Nhà ở xã hội tại Đà Nẵng cung không đủ cầu
Mở rộng đối tượng mua nhà…
Phát biểu tại hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” diễn ra cuối tuần trước, ông Lê Quang Nam, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng đặc biệt quan tâm đến đầu tư nhà xã hội. Ngay từ năm 2005, thành phố đã triển khai chương trình “Thành phố 3 có” (có việc làm, có nhà ở, có nếp sống văn minh đô thị).
Tính đến hết năm 2023, Đà Nẵng đã thực hiện được hơn 15.000 căn hộ chung cư nhà ở xã hội, trong đó có hơn 10.000 căn hộ được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước. Có thể nói, thành phố là một trong những địa phương đi đầu về công tác tổ chức triển khai xây dựng nhà ở xã hội cũng như nhà ở cho công nhân.
Theo đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”, TP. Đà Nẵng được Chính phủ giao chỉ tiêu hoàn thành 12.800 căn hộ chung cư nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2030, gồm 6.400 căn hộ trong giai đoạn 2021-2025 và 6.400 căn hộ trong giai đoạn 2026-2030.
Để hiện thực hóa mục tiêu trên, địa phương đã bố trí vốn ngân sách lũy kế đến nay hơn 3.500 tỷ đồng để đầu tư nhà ở xã hội, bố trí cho thuê đối với nhóm đối tượng đặc biệt khó khăn về nhà ở: người có công với cách mạng, hộ giải tỏa, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, hộ nghèo, học sinh, sinh viên và công nhân khu công nghiệp.
TP. Đà Nẵng cũng đã quy hoạch quỹ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội của thành phố là 167 ha với 115 vị trí, trải đều trong 12 khu vực. Như vậy, về quỹ đất để dành cho nhà ở xã hội, thành phố đã chuẩn bị đầy đủ và đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nhà ở xã hội như đã cam kết với Chính phủ.
Đà Nẵng là một trong những địa phương đặc biệt quan tâm đến đầu tư nhà xã hội. |
Đặc biệt, nhằm tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận với nhà ở xã hội, chính quyền thành phố đã có chủ trương mở rộng đối tượng được mua nhà ở xã hội. Theo đó, Đà Nẵng có chủ trương mở rộng đối tượng mua nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước, tạo điều kiện cho mọi người dân chưa có nhà ở có cơ hội mua được nhà. Đơn cử, ngoài các đối tượng được ưu tiên mua nhà ở xã hội như quy định, UBND thành phố bổ sung thêm đối tượng là cán bộ công nhân viên chức có hợp đồng lao động từ 1 năm trở lên đang làm việc tại các đơn vị hành chính sự nghiệp cấp phường, xã, các doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu thuộc Nhà nước trên địa bàn thành phố.
Tại kỳ họp thứ 15 HĐND TP. Đà Nẵng khóa X diễn ra cuối năm ngoái, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cũng đã đề xuất HĐND thành phố ủng hộ chủ trương có chính sách riêng như chính sách hỗ trợ thuê nhà ở cho dân khi tái định cư. Cụ thể, UBND TP. Đà Nẵng sẽ đề xuất mức hỗ trợ cho người dân trong vòng 2 - 3 năm để ở tạm. Tiếp đến, nếu người dân có nhu cầu mua nhà ở xã hội thì sẽ được giới thiệu, hướng dẫn, tạo điều kiện hoặc không có điều kiện mua thì địa phương sẽ xây dựng các chung cư để người dân thuê…
Cung vẫn không đủ cầu
Để giải quyết tình hình, bên cạnh những dự án nhà ở xã hội do chính quyền xây dựng, việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào phân khúc này ở Đà Nẵng đang được đẩy mạnh. Trong năm 2024, Đà Nẵng sẽ tập trung đôn đốc tiến độ triển khai 5 dự án nhà ở xã hội, phấn đấu hoàn thành 2.750 căn hộ; đồng thời, hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư 2 dự án để khởi công trong năm 2024; hoàn thành công tác lựa chọn chủ đầu tư 3 dự án nhà ở xã hội từ nguồn vốn ngoài ngân sách và triển khai công tác chuẩn bị đầu tư để kêu gọi đầu tư 2 - 3 dự án mới trong giai đoạn 2024-2025.
Thị trường nhà ở xã hội tại Đà Nẵng đang rơi vào hoàn cảnh cung không đủ cầu. |
Hiện, Đà Nẵng đang triển khai xây dựng 5 dự án gồm: Khối nhà C thuộc Khu chung cư thu nhập thấp tại Khu tái định cư Đại Địa Bảo; 2 khối nhà A, B thuộc Khu chung cư thu nhập thấp tại Khu dân cư An Trung 2; khối nhà B2 thuộc Khu chung cư nhà ở xã hội tại Khu công nghiệp Hòa Khánh; Khu chung cư nhà ở xã hội tại lô đất B4-2 thuộc Khu đô thị xanh Bàu Tràm Lakeside; Khu chung cư cho gia đình người có công với cách mạng tại đường Vũ Mộng Nguyên) với tổng cộng 2.750 căn. Đồng thời, thành phố cũng đang chuẩn bị đầu tư 2 dự án nhà ở xã hội (dự án chuyển đổi công năng 2 ký túc xá sinh viên sang nhà ở xã hội, dự án cải tạo, sửa chữa nhà ở công nhân Khu công nghiệp Hòa Cầm) với tổng cộng 813 căn hộ từ nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, theo thông tin từ Liên đoàn Lao động TP. Đà Nẵng, thành phố cũng giới thiệu để Tổng Liên đoàn Lao động triển khai Dự án thiết chế công đoàn và nhà ở với 732 căn hộ; trong hai năm 2024-2025 sẽ kêu gọi đầu tư 2 - 3 dự án mới.
Trên thực tế, dù nằm trong top địa phương dẫn đầu về đầu tư nhà ở xã hội của cả nước, song nguồn cung nhà ở xã hội của Đà Nẵng vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu. Đơn cử, mới đây Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng tiếp tục thông báo mở bán nhà ở xã hội tại Dự án Chung cư nhà ở xã hội tại lô đất B4-2 thuộc Khu đô thị xanh Bàu Tràm Lakeside. Số lượng căn hộ được mở bán là 196 căn, thuộc tòa CT05, CT08 và CT09, giá bán hơn 16 triệu đồng/m2. Và mỗi lần mở bán, có rất đông người dân xếp hàng từ tờ mờ sáng để nộp hồ sơ với hy vọng có thể sở hữu được một căn hộ tại dự án.
Hiện, mỗi năm tại thành phố có hơn 1.000 đơn xin thuê nhà ở xã hội nhưng chưa được đáp ứng. Bên cạnh đó, nhiều công nhân đến từ các địa phương khác làm việc lâu dài trong các khu công nghiệp, nhưng vẫn phải thuê nhà trọ nên cuộc sống rất khó khăn.
Bên cạnh những dự án nhà ở xã hội do chính quyền xây dựng, việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào phân khúc này ở Đà Nẵng cũng đang được đẩy mạnh. |
Với những quy định mới của Luật Nhà ở vừa được Quốc hội thông qua, cả chủ đầu tư lẫn người mua nhà ở xã hội kỳ vọng được tháo gỡ những “nút thắt” để nhiều người thu nhập thấp có cơ hội sở hữu những căn hộ nhà ở xã hội.
Ông Nguyễn Đức Lập, Viện trưởng Viện nghiên cứu và đào tạo bất động sản (Đà Nẵng) đã đưa ra nhận định: “Với những quy định mới của Luật Nhà ở, sắp tới nguồn cung phân khúc bất động sản bình dân, đặc biệt là nhà ở xã hội sẽ phát triển mạnh mẽ do không còn ràng buộc điều kiện cư trú, thu nhập của người mua nhà ở xã hội. Và như vậy, trong tương lai nhu cầu sở hữu nhà ở xã hội tại Đà Nẵng sẽ còn tiếp tục tăng mạnh…