh trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Hội tụ đủ 4 yếu tố này doanh nghiệp sẽ đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo ra những sản phẩm, dịch vụ, và mô hình kinh doanh khác biệt trong thời đại mới.
Ông đánh giá như thế nào về quá trình chuyển đổi số ngân hàng trong thời gian qua?
Ngân hàng là một trong những ngành lâu đời dùng công nghệ sớm và nhiều nhất. Nhiều ngân hàng đã đầu tư mạnh vào công nghệ nhằm cải tiến hiệu quả của các sản phẩm, dịch vụ tài chính của mình.
Tuy nhiên, đây cũng là ngành gặp nhiều thách thức nhất. Bởi, các đối thủ cạnh tranh mới như nhóm phi ngân hàng cũng bước vào lĩnh vực tài chính và sử dụng công nghệ trong việc cung cấp các sản phẩm và dịch vụ tài chính để cạnh tranh với chính các ngân hàng.
Theo ông, công nghệ hiện nay đã đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi số ngân hàng?
Áp dụng công nghệ chỉ là bước đầu để ngân hàng chuyển đổi thành doanh nghiệp số. Để chuyển đổi số thành công, yếu tố quyết định vẫn là con người rồi mới đến quy trình và công nghệ.
Lãnh đạo một ngân hàng từng chia sẻ về đơn vị mình, ở đó họ có thể phê duyệt một dự án triệu USD chỉ sau một đêm và hiện nay họ đang triển khai rất mạnh mẽ Robotics (công nghệ robot). Năm 2021, lãnh đạo ngân hàng này đã phê duyệt triển khai 150 robot, với số lượng robot “chạy vòng quanh” trong hoạt động của hệ thống ngân hàng đã tăng hiệu năng hoạt động của ngân hàng lên rất nhiều lần. Chỉ cần khách hàng bước vào, họ đã biết khách hàng là ai, số dư bao nhiêu…
Bên cạnh đó, thế mạnh của người Việt Nam đó là sự học hỏi rất nhanh. Một ngân hàng triển khai thành công thì các ngân hàng khác sẽ học hỏi kinh nghiệm và tìm ra được hướng đi riêng cho chính ngân hàng mình.
Giải pháp nào thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đối số ngân hàng, thưa ông?
Trong năm tới, ngành Ngân hàng vẫn sẽ là ngành tiên phong áp dụng công nghệ trong hoạt động chuyển đổi số. Điều này cũng tạo ra chính áp lực cho ngân hàng. Vì vậy, nói đến giải pháp thì có rất nhiều nhưng quan trọng vẫn là cách lựa chọn đường đi.
Điều quan trọng nhất quyết định thành công khi thực hiện chuyển đổi số đối với ngân hàng hay bất kỳ một doanh nghiệp, tổ chức nào, là ở sự sẵn sàng về phương diện lãnh đạo và sẵn sàng về phương diện tổ chức. Cần nhất là sự quyết tâm của người lãnh đạo và sự đồng tâm vào cuộc của cả tổ chức để làm nên sự chuyển đổi.
Xin cảm ơn ông!