Nhiều giải pháp trợ lực doanh nghiệp vượt khó
“Xắn tay áo” hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó Nhiều giải pháp hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển |
Doanh nghiệp hưởng lợi từ chính sách giảm lãi suất
Theo thống kê, kể từ đầu tháng 12 đến nay, đã có hơn 20 ngân hàng giảm lãi suất huy động, đưa mức lãi suất xuống mức thấp kỷ lục. Nhóm Big 4 bao gồm Vietcombank, BIDV, VietinBank và Agribank nằm trong top các ngân hàng có lãi suất huy động thấp nhất. Với kỳ hạn 1 tháng, Vietcombank niêm yết ở mức 1,9%, Agribank niêm yết ở mức 2,2%/năm, BIDV và VietinBank áp dụng mức chung 2,6%/năm. Lãi suất huy động giảm kéo theo lãi suất cho vay cũng giảm mạnh.
Ông Trần Hoài Phương, Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp HDBank cho biết, hiện lãi suất cho vay của ngân hàng này đã giảm khoảng 2-2,5%/năm so với trước đây. Đồng thời, HDBank cũng triển khai các gói tín dụng ưu đãi dành cho các doanh nghiệp. Đơn cử như chương trình cho vay 10.000 tỷ đồng lãi suất ưu đãi 0% áp dụng trong tháng đầu tiên và các mức lãi suất hấp dẫn trong thời gian tiếp theo của khoản vay nhằm hỗ trợ khách hàng trên cả nước tăng tốc sản xuất kinh doanh cũng như phục vụ các nhu cầu mua sắm, đời sống vào dịp cuối năm. Với khách hàng doanh nghiệp, HDBank tiếp tục bổ sung gói cho vay ưu đãi với quy mô 5.000 tỷ đồng, lãi suất 0% trong tháng đầu tiên dành cho DNNVV và cho mục đích chi lương, thưởng vào dịp cuối năm; các tháng tiếp theo khách hàng vẫn được hưởng mức lãi suất ưu đãi chỉ từ 6,7%/năm...
Mặt bằng lãi suất giảm là động lực quan trọng thúc đẩy sản xuất kinh doanh |
Đại diện Agribank chia sẻ, triển khai chủ trương, chính sách của Chính phủ, NHNN, từ đầu năm đến nay, Agribank đã giảm 14 lần lãi suất huy động, 7 lần giảm lãi suất cho vay, trở thành ngân hàng giảm lãi suất cho vay nhiều nhất trong hệ thống ngân hàng. Đối với nhu cầu vay mới phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, mức lãi suất cho vay ngắn hạn chỉ từ 5%/năm, lãi suất cho vay trung dài hạn chỉ từ 8%/năm. Tính đến thời điểm hiện tại, lãi suất cho vay của Agribank đã giảm mạnh với mức giảm từ 2-4%/năm so với đầu năm. Đồng thời, Agribank cũng tiết giảm hơn 1.000 tỷ đồng giảm lãi suất cho vay, với 2,2 triệu khách hàng được hỗ trợ. Với mức lãi suất cho vay hiện nay, Agribank mong muốn được chia sẻ khó khăn, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tối ưu chi phí vay, kịp thời bổ sung nguồn vốn tái cơ cấu hoạt động.
Theo TS. Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV Hà Nội, DNNVV tiếp cận vốn từ nhiều nguồn khác nhau, nhưng vốn từ các tổ chức tín dụng vẫn là kênh chính và quan trọng đối với khu vực doanh nghiệp này. Thời gian qua, các chính sách của Chính phủ, ngành Ngân hàng đã tháo gỡ nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Nhiều ngân hàng cũng đã tung ra các gói cho vay với lãi suất ưu đãi dành cho doanh nghiệp, nhất là DNNVV. Nhờ đó, hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới có đà phục hồi.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, tính đến thời điểm 21/12/2023, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế 11,09% (cùng thời điểm năm trước tăng 12,87%). Trước đó, theo số liệu NHNN công bố, đến ngày 30/11/2023, tín dụng đối với nền kinh tế đạt khoảng 13 triệu tỷ đồng, tăng 9,15% so với cuối năm 2022. Như vậy, chỉ riêng trong 3 tuần đầu tháng 12, tín dụng đã tăng gần 2%. |
Theo đánh giá của một số doanh nghiệp, mặt bằng lãi suất giảm mạnh thời gian gần đây là trợ lực lớn giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh. Bên cạnh đó, việc NHNN nới thêm hạn mức tín dụng mới đây đã tạo nhiều cơ hội để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng đẩy mạnh sản xuất cuối năm.
Dư địa giảm lãi suất rất hạn hẹp
Trong giai đoạn kinh tế phục hồi, việc duy trì mặt bằng lãi suất thấp sẽ được ưu tiên để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, lãi suất cho vay trong năm 2024 có thể giảm thêm để tương xứng với mức lãi suất huy động khá thấp hiện tại.
Tuy nhiên, PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường tài chính - Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh nhận định, mức lãi suất huy động như hiện tại đang xoay quanh mức đáy của thị trường và không nên giảm thêm.
Thực tế, trong giai đoạn 2007-2009, để ổn định kinh tế, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng giảm lãi suất liên tục, thế nhưng việc giảm lãi suất không mang lại hiệu quả. “Việc nới lỏng thêm không những không có tác dụng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trở lại, mà có thể đưa nền kinh tế vào vòng xoáy giảm phát và bẫy thanh khoản. Đây là vấn đề cần phải lưu ý để phòng tránh trong điều hành chính sách”, PGS.TS. Huân lưu ý.
Thậm chí nếu theo kịch bản khả thi, kinh tế hồi phục tốt hơn dự kiến trong năm 2024, PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân cho rằng mặt bằng lãi suất có thể tăng lên. Khi cung cao hơn cầu, ắt lãi suất phải tăng lên. “Lúc này, các ngân hàng sẽ cần huy động thêm vốn, kéo theo đó mức lãi suất huy động sẽ tăng lên. Có thể lãi suất cho vay cũng nhỉnh lên chút”, PGS.TS. Huân nhận định.
Ở góc độ ngân hàng, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho biết, mặt bằng lãi suất đang ở mức rất thấp. Vấn đề hiện tại là làm sao để kích cầu đầu tư, giải quyết các tồn tại về mặt pháp lý… để khơi thông dòng chảy tín dụng. Năm 2024, khi kinh tế Việt Nam tăng trưởng trở lại, chắc chắn nhu cầu vốn tín dụng cao nên lãi suất khó có thể giảm thêm.
Với những tín hiệu khả quan hơn từ nền kinh tế, cùng với mặt bằng lãi suất đang tốt, giới chuyên môn kỳ vọng tạo động lực để các doanh nghiệp sớm hồi phục, mở rộng sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2024.