NHTW Nhật chưa sớm thay đổi chính sách
Trụ sở Ngân hàng Trung ương Nhật Bản tại Tokyo. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Tân Thống đốc NHTW Nhật (BoJ) Kazuo Ueda mới đây đã đưa ra một thông điệp rõ ràng tới các nhà hoạch định chính sách toàn cầu rằng, quốc gia này sẽ tiếp tục duy trì lãi suất ở mức cực thấp - ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại.
Kể từ khi nắm quyền lãnh đạo BoJ vào đầu tháng 4, ông Kazuo Ueda đã đưa ra một số gợi ý rằng chính sách kích thích tiền tệ khủng của người tiền nhiệm Haruhiko Kuroda cuối cùng sẽ bị loại bỏ. Nhưng theo ông, mọi thay đổi sẽ không diễn ra nhanh chóng.
“Ở nhiều quốc gia, lạm phát rất cao hoặc không đủ chậm lại. Điều quan trọng là tình hình ở Nhật Bản hoàn toàn khác, điều mà tôi đã giải thích tại cuộc họp”, Ueda nói với các báo giới sau khi tham dự cuộc họp của các nhà lãnh đạo tài chính G7 được tổ chức cùng với Hội nghị thường niên của IMF/WB.
Phát biểu trước cuộc họp của các bộ trưởng G20 sau đó, Thống đốc BoJ cũng cho biết, lạm phát của Nhật, hiện ở mức khoảng 3%, sẽ chậm lại dưới mục tiêu 2% của BoJ vào cuối năm nay do chi phí nhập khẩu giảm. Phát biểu của ông như một lời giải thích cho việc đến nay BoJ vẫn duy trì chính sách tiền tệ siêu nới lỏng.
Theo đó, hiện BoJ vẫn đang theo đuổi chính sách kiểm soát đường cong lợi suất (YCC), trong đó duy trì lãi suất ngắn hạn ở mức -0,1% và lãi suất trái phiếu Chính phủ Nhật kỳ hạn 10 năm quanh mức 0% với giới hạn ngầm định là 0,5%.
Tuy nhiên với việc lạm phát vượt quá mục tiêu của BoJ và chi phí nới lỏng kéo dài ngày càng tăng, thị trường đang có nhiều suy đoán rằng ông Ueda có thể sẽ phải điều chỉnh YCC trong năm nay.
Hiện lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm vẫn đang thấp hơn mức giới hạn 0,5%, nhưng nhiều lần vào đầu năm nay, các nhà giao dịch đã đẩy nó lên trên mức này, buộc BoJ phải ra tay can thiệp.
Thống đốc Kazuo Ueda sẽ chủ trì cuộc họp chính sách đầu tiên của mình vào ngày 27-28/4 tới khi BoJ sẽ đưa ra dự báo tăng trưởng và lạm phát hàng quý mới và điều đó sẽ được các nhà hoạch định chính sách phân tích kỹ lưỡng để tìm dấu hiệu về việc lạm phát có sớm đạt mục tiêu 2%.
Tuy nhiên sự không chắc chắn đối với triển vọng kinh tế thế giới, được nhấn mạnh bởi cảnh báo mới đây của IMF về rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu, đã cho ông Ueda thêm lý do để thận trọng. Tuy nhiên theo các nhà phân tích, những phát biểu của ông Ueda cũng để nhỏ khả năng có thể thay đổi đối với YCC, vốn đã bị chỉ trích vì làm sai lệch hình dạng của đường cong lợi suất và phá vỡ lợi nhuận của các tổ chức tài chính.
Trong khi nhấn mạnh rằng trọng tâm của BoJ bây giờ là tránh rút lui sớm, ông Ueda cũng không phủ nhận nguy tụt lại trong việc giải quyết lạm phát quá cao. Điều đó theo sau nhận xét của ông vào ngày 10/4 rằng BoJ phải đưa ra quyết định “phủ đầu” về thời điểm bình thường hóa chính sách, vì chờ đợi quá lâu có thể khiến việc điều chỉnh bị gián đoạn. “Chúng tôi sẽ thảo luận về tất cả các lựa chọn tại mỗi cuộc họp chính sách của chúng tôi”, Ueda cho biết khi được hỏi về khả năng điều chỉnh hướng dẫn chính sách của BoJ.
“Ueda và các cấp phó của ông ấy đang cẩn thận để không đưa ra bất kỳ gợi ý nào về thời điểm điều chỉnh chính sách”, Nobuyasu Atago - cựu quan chức của BoJ, hiện là nhà phân tích tại Ichiyoshi Securities cho biết. “Nhưng họ cũng không loại trừ hoàn toàn khả năng điều chỉnh YCC trong thời gian ngắn”, ông nói.
Trong phát biểu mới đây, Phó Giám đốc điều hành thứ nhất của IMF Gita Gopinath cũng cho rằng, “chúng ta đang ở trong một nền kinh tế mà chúng ta sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi những cú sốc nguồn cung và chính sách tiền tệ sẽ phải đối mặt với sự đánh đổi nghiêm trọng hơn”.
IMF cũng khuyến nghị, hãy nới lỏng sự kiểm soát của BoJ và cho phép lãi suất dài hạn tăng linh hoạt hơn - một động thái sẽ giúp giảm bớt căng thẳng cho khu vực ngân hàng. Ranil Salgado, trưởng phái đoàn IMF tại Nhật Bản, nhìn thấy cơ hội để BoJ sửa đổi mục tiêu lợi suất dài hạn trong năm nay, với triển vọng tăng trưởng tiền lương bền vững.