Nhiều ngân hàng muốn nới room tín dụng
Nới room ngoại: Cân nhắc tính hiệu quả và an toàn | |
Nới room tín dụng trợ lực cho doanh nghiệp phục hồi |
Kinh tế hồi phục, các hoạt động kinh doanh của người dân, doanh nghiệp ngày càng sôi động, kéo theo cầu tín dụng tăng. Tính đến thời điểm này, có nhiều ngân hàng đã sử dụng hết hoặc gần hết room tín dụng được NHNN cấp từ đầu năm. Bởi vậy, một số ngân hàng đang đề nghị NHNN cấp thêm hạn mức tín dụng để mở rộng cho vay sản xuất kinh doanh dự báo sẽ tiếp tục phục hồi mạnh mẽ khi Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế được triển khai.
Đơn cử, ACB mới đây đã đề nghị NHNN cấp thêm hạn mức tín dụng sau khi 4 tháng đầu năm ngân hàng này có mức tăng trưởng tín dụng 8%. Trước đó, vào đầu năm nay ACB được cấp hạn mức tín dụng 10%, tuy nhiên Hội đồng quản trị ACB nhận định tín dụng bắt đầu tăng mạnh từ đầu quý II nên ngân hàng hy vọng sẽ được cấp thêm hạn mức tín dụng để tiếp tục cho vay ra nền kinh tế.
Ảnh minh họa |
Với Vietcombank, tăng trưởng tín dụng 4 tháng đầu năm cũng đạt tới 8,8%, trong khi đầu năm ngân hàng này được cấp hạn mức tín dụng 10%. Ban lãnh đạo ngân hàng này cho biết, hiện ngân hàng đang đề xuất NHNN nới room tín dụng để mở rộng cho vay.
Tương tự MB cũng cho biết đầu năm ngân hàng được cấp hạn mức tín dụng là 15%. Tuy nhiên đến hết quý I, tín dụng của nhà băng nay đã tăng 14,3%. Năm nay MB cũng đặt kế hoạch tăng trưởng tín dụng cả năm ở mức 16%. Vì vậy, ngân hàng này cũng đề xuất cơ quan quản lý tăng thêm hạn mức tín dụng để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Đặc biệt, VietinBank là một trong những ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng trong quý I bằng hạn mức cơ quan quản lý cấp đầu năm do cho vay đối với nhóm khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa khá tốt.
Tuy nhiên, số dư nợ tín dụng tuyệt đối của các ngân hàng có sự chênh lệch đáng kể. Chẳng hạn, dư nợ tín dụng của ACB đến cuối quý I/2022 đạt 380.000 tỷ đồng, trong khi dư nợ tín dụng của Vietcombank xấp xỉ một triệu tỷ đồng… Bởi vậy với các ngân hàng lớn, tín dụng chỉ cần tăng 1% thì số dư nợ tuyệt đối đã bằng các ngân hàng nhỏ tăng trưởng tới cả chục phần trăm.
Các chuyên gia cho rằng, tăng trưởng tín dụng cao trong những tháng đầu năm 2022 chủ yếu nằm ở các ngân hàng quy mô lớn, có nhóm khách hàng truyền thống có khả năng phục hồi sản xuất kinh doanh nhanh chóng sau dịch Covid-19. Ở nhiều ngân hàng việc mở rộng tín dụng vào mảng bán lẻ được chú trọng.
Theo số liệu thống kê mới nhất của NHNN Việt Nam, tính đến 20/5/2022 dư nợ tín dụng đạt trên 11 triệu tỷ đồng, tăng 7,66% so với cuối năm 2021. Trong đó, cơ cấu tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các ngành, lĩnh vực thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro vẫn được kiểm soát chặt chẽ. Nhờ đó, đã góp phần kích hoạt mạnh mẽ các hoạt động kinh tế, tạo đà phục hồi các chỉ số vĩ mô, từ đó giúp nền kinh tế dần khôi phục và tăng trưởng.
Kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh quý II của các TCTD do Vụ Dự báo Thống kê (NHNN) thực hiện mới đây cũng cho thấy, các TCTD kỳ vọng nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng (gồm nhu cầu vay vốn, thanh toán, gửi tiền) tiếp tục “tăng” trong quý II/2022 và cả năm 2022, trong đó nhu cầu vay vốn được kỳ vọng “tăng” nhiều hơn nhu cầu gửi tiền và thanh toán. Cụ thể hơn, các TCTD kỳ vọng dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được dự báo tăng 4,8% trong quý II/2022 và tăng 14,1% trong năm 2022.
Những năm gần đây NHNN luôn kiểm soát chặt hạn mức tăng trưởng tín dụng qua việc xét cấp room cho từng TCTD và có điều chỉnh phù hợp với thực tế. Việc cấp thêm hạn mức tăng tín dụng cho các ngân hàng được xét duyệt trên các tiêu chí cứng và mềm. Trên cơ sở đó, NHNN yêu cầu TCTD xây dựng kế hoạch kinh doanh, tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, DNNVV, công nghiệp phụ trợ, công nghệ cao) theo chủ trương của Chính phủ. Đồng thời, phải hạn chế cho vay vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như cho vay đầu tư và kinh doanh bất động sản, chứng khoán; các dự án BOT, BT giao thông; trái phiếu doanh nghiệp.
NHNN thường xuyên theo dõi, giám sát các hoạt động tăng trưởng tín dụng của từng ngân hàng, trên cơ sở giám sát, đề nghị của ngân hàng, NHNN sẽ xem xét rà soát chỉ tiêu tín dụng đối với từng tổ chức theo định hướng điều hành hàng năm. Trong đó, việc nới thêm hạn mức tín dụng cho một ngân hàng có xem xét ưu tiên đối với ngân hàng tham gia hỗ trợ xử lý TCTD yếu kém hoặc các ngân hàng giảm lãi suất cho vay hỗ trợ nền kinh tế theo chủ trương của NHNN và Chính phủ...