Những ảnh hưởng vì “đứt” chuỗi cung ứng
Sự dịch chuyển chuỗi cung ứng đang tăng tốc | |
Chuỗi cung ứng toàn cầu bị đe dọa bởi virus corona | |
Chuỗi cung ứng hiện đại làm tăng hiệu suất |
Mới đây, Công ty Tài chính quốc tế-IFC (thành viên của WB) đã tăng hạn mức tài trợ thương mại cho các ngân hàng đối tác tại Việt Nam, nhằm ứng phó nhanh với những khó khăn về tài trợ thương mại mà các doanh nghiệp Việt Nam có thể gặp phải bởi dịch bệnh Covid-19.
Ngoài sự sụt giảm trong ngành du lịch và các dịch vụ liên quan, dịch bệnh này còn ảnh hưởng đến giao thương qua biên giới, tác động tiêu cực đến ngành sản xuất chế tạo, kinh doanh nông nghiệp và nhiều ngành khác. Để giúp chủ động ứng phó với tình hình, IFC đã hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam bằng việc gia tăng hạn mức tài trợ thương mại cho 4 NHTM bao gồm Ngân hàng TMCP An Bình, Ngân hàng TMCP Tiên Phong, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam và Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng. Tổng hạn mức mới sẽ cho phép các ngân hàng nâng cao năng lực đảm bảo rủi ro thanh toán trong tài trợ thương mại cho các công ty trong nước, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ông Mehmet Mumcuoglu, Giám đốc Khối Định chế Tài chính IFC khu vực Đông Á và Thái Bình Dương cho biết, quyết định tăng hạn mức tài trợ thương mại là nỗ lực nhằm bảo đảm duy trì thương mại trong giai đoạn đầy thách thức này. Hạn mức tài trợ thương mại tăng lên sẽ giúp giảm thiểu rủi ro tài trợ thương mại, nhờ đó giảm nhẹ tác động của Covid-19 đối với nền kinh tế Việt Nam và khu vực tư nhân. Nối tiếp công cụ tài trợ thương mại linh hoạt và có thể triển khai nhanh chóng này, IFC sẽ cân nhắc các can thiệp mở rộng khác để tiếp tục hỗ trợ Việt Nam giảm thiểu tác động kinh tế của Covid-19 và giúp duy trì tăng trưởng kinh tế.
Phó Giám đốc một Công ty dệt may có nhà máy tại Khu công nghiệp Tân Thuận, TP. Hồ Chí Minh cho biết, hơn một tháng nay, hoạt động sản xuất của công ty bị đình trệ do thiếu nguồn nguyên liệu, dẫn đến tình trạng hàng trăm công nhân phải lao động cầm chừng, chờ đến khi nguồn nguyên liệu nhập từ Trung Quốc được “khơi thông” trở lại.
Tình trạng trên không phải là hiếm trong bối cảnh tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, khiến cho hoạt động giao thương, thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, ngành dệt may của Việt Nam hiện đang phụ thuộc 70 - 80% nguồn nguyên phụ liệu từ quốc gia này.
Không riêng gì ngành dệt may, nhiều DN sản xuất trong một số lĩnh vực khác nhưng có điểm chung là phải nhập nguồn nguyên liệu, linh kiện, phụ phẩm... từ Trung Quốc về Việt Nam sản xuất, chế biến cũng đang rơi vào tình cảnh khó khăn, sản xuất cầm chừng, thậm chí phải tạm ngưng cho đến khi có lại nguồn hàng. Mới đây, hàng trăm doanh nghiệp đang sản xuất trong các khu chế xuất và khu công nghiệp ở nhiều ngành nghề từ điện tử, da giày, nhựa... đã phản ánh khó khăn gặp phải với Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp TP.HCM (HBA) do thiếu hụt nguyên phụ liệu gây đình trệ sản xuất, thậm chí phải ngưng sản xuất trong ngắn hạn, cũng như trung hạn nếu như tình hình không sớm được cải thiện
Theo HBA, gần 2000 nhà máy trong các KCX-KCN và khu công nghệ cao tại TP.HCM đang cần nguyên phụ liệu cho sản xuất mà phần lớn nguồn cung từ Trung Quốc, hiện chưa có nguồn khác thay thế. Một số doanh nghiệp cho biết đã tính đến việc chuyển hướng tìm nguồn cung ở những thị trường khác ngoài Trung Quốc như Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ... Tuy nhiên, việc chuyển đổi nguồn nguyên liệu qua thị trường khác không dễ, lại càng bất lợi nếu so sánh về giá nên sẽ rất khó cạnh tranh. Chính vì vậy, HBA đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ cùng các bộ, ngành đề nghị có giải pháp kịp thời vừa phòng chống dịch bệnh, vừa đảm bảo lưu thông được hàng hóa qua đường bộ và đường hàng không, nhất là nguyên phụ liệu sản xuất.
Trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đánh giá những ảnh hưởng của dịch Covid-19 tác động đến nền kinh tế nói chung và một số ngành chế biến chế tạo nói riêng do đây là ngành sản xuất xuất khẩu sử dụng nhiều nguyên vật liệu, phụ kiện có nguồn gốc từ Trung Quốc, cũng như có nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang đầu tư sản xuất tại Việt Nam. Theo ước tính của bộ này, nếu tình hình khả quan khi dịch bệnh kết thúc ở quý I thì mức gia tăng giá trị của ngành chỉ ở khoảng 2,38% so với dự báo ban đầu là tăng 10,47%... Vì vậy, các chuyên gia đưa ra khuyến nghị, các DN ngành sản xuất, chế biến cần chủ động kế hoạch kinh doanh, đa dạng hóa nguồn nguyên phụ liệu. Đồng thời, Chính phủ cùng các bộ, ngành cần có chương trình hành động cụ thể, một mặt vừa ứng phó, phòng chống dịch bệnh hiệu quả song vẫn không tác động tiêu cực đến nền sản xuất trong nước.