Ngành tôm với nhiều “cửa sáng”
Ngành tôm khởi sắc | |
Mỹ áp dụng biện pháp tạm thời đối với tôm xuất khẩu của Minh Phú | |
Xuất khẩu tôm, cá ngừ bắt đầu tăng trở lại |
Theo báo cáo từ các địa phương, diện tích thả nuôi tôm nước lợ tính đến thời điểm này đạt khoảng 481.534 ha, chiếm gần 85% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt hơn 71% so với kế hoạch 2020. Trong đó, tôm sú hơn 457.000 ha, tôm thẻ chân trắng là hơn 22.000 ha. Ước sản lượng tôm nước lợ tính đến ngày 30/4 đạt hơn 168.000 tấn, đạt 21,7% so với kế hoạch. Trong khi kim ngạch xuất khẩu tôm các loại tính đến hết quý 1 năm nay, đạt 591,083 triệu USD (giảm 4,3% so cùng kỳ 2019).
Theo đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), năm 2019 tổng kim ngạch xuất khẩu ngành nông nghiệp đạt trên 41 tỷ USD thì trong đó lĩnh vực thủy sản đóng góp 25% với gần 10 tỷ USD - kết quả rất lớn cho thành công của nền nông nghiệp Việt Nam.
Ngành tôm nỗ lực đạt kim ngạch xuất khẩu 3,5 tỷ USD |
Trong lĩnh vực thủy sản thì cá tra và tôm là hai mặt hàng cho giá trị rất cao. Qua nhiều năm tập trung phát triển, đến nay Việt Nam đã hình thành các vùng nuôi tôm ổn định, quy mô trên 700 nghìn ha với sản lượng khoảng gần 800 nghìn tấn, cho giá trị rất cao. Tuy nhiên, bước vào đầu năm 2020, ngành tôm đã gặp muôn vàn khó khăn. Thách thức lớn nhất và bao trùm nhất là dịch bệnh Covid-19 đã làm đứt gãy chuỗi kinh tế toàn cầu. Cùng với đó là thời tiết những tháng đầu năm 2020 hết sức cực đoan: nắng nóng, hạn mặn lịch sử kéo dài ở vùng ĐĐBSCL, là nguyên nhân góp phần gây ra dịch bệnh cho tôm nuôi.
Trong 4 tháng đầu năm 2020, có hơn 25,3 nghìn ha diện tích nuôi tôm của 19 tỉnh bị thiệt hại (tăng gấp 3,8 lần so với cùng kỳ 2019), chủ yếu là không rõ nguyên nhân (chiếm trên 23 nghìn ha), đại diện Cục Thú y cho biết.
Tuy nhiên, dù phải đối mặt với nhiều thách thức, nhưng ngành tôm cũng đứng trước không ít cơ hội phát triển, khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU có hiệu lực, lập tức thuế các loại nông sản, trong đó có tôm sẽ giảm về mức vô cùng thuận lợi. Việc giảm mạnh thuế nhập khẩu sẽ giúp con tôm Việt Nam xuất sang thị trường EU nhiều hơn.
Cùng với đó, ngành tôm còn có lợi thế khác là hiện các thị trường quan trọng với xuất khẩu tôm của Việt Nam đang có xu hướng phục hồi tốt sau dịch Covid-19; trong khi chuỗi cung ứng vật tư thiết yếu cho ngành này không phụ thuộc vào Trung Quốc nên doanh nghiệp thủy sản tương đối chủ động trong sản xuất.
Đại diện Bộ NN&PTNT cho biết, trong năm 2020, xuất khẩu tôm sẽ đạt trên 3,5 tỷ USD, tăng từ 2-3% so với năm 2019. Niên vụ này, ngành tôm nước lợ khu vực ĐBSCL đặt kế hoạch thả nuôi 730 nghìn ha với sản lượng thu về ước đạt 830 nghìn tấn.
Tuy nhiên, để ngành tôm phát triển bền vững trong thời gian tới, thì các ngành chức năng cần hỗ trợ doanh nghiệp chuẩn bị điều kiện hạ tầng, đón các làn sóng chuyển dịch sản xuất. Tiếp tục quan trắc cảnh báo môi trường tại các vùng nuôi tôm nước lợ trên những sông, kênh lớn có nguy cơ xâm nhập mặn vào nội đồng nhằm kịp thời đưa ra các cảnh báo và khuyến cáo tới địa phương, cơ sở nuôi phục vụ sản xuất. Thúc đẩy và hỗ trợ mạnh cho việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của ngành thủy sản, đặc biệt triển khai sàn giao dịch điện tử cho con giống tiến tới có thể phát triển hình thức mua bán tương lai mặt hàng con giống theo mục tiêu quản lý chất lượng và giảm giá thành…
Về phía doanh nghiệp và người nuôi tôm cần nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm khâu trung gian để giảm giá thành sản xuất, áp dụng các hình thức nuôi có chứng nhận: VietGAP, GlobalGAP, ASC… góp phần nâng cao giá trị sản phẩm. Đồng thời tăng cường xúc tiến thương mại đối với tiêu thụ nội địa và các thị trường mới khác.
Về lâu dài, cần xác định Trung Quốc là thị trường đông dân, tầng lớp trung lưu tăng nhanh, nhu cầu tiêu thụ thủy sản ngày một tăng và vẫn là thị trường tiêu thụ lớn của các nhà cung cấp tôm Việt Nam. Do đó, các doanh nghiệp cần chủ động cập nhật các yêu cầu, quy định mới của thị trường này để có sự điều chỉnh phù hợp, tiếp tục duy trì xuất khẩu.