Ngành thương mại, dịch vụ lao đao trong “sóng” dịch
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cho biết, đang tiến hành tăng trữ lượng hàng hóa thiết yếu và nâng cao mức độ chống dịch tại toàn bộ hệ thống bán lẻ nhằm đảm bảo môi trường mua sắm an toàn cho người dân. Theo đó, hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op gồm Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smile… đã bắt đầu tiến hành tăng lượng dự trữ nhằm đảm bảo sẽ cung cấp đều đặn với giá cả bình ổn ra thị trường trong tối thiểu 6 tháng tới với các mặt hàng nhu yếu phẩm như đường, gạo, dầu ăn, muối, nước mắm, dầu ăn, thịt, trứng, thực phẩm khô và đặc biệt là các mặt hàng chống dịch như các loại gel, nước rửa tay, xà bông, khẩu trang vải sát khuẩn.
Việc đảm bảo an toàn được thực hiện nghiêm túc tại các siêu thị |
Đồng thời, hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op cũng kích hoạt hàng loạt các biện pháp phòng chống dịch tại văn phòng làm việc và toàn bộ khu vực mua sắm của siêu thị. Toàn bộ khách hàng đến mua sắm tại siêu thị đều được yêu cầu đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, giữ khoảng cách trong quá trình mua sắm và chờ tính tiền tại khu vực thu ngân. Đồng thời, hàng loạt siêu thị Co.opmart và Co.opXtra đã phối hợp cùng các cơ quan y tế tiến hành khử trùng không gian mua sắm, tổng rà soát công tác phòng chống dịch và triển khai lấy tầm soát hàng nghìn mẫu xét nghiệm cho nhân viên.
Ông Nguyễn Anh Đức - Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết, hệ thống bán lẻ này một lần nữa kích hoạt chế độ chống dịch và có phần nâng cao mức độ do đợt tái lại này dịch bệnh có dấu hiệu diễn biến phức tạp hơn lần trước. Hai nhiệm vụ trọng tâm hiện nay của Saigon Co.op trong giai đoạn này là đảm bảo an ninh lương thực và đảm bảo môi trường mua sắm an toàn cho người dân, trong đó các phương án vận chuyển hàng hóa, cách ly nếu cần thiết cũng phải được nhà bán lẻ lên sẵn nhiều kịch bản để hoàn toàn chủ động đối phó dịch.
“Các mặt hàng nhu yếu phẩm và các mặt hàng thực phẩm sẽ được Saigon Co.op phối hợp với các nhà cung cấp, đối tác luân phiên giảm giá, khuyến mãi để chia sẻ áp lực chi tiêu với người tiêu dùng, hạn chế tối đa việc giá cả thị trường bị đẩy tăng cao và tăng cường công tác bán hàng qua điện thoại, giao hàng tận nơi để tạo thuận lợi cho khách”, ông Đức thông tin thêm
Theo các đơn vị kinh doanh, bán lẻ trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, từ tháng 4 đến nay, nhất là vào thời điểm các ca tái dương tính trong cộng đồng xuất hiện trở lại đã khiến cho nhiều trung tâm siêu thị, chợ, hệ thống bán lẻ vừa qua đã ảm đạm nay lại càng trở nên đìu hiu, vắng khách qua lại hơn, mặc dù nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá được triển khai ở cả kênh mua bán truyền thống và trực tuyến. Do đó, ngành thương mại, dịch vụ trên địa bàn thành phố vẫn đang khó khăn tìm cách vừa kích cầu tiêu dùng, vừa đảm bảo phòng chống dịch Covid-19.
Một số chủ cửa hàng bán lẻ quần áo thời trang, đồ tiêu dùng cho biết, mặc dù TP. Hồ Chí Minh vừa trải qua dịp lễ lớn nhưng sức mua trên thị trường nhìn chung không tăng đáng kể. Thậm chí, nhiều người dân vì quan ngại dịch bệnh có tín hiệu bùng phát trở lại nên hạn chế mua sắm trực tiếp hoặc đến vui chơi, ăn uống ở nơi đông người và chuyển sang sử dụng dịch vụ mua sắm online, đặt hàng qua điện thoại.
Ghi nhận thực tế của phóng viên Thời báo Ngân hàng trên thị trường cho thấy, mặc dù TP. Hồ Chí Minh là nơi có mật độ dân số cao, thường xuyên tập trung đông người, nhiều dịch vụ, hoạt động mua bán diễn ra tấp nập, nhưng do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ngay vào dịp lễ, nên người dân cũng hạn chế đến trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng để mua sắm, vui chơi, giải trí... Còn tại những chuỗi cửa hàng kinh doanh ẩm thực, đồ uống trong những ngày này cũng vắng bóng khách hàng và thưa thớt người tiêu dùng. Hiện tại, nhiều địa điểm kinh doanh duy trì hoạt động kinh doanh bằng thực đơn phục vụ điểm tâm sáng và bữa trưa.
Theo báo cáo của Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh, tính chung 4 tháng đầu năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn thành phố đạt 366.234 tỷ đồng, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước. Còn tính riêng tháng 4 vừa qua đạt 90.153 tỷ đồng, tăng 1,6% so với tháng trước và tăng 22,3% so với tháng cùng kỳ năm trước. Nếu chia theo ngành kinh tế, lĩnh vực thương nghiệp có doanh thu 4 tháng đầu năm nay đạt 204.491 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ. Trong số đó, doanh thu từ nhóm hàng lương thực, thực phẩm đạt 34.768 tỷ đồng (tăng 6% so với cùng kỳ năm trước), đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình 29.095 tỷ đồng (tăng 9%), hàng may mặc 14.404 tỷ đồng (tăng 9%)...
Để tiếp tục kích cầu thị trường tiêu dùng, các mặt hàng bán lẻ trên địa bàn thành phố, nhiều trung tâm thương mại, siêu thị tiếp tục tung ra đa dạng các hoạt động khuyến mãi, giảm giá cho người tiêu dùng như chương trình “Vào hè, thổi bay deal hot” hay “Thương hiệu tốt, ưu đãi tốt” với nhiều sản phẩm thuộc các thương hiệu khác nhau, tặng ngay voucher giảm giá, miễn phí vận chuyển đơn hàng… Song theo các nhà bán lẻ cho biết, quan trọng nhất vẫn phải đảm bảo an toàn chống dịch chứ không quá đặt nặng doanh thu, lợi nhuận trong bối cảnh, tình hình hiện tại để góp phần cùng cả nước chiến thắng dịch bệnh, đưa nền kinh tế phục hồi từng bước.