Chuỗi cung ứng toàn cầu bị đe dọa bởi virus corona
Chuyển hướng để tháo gỡ khó khăn | |
“Cứu” nông sản trong bối cảnh dịch bệnh | |
Ngân hàng chia sẻ, đồng hành với người dân, doanh nghiệp |
Các “động mạch” thương mại đang bị tắc nghẽn
Theo Hội nghị Thương mại và Phát triển Liên Hợp quốc (United Nation Conference on Trade and Development - UNCTAD), hiện khoảng 80% giao dịch hàng hóa trên thế giới (tính theo khối lượng) được vận chuyển bằng đường biển và Trung Quốc là nơi có 7 trong số 10 cảng container bận rộn nhất thế giới. Peter Sand, một nhà phân tích hậu cần hàng hóa tại BIMCO, một hiệp hội vận tải quốc tế nhận định: “Trung Quốc là một trung tâm sản xuất của thế giới nên việc các nhà máy, trung tâm công nghiệp tại Trung Quốc bị đóng cửa ảnh hưởng rất lớn đến ngành vận tải container, vì đây là nhân tố vô cùng quan trọng trong điều tiết chuỗi cung ứng nội Á cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều ngành công nghiệp, làm hạn chế nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng container".
Dịch bệnh do virus corona mới gây ra tại Trung Quốc đang khiến vận tải toàn cầu gặp gián đoạn |
Tất cả hàng hóa từ ô tô, máy móc đến hàng may mặc và nhiều mặt hàng tiêu dùng khác đều được vận chuyển trong các container nên sự gián đoạn trong ngành vận tải này có thể vượt ra ngoài Trung Quốc khi nước này tìm cách ngăn chặn sự bùng phát của virus corona bằng cách đóng cửa các nhà máy và công nhân tiếp tục được ở nhà. Cuộc khủng hoảng sức khỏe này càng kéo dài, càng khiến hàng hóa khó di chuyển trên khắp thế giới. Dịch virus corona đến nay (ngày 5/2/2020) đã khiến trên 560 người tử vong (chủ yếu ở vùng dịch của Trung Quốc) và trên 28.000 người bị lây nhiễm.
Thực tế, đại dịch này đã khiến một số công ty tạm dừng sản xuất. Đơn cử, tập đoàn sản xuất ô tô Hyundai trong một tuyên bố mới đây cho biết đã đình chỉ sản xuất tại các nhà máy của họ ở Hàn Quốc vì sự gián đoạn trong việc cung cấp các vật tư, linh kiện gây ra bởi sự bùng phát virus corona ở Trung Quốc. Ericsson AB, nhà sản xuất thiết bị viễn thông Thụy Điển, cho biết đã đình chỉ sản xuất tại Trung Quốc. Hãng Airbus cũng đã tạm đóng cửa một nhà máy ở Thiên Tân, Trung Quốc…
“Lênh đênh” vì kiểm dịch
Theo Guy Platten, Tổng thư ký của International Chamber of Shipping - một cơ quan thương mại, việc các nhà máy, trung tâm sản xuất bị đóng cửa có nghĩa là một số tàu sẽ không thể vào các cảng Trung Quốc. Nhiều tàu khác bị mắc kẹt tại cảng, chờ công nhân quay trở lại làm việc, khiến cho việc bốc dỡ hàng hóa chậm lại.
Trong khi đó theo Peter Sand, hiện vẫn còn rất nhiều tàu đang trong tình trạng “lênh đênh” trên biển vì bị "cách ly nổi", khi nhiều quốc gia như Úc, Singapore… từ chối cho phép các tàu đã ghé cảng Trung Quốc được vào cảng của họ cho đến khi thủy thủ đoàn được tuyên bố không có virus. Guy Platten thì cho biết thêm, ông ta đang có thông tin ít nhất thủy thủ đoàn của một tàu đang cạn kiệt lương thực vì tàu của họ đã lênh đênh trên biển quá lâu.
Nhiều công ty vận tải lớn như Maersk, MSC Địa Trung Hải, Hapag-Lloyd hay CMA-CGM cho biết họ đã phải giảm số lượng tàu trên các tuyến nối Trung Quốc và Hồng Kông với Ấn Độ, Canada, Hoa Kỳ và Tây Phi. Bên cạnh yếu tố dịch bệnh đang diễn ra, các chủ tàu cho biết vì đây là mùa thấp điểm (nhu cầu thấp do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán tại Trung Quốc) nên đây cũng là lý do khiến họ giảm công suất vận chuyển.
Chuyên gia phân tích Peter Sand cho biết, các thành viên của BIMCO (hiệp hội vận tải này bao gồm 1.900 chủ tàu, các nhà khai thác, quản lý, môi giới và đại lý) đã báo cáo rằng, có sự giảm sút hoặc thậm chí không có nhu cầu từ các nhà nhập khẩu Trung Quốc đối với các hàng hóa cơ bản vận chuyển bằng đường biển như than đá, dầu thô hay quặng sắt. Nhu cầu yếu đi như vậy cũng được phản ánh trong diễn biến giá dầu giảm những ngày gần đây, với nhiều phân tích nhận định một thị trường “gấu” với giá dầu đã được xác lập.
Công ty vận tải Freightos mới đây đã cảnh báo các khách hàng cần sẵn sàng cho khả năng chậm trễ hơn trong việc đưa hàng hóa ra khỏi Trung Quốc và có thể xem xét chuyển một số lô hàng từ đường biển sang hàng không, hoặc thậm chí cần tìm các nguồn cung ứng hàng hóa từ các quốc gia khác nếu có thể. “Tình trạng tồn đọng của các lô hàng thường diễn ra sau Tết Nguyên đán và sẽ trở nên tồi tệ hơn bởi tình hình hiện tại, đẩy giá cước vận tải biển tăng lên và làm trầm trọng thêm sự chậm trễ”, công ty này cho biết.
Vận tải hàng không cũng bị gián đoạn
Nhưng trước diễn biến tình hình dịch bệnh hiện nay, không chỉ hoạt động vận tải đường biển mà cả đường hàng không, đường bộ cũng bị ảnh hưởng. Theo một tuyên bố trên trang web của IAG Cargo - một chi nhánh vận chuyển hàng không của công ty mẹ IAG của British Airways, từ ngày thứ Hai vừa qua họ đã hủy tất cả các dịch vụ đến và đi từ Trung Quốc Đại lục trong ít nhất là khoảng thời gian còn lại của tháng 2 này, dựa trên cơ sở trích dẫn lời khuyên du lịch của Chính phủ Anh.
Tập đoàn logistics DHL của Đức đã đưa ra báo cáo về "sự gián đoạn nghiêm trọng” đối với các lô hàng hàng không trong và ngoài nước, dịch vụ vận tải hàng hóa đường bộ và đường sắt. “Việc đóng cửa có thể có tác động lớn đến hoạt động của chuỗi cung ứng và sản xuất ở Trung Quốc trong các ngành công nghiệp như ô tô, dược phẩm và y tế, sản xuất công nghệ cao”, DHL cho biết trong báo cáo này. DHL đã đình chỉ việc giao hàng tại tỉnh Hồ Bắc - trung tâm của dịch virus corona, nhưng cho biết họ chưa đưa ra những thay đổi nào khác đối với hoạt động của mình.
Các hãng vận chuyển khác như UPS và FedEx Express cho biết họ vẫn tiếp tục dịch vụ vào - ra khỏi Trung Quốc. Riêng UPS ghi nhận đã thấy nhu cầu đối với dịch vụ của họ giảm do việc đóng cửa tại Trung Quốc hiện nay.