Nhật Bản: GDP giảm quý thứ hai liên tiếp
BoJ được dự đoán sẽ tiếp tục giữ nguyên lãi suất NHTW Nhật duy trì chính sách siêu nới lỏng |
GDP của Nhật Bản giảm quý thứ hai liên tiếp |
Cụ thể, dữ liệu cho thấy tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đã giảm 0,4% so với cùng kỳ trong quý cuối cùng của năm 2023 (sau khi sụt giảm 3,3% trong quý trước đó) và trái ngược so với dự báo trung bình của thị trường là tăng 1,4%.
Thông thường, hai quý tăng trưởng GDP giảm liên tiếp được định nghĩa là suy thoái kỹ thuật.
Dữ liệu yếu kém có thể khiến thị trường nghi ngờ về dự báo của BoJ rằng tiền lương tăng sẽ củng cố tiêu dùng và hỗ trợ cho việc loại bỏ dần gói kích thích tiền tệ khổng lồ.
Chuyên gia kinh tế trưởng tại Credit Agricole, Takuji Aida cho rằng có nguy cơ nền kinh tế Nhật Bản có thể tiếp tục suy giảm trong quý I/2024 do tăng trưởng toàn cầu chậm lại, nhu cầu trong nước yếu và tác động của trận động đất hồi đầu năm.
“BoJ có thể buộc phải hạ mạnh dự báo GDP lạc quan của mình cho năm 2023 và 2024”, ông nói.
Dữ liệu cho thấy tiêu dùng tư nhân, chiếm hơn một nửa hoạt động kinh tế, giảm 0,2% so với cùng kỳ, trong khi các chuyên gia kinh tế dự đoán tăng 0,1%.
Bên cạnh đó, đầu tư, một động lực tăng trưởng quan trọng khác của khu vực tư nhân, giảm 0,1%, trái ngược so với dự báo tăng 0,3%.
Xuất khẩu ròng đóng góp 0,2 điểm phần trăm vào GDP với kim ngạch xuất khẩu tăng 2,6% so với quý trước trong quý IV/2023.
Theo các nguồn thạo tin, BoJ đã đặt nền móng để tiến đến chấm dứt chính sách lãi suất âm vào tháng Tư, nhưng có thể sẽ chậm tiến hành bất kỳ chính sách thắt chặt nào tiếp theo trong bối cảnh rủi ro kéo dài.
Trong khi các quan chức BoJ chưa đưa ra thông tin về thời điểm chính xác họ có thể chấm dứt lãi suất âm, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng hành động như vậy sẽ xảy ra vào tháng Ba hoặc tháng Tư. Một cuộc thăm dò của Reuters được thực hiện vào tháng Một cho thấy tháng Tư là lựa chọn hàng đầu của các chuyên gia kinh tế.
Một số chuyên gia phân tích cho rằng thị trường lao động thắt chặt của Nhật Bản và kế hoạch chi tiêu mạnh mẽ của doanh nghiệp đang tạo cơ hội cho Nhật Bản sớm thoát khỏi chính sách nới lỏng.
“Việc GDP sụt giảm quý thứ hai liên tiếp cho thấy nền kinh tế Nhật Bản hiện đang suy thoái, nhưng các cuộc khảo sát kinh doanh và thị trường lao động lại cho thấy một câu chuyện khác. Dù thế nào đi nữa, tăng trưởng sẽ vẫn chậm chạp trong năm nay”, người đứng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Capital Economics, Marcel Thieliant nói.
“BoJ đã lập luận rằng tiêu dùng tư nhân ‘tiếp tục tăng vừa phải’, nhưng chúng tôi nghi ngờ rằng nó sẽ tiếp tục lạc quan cho tới cuộc họp tiếp theo của họ vào tháng Ba”, vị này nói thêm và dự đoán chính sách lãi suất âm sẽ kết thúc trong tháng Tư.