Nhiều giải pháp hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển
Cần giải pháp đồng bộ hộ trợ mạnh mẽ giúp DN phát triển |
Đối với các DN Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đồng tình với nhiều ý kiến cho rằng chưa bao giờ các DN khó khăn như hiện nay và đặc biệt là từ đầu năm 2023, thậm chí còn khó khăn hơn, kể cả trong thời gian có đại dịch Covid-19.
“Đối với các DN, kể cả đối với các DN lĩnh vực xuất nhập khẩu cũng như kinh doanh tại thị trường nội địa, khó khăn nhất của họ hiện nay là về thị trường và nói một cách tóm tắt đó là đầu ra, vì khi các DN đã hết sức khó khăn, như một người bệnh mà đang có bệnh nặng thì họ đang cần một cái gì đó hết sức hiệu quả thiết thực thay vì một việc, một tính chất lâu dài”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết.
Chính vì vậy, từ cuối năm 2022 và đặc biệt đầu năm 2023, kinh tế thế giới phục hồi chậm, tổng cầu suy giảm, lạm phát cao ở các nước phát triển, nhất là các thị trường nước ta có thế mạnh về xuất khẩu như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản rồi Trung Quốc… do tác động của đại dịch Covid-19 nên lượng hàng tồn kho rất cao, khiến các đơn hàng nhập khẩu hàng hóa của thị trường xuất khẩu của nước ta sụt giảm. Vì vậy, Bộ Công Thương cũng đã quyết liệt thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương… đã thực hiện các biện pháp hỗ trợ DN hết sức cụ thể.
Trước hết, Bộ đã thường xuyên, kịp thời theo dõi sát các diễn biến của kinh tế thế giới, nhất là sự điều chỉnh chính sách ở các thị trường lớn mà nước ta đang xuất khẩu để kịp thời đưa ra cảnh báo cho DN, tham mưu cho Chính phủ và cung cấp các thông tin kịp thời cho các DN để có những biện pháp đối phó phù hợp.
Thứ hai, Bộ Công Thương đã tăng cường và đổi mới công tác về xúc tiến thương mại. Bộ Công Thương cũng đánh giá rất cao các đoàn công tác của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, trong đó có Đoàn của Chủ tịch Quốc hội. Ngoài các công việc lớn, công việc chính cũng đã hỗ trợ rất nhiều và đã mang lại những hiệu quả hết sức thiết thực cho các DN Việt Nam.
Hiện nay, Bộ Công Thương đang tăng cường việc phổ biến và hỗ trợ DN khai thác các thế mạnh, những điểm ưu đãi trong các Hiệp định thương mại tự do, ví dụ như CPTPP, EVFTA, rồi cả những cam kết mới nhất của nước ta với Vương quốc Anh, với UAE và chuẩn bị sắp tới đối với Israel và một số các quốc gia khác, ngoài các thị trường mà chúng ta gọi là truyền thống cũng đang gặp nhiều khó khăn.
Cũng theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, một trong những việc mà Bộ Công Thương thấy rằng từ trước đến nay khi tổ chức nhiều đoàn đi khảo sát, đi tiếp xúc và xúc tiến thương mại ở nước ngoài đã mang lại hiệu quả rất tích cực, tuy nhiên thời gian gần đây do thời gian có hạn và kinh phí hạn hẹp… nên tổ chức xúc tiến thương mại ở nước ngoài ít hơn, chính vì vậy, hiệu quả cũng chưa như mong muốn.
Tuy nhiên, vừa qua Bộ Công Thương đã đổi mới là mời các nhà phân phối lớn nhất của thế giới đến tham gia các sự kiện tại Việt Nam, như ngày 13 đến 15/9 vừa qua, Bộ đã tổ chức một chuỗi sự kiện với chủ đề: Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa tại Việt Nam. Hàng chục tập đoàn đa quốc gia đã trực tiếp tham gia chuỗi sự kiện, họ đã gặp được rất nhiều DN Việt Nam. Kết quả bước đầu hết sức khả quan, nhiều hợp đồng đã được ký kết và rất nhiều giao dịch đã được đưa ra. Bộ Công Thương cho rằng đây cũng là một trong những những giải pháp để Bộ hỗ trợ các DN một cách thiết thực, hiệu quả…
Bên cạnh đó, trong lúc khó khăn về thị trường, bên cạnh các thị trường lớn như Trung Quốc, chúng ta cũng cần phải tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại ở các quốc gia châu Phi để tìm kiếm thị trường mới. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã đến dự khai mạc hội chợ tại Trung Quốc, ASEAN, chúng ta có đến gần 300 gian hàng với các sản phẩm có thế mạnh của Việt Nam. Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, thông thường năm nào tham gia hội chợ, nước ta cũng chiếm cao nhất về số lượng gian hàng, số lượng DN trong nước Asian và mang lại hiệu quả rất cao…
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, địa phương và đặc biệt là DN, dựa trên nhu cầu của DN, dựa trên những kiến nghị của DN để có thể tổ chức các hoạt động hết sức cụ thể, thiết thực cho các doanh nghiệp trong việc đẩy mạnh các hoạt động về kinh doanh nói chung, trong đó có hoạt động xuất khẩu nói riêng.
Đối với chính sách tài khóa, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết, các chính sách hỗ trợ nền kinh tế trong những năm qua ở mức lớn chưa từng có, chiếm khoảng 8,3% GDP, cao hơn rất nhiều so với các nước có cùng quy mô kinh tế. Trong đó, chính sách tài khóa đóng vai trò quan trọng. Nhiều chính sách miễn, giảm, giãn các loại thuế, phí và các khoản thu ngân sách đã được thực hiện. Riêng từ năm 2021 đến nay, tổng số miễn, giảm, giãn các loại thuế, phí… lên đến 530.000 tỷ đồng. Năm 2023, tổng số thuế, phí được miễn, giãn, giảm ước khoảng 200.000 tỷ đồng, đến nay, đã thực hiện trên 130.000 tỷ đồng.
Cùng với đó, Bộ Tài chính đã thực hiện nhiều giải pháp về cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin như triển khai hóa đơn điện tử, các biện pháp cải cách thủ tục trong lĩnh vực thuế, hải quan. Chẳng hạn như trong hoàn thuế, hiện các thủ tục thực hiện qua hệ thống điện tử chiếm khoảng 90%. 80% hồ sơ hoàn thuế đang được hoàn trước kiểm sau, thực hiện thủ tục trong vòng 6 ngày kể từ khi nhận được đủ hồ sơ của doanh nghiệp, Thứ trưởng nêu ví dụ.
Trong lĩnh vực chi, nhiều biện pháp tăng chi, kích cầu được triển khai. Như trong năm 2023, chúng ta đã thực hiện cải cách tiền lương, tăng trợ cấp người có công và các chế độ an sinh xã hội khác đến gần 80.000 tỷ đồng. Ngoài ra, thời gian tới sẽ có 65.000 tỷ đồng từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 được bổ sung cho các hoạt động đầu tư.
Ngoài lĩnh vực ngân sách, thời gian qua Bộ Tài chính cũng thực hiện nhiều biện pháp cải cách thể chế đối với các thị trường tài chính, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp… Đơn cử như Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 08 sửa Nghị định 65 về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, thực hiện các biện pháp củng cố niềm tin thị trường, tạo điều kiện khuyến khích các doanh nghiệp phát hành và các nhà đầu tư thỏa thuận các giải pháp giãn nợ, thay đổi hình thức thanh toán phù hợp…