Nông thôn mới Thái Bình khởi sắc
Bừng sáng sắc xuân nông thôn mới | |
TP.HCM: Tín dụng ngân hàng góp phần vốn lớn cho phát triển nông thôn mới | |
Những “nữ tướng” chung sức xây dựng nông thôn mới |
Về Thái Bình vào những ngày này có thể dễ dàng cảm nhận được sự đổi thay lớn. Những con đường đất vào trời mưa thì lầy lội, nắng lên lại bụi bẩn của thập niên trước nay đã được thay bằng những dải bê tông khang trang, sạch đẹp.Tất cả đều nhờ thành quả của chương trình xây dựng nông thôn mới với sự góp sức to lớn và hiệu quả của hệ thống ngân hàng, trong đó có sự tham gia tích cực của Agribank.
Tín dụng ngân hàng thúc đẩy hình thành, phát triển các vùng sản xuất hàng hóa, khu chăn nuôi tập trung |
Theo ông Nguyễn Mạnh Tường, Phó Giám đốc Agribank tỉnh Thái Bình, bám sát chỉ đạo của Trung ương, Nghị quyết của tỉnh về xây dựng nông thôn mới, Agribank Thái Bình đã xây dựng và triển khai Chương trình hành động tới các đơn vị trong toàn hệ thống với những công việc cụ thể, thiết thực như: Tổ chức hội nghị triển khai giải pháp để góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh; phối hợp với các cơ quan truyền thông của tỉnh thường xuyên tuyên truyền các cơ chế chính sách mới, nhất là các chính sách ưu đãi về điều kiện tín dụng, lãi suất cho vay... Ngành Ngân hàng tỉnh cũng phát động các đơn vị trong toàn hệ thống đăng ký các chỉ tiêu thi đua, xây dựng kế hoạch thực hiện, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về nguồn vốn, cơ sở vật chất, nhân lực, công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới...
Phát huy vai trò chủ lực trong đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, là người bạn đồng hành gắn bó với nông dân, Agribank tỉnh Thái Bình luôn phát huy vai trò “cầu nối” đưa chính sách phát triển kinh tế nói chung và kinh tế nông nghiệp, nông thôn nói riêng đi vào cuộc sống khi tiên phong triển khai các chương trình tín dụng chính sách, chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Để có đủ nguồn vốn phục vụ cho xây dựng nông thôn mới nói riêng, chi nhánh luôn tìm cách đa dạng hóa các sản phẩm tiền gửi, dịch vụ chăm sóc khách hàng… Nhờ vậy, trong những năm qua nguồn vốn huy động của Agribank luôn tăng trưởng phát triển ổn định, bền vững.
Đến thời điểm này, tổng nguồn vốn huy động của Agribank tỉnh Thái Bình đạt 12.315 tỷ đồng. Thị phần nguồn vốn huy động của Agribank luôn chiếm từ 30-40% tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn, đặc biệt là nguồn tiền gửi tiết kiệm dân cư luôn chiếm tỷ trọng trên 90% trong tổng nguồn vốn huy động, tốc độ tăng trưởng nguồn vốn bình quân hàng năm là 20%/năm. Có được nguồn đầu vào ổn định, ngân hàng chủ động tích cực bơm vốn cho vay khách hàng trên địa bàn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, cải thiện đời sống. Tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân trong nhiều năm qua luôn đạt mức 15%/năm. Tổng dư nợ Agribank tỉnh Thái Bình đạt 8.056 tỷ đồng, chiếm 18% thị phần về dư nợ của TCTD trên địa bàn. Trong đó, tỷ lệ đầu tư phát triển “Tam nông” luôn chiếm trên 90%/tổng dư nợ. Hiện trên 66.000 hộ gia đình và cá nhân là khách hàng của Agribank tỉnh Thái Bình.
Nhờ nguồn vốn tín dụng ngân hàng, nhiều doanh nghiệp, hộ nông dân, trang trại, gia trại có điều kiện mở rộng, phát triển sản xuất, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi; cơ giới hóa, áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại, nhất là công nghệ sinh học vào sản xuất, góp phần tăng năng suất, sản lượng cây trồng, tăng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh.
Đặc biệt, tín dụng ngân hàng còn thúc đẩy hình thành, phát triển các vùng sản xuất hàng hóa, khu chăn nuôi tập trung, vùng chuyển đổi nuôi trồng thủy sản, đẩy mạnh khai thác, đánh bắt xa bờ... Phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống; phát triển giao thông, thương mại, dịch vụ... góp phần tạo việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần nhân dân, ổn định chính trị, đảm bảo an sinh xã hội khu vực nông nghiệp, nông thôn của tỉnh.
Với sự đồng hành của Agribank, người dân Thái Bình có điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh hiệu quả, thoát nghèo, vươn lên làm giàu, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa, đổi thay diện mạo nông thôn mới. “Nông thôn ngày hôm nay ở Thái Thụy như được “thay da đổi thịt”, đường sá đi lại thuận tiện, nhiều gia đình khá giả hơn rất nhiều. Ngay từ con đường ra cánh đồng cũng được bê tông, kiên cố hóa, do vậy việc sản xuất và đi lại của bà con cũng thuận lợi hơn trước đây”, ông Vũ Thành Quang xã Thụy Liêm, Thái Thụy - nông dân nhờ vốn vay Agribank Thái Bình mà đã có một cơ ngơi khang trang với mô hình trang trại vườn ao chuồng chia sẻ.
Cũng như vậy, xã Thụy Liêm, từ một xã thuần nông, lúa là cây trồng chủ yếu thì nay đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình, phát triển mạnh cây vụ Đông và hình thành nhiều cánh đồng mẫu, cánh đồng có liên kết bao tiêu nông sản từ đầu vụ, tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho bà con nông dân địa phương. Với sự tiếp sức nguồn vốn của ngân hàng cùng nỗ lực của DN trên địa bàn, xã Thái Liên đã rút dần lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, thu nhập bình quân của người dân địa phương đạt trên 55 triệu đồng/người/năm.
Với sự tham gia đồng bộ từ các ngành, cấp, địa phương, người dân, DN, nhất là sự đồng hành của ngân hàng, hy vọng mục tiêu của tỉnh Thái Bình trong năm 2019 phấn đấu có 264/264 xã về đích nông thôn mới, có ít nhất 2 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới, và đến năm 2020, 6/6 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới, 18 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó có ít nhất 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu… sẽ đạt được.
“Trong thời gian tới, Agribank Thái Bình sẽ tiếp tục đồng hành cùng bà con nông dân phát triển bền vững, thông qua đẩy mạnh đầu tư có nhiều đóng góp quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đặc biệt trên mặt trận nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế biển. Qua đó khẳng định vai trò, vị thế ngân hàng lớn nhất về quy mô, thị phần hoạt động, số lượng khách hàng…”, lãnh đạo Agribank chi nhánh Thái Bình nhấn mạnh.