NHTW Nhật có thể trì hoãn tăng tiếp lãi suất
NHTW Nhật có sớm thay đổi chính sách? NHTW Nhật duy trì chính sách siêu nới lỏng |
Triển vọng kém sáng
Mặc dù nền kinh tế Nhật Bản đã tăng trưởng với tốc độ hàng năm là 0,4% trong quý cuối cùng của năm ngoái, nhờ đó đã thoát khỏi việc rơi vào suy thoái kỹ thuật (tăng trưởng âm trong hai quý liên tiếp), nhờ chi tiêu vốn mạnh mẽ bù đắp cho những điểm yếu trong tiêu dùng.
Tuy nhiên triển vọng kinh tế vẫn khá ảm đạm. Những dữ liệu kinh tế được công bố cuối tuần trước cũng cho thấy rõ điều đó. Cụ thể dữ liệu được công bố hôm thứ Sáu tuần trước (29/3) cho thấy, sản lượng nhà máy của Nhật Bản bất ngờ giảm 0,1% trong tháng 2 so với tháng trước, thay vì tăng 1,4% như dự báo của thị trường.
Mặc dù một trong những nguyên nhân khiến sản lượng của nhà máy giảm là do sự gián đoạn sản xuất và giao hàng tại Toyota Motor, mở cửa mảng mới và bộ phận ô tô cỡ nhỏ, song điều này có thể gây áp lực lên nền kinh tế rộng lớn hơn do sự hiện diện lớn của họ trong lĩnh vực sản xuất của Nhật Bản.
Trụ sở NHTW Nhật Bản (BOJ) |
Dữ liệu cũng cho thấy các nhà sản xuất được Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp khảo sát dự kiến sản lượng sẽ tăng 4,9% trong tháng 3 và tăng 3,3% trong tháng 4.
Trong khi đó chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lõi (đã lợi trừ giá thực phẩm, song vẫn tính giá năng lượng) ở Tokyo - một chỉ báo quan trọng cho lạm phát toàn quốc - đã tăng 2,4% trong tháng 3 so với một năm trước đó, chậm lại một chút so với mức tăng 2,5% trong tháng 2. Còn CPI cốt lõi (đã loại trừ tác động của cả chi phí nhiên liệu và thực phẩm) cũng giảm tốc từ mức 3,1% trong tháng 2 xuống còn 2,9% trong tháng 3.
Mặc dù lạm phát cơ bản vẫn cao hơn mục tiêu 2% của BOJ, nhưng sự suy giảm này cho thấy áp lực giá cả ở Nhật Bản vẫn chủ yếu đến từ chi phí nguyên liệu thô hơn là nhu cầu nội địa mạnh mẽ. “Áp lực lạm phát do chi phí đẩy đang suy yếu. Chúng tôi cũng đang chứng kiến lạm phát trong khu vực dịch vụ đang chậm lại”, Toru Suehiro, nhà kinh tế trưởng tại Daiwa Securities cho biết.
Trì hoãn tăng tiếp lãi suất
Tại cuộc họp chính sách diễn ra ngày 18-19/3, BOJ đã quyết định nâng lãi suất ngắn hạn lên 0-0,1%, thay vì -0,1% như trước. Đây là lần đầu tiên sau 17 năm, cơ quan này nâng lãi suất, và cũng là lần đầu tiên từ năm 2016 họ chấm dứt chính sách lãi suất âm.
Trong thông cáo phát đi sau quyết định chấm dứt lãi suất âm, BOJ cho biết quyết định này được thúc đẩy bởi các dấu hiệu cho thấy nhu cầu mạnh mẽ và triển vọng lương cao hơn đang thúc đẩy các công ty tiếp tục tăng giá đối với cả hàng hóa và dịch vụ. Thậm chí Thống đốc BOJ Kazuo Ueda cho biết, NHTW có thể tăng lãi suất một lần nữa nếu lạm phát vượt quá kỳ vọng hoặc rủi ro đối với triển vọng giá cả tăng cao đáng kể.
Trên thực tế, các công ty lớn đã đưa ra mức tăng lương khá lớn trong các cuộc đàm phán lương thường niên năm nay, làm tăng thêm triển vọng rằng Nhật Bản sẽ chứng kiến lạm phát duy trì quanh mục tiêu 2% của BOJ.
Tuy nhiên, tiêu dùng đã có dấu hiệu suy yếu khi chi phí sinh hoạt tăng cao ảnh hưởng đến các hộ gia đình đang gây nghi ngờ về sức mạnh của nền kinh tế Nhật Bản. Đặc biệt những dữ liệu kinh tế không mấy khả quan vừa qua có thể khiến BOJ thận trong hơn với việc tăng thêm lãi suất sau khi đã chính thức chấm dứt chính sách lãi suất âm.
“Sản lượng của nhà máy yếu hơn dự kiến”, Masato Koike - Nhà kinh tế tại Sompo Institute Plus cho biết và nói thêm: “Do sản xuất yếu kém, BOJ có thể khó tăng lãi suất sớm trở lại”.
Bất chấp việc thoát khỏi chính sách lãi suất âm, kỳ vọng rằng BOJ sẽ trì hoãn tăng lãi suất lên cao hơn đã đẩy đồng yên xuống mức thấp nhất trong 34 năm so với đồng đôla Mỹ trong tuần trước. Mặc dù đồng yên yếu giúp tăng lợi nhuận cho các nhà xuất khẩu Nhật Bản, nhưng nó lại gây tổn hại cho các hộ gia đình và nhà bán lẻ do đẩy chi phí nhập khẩu nguyên liệu và nhiên liệu tăng cao.