TP.HCM: Tín dụng ngân hàng góp phần vốn lớn cho phát triển nông thôn mới
Báo cáo tại Hội nghị này, ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM cho biết, trong giai đoạn 2010-2019, hoạt động huy động, tập trung nguồn vốn phục vụ xây dựng nông thôn mới tại tất cả các quận, huyện của TP.HCM đều được đẩy mạnh và đạt kết quả tích cực.
Theo đó, tổng nguồn vốn TP.HCM huy động được để phát triển nông thôn mới giai đoạn này là gần 73.556,7 tỷ đồng, bao gồm 61,23 tỷ đồng vốn từ ngân sách trung ương (chiếm 0,08%); gần 14.100 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương (chiếm 19,14%); và hơn 59.400 tỷ đồng vốn huy động từ cộng đồng (chiếm 80,78%).
Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp vay vốn từ các NHTM tại TP.HCM có thu nhập hàng tỷ đồng/năm |
Trong số hơn 59.400 tỷ đồng vốn huy động từ cộng đồng thì nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng trên địa bàn chiếm tỷ lệ lớn nhất (gần 54.495 tỷ đồng). Còn lại là nguồn vốn tự có của doanh nghiệp và người dân ở tất cả các quận, huyện.
Cũng theo tổng hợp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM, trong giai đoạn 2010-2019, các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp của TP.HCM, trong đó chủ lực là chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn đã phát huy hiệu quả rất tốt ở tất cả các quận, huyện.
Cụ thể, lũy kế từ năm 2011 đến nay, các ngân hàng thương mại trên địa bàn các quận, huyện trên địa bàn TP.HCM đã phê duyệt cho vay ưu đãi lãi suất đối với trên 24.200 lượt nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, với tổng vốn đầu tư khoảng 13.102,6 tỷ đồng, tổng vốn vay đạt khoảng 7.959,1 tỷ đồng.
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP.HCM ghi nhận những đóng góp của tất cả các sở, ban, ngành, địa phương và nhân dân TP.HCM trong 10 năm qua đối với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới là rất lớn và đáng trân trọng.
Nhờ đẩy mạnh triển khai đồng bộ tất cả các mục tiêu, kế hoạch xây dựng nông thôn mới, trong vòng 10 năm qua từ chỗ mỗi xã chỉ đạt bình quân 6 tiêu chí theo bộ 19 tiêu chí nông thôn mới (năm 2008) thì đến tháng 11/2019 các xã đạt chuẩn nông thôn mới tại TP.HCM đã chiếm đa số. Hầu hết các xã đều đạt 18,73/19 tiêu chí nông thôn mới theo quy định của Trung ương.
Qua 10 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn TP.HCM, nhất là các huyện ngoại thành thay đổi tích cực. Khoảng cách chênh lệch thu nhập giữa nông thôn và thành thị được thu hẹp (năm 2019 thu nhập của người dân vùng nông thôn TP.HCM đạt 63,096 triệu đồng/người/năm, tăng 301,12% so với năm 2008). Hiện TP.HCM không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo Quốc gia mà chỉ còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn đa chiều từng giai đoạn của địa phương. Đến đầu năm 2019, số hộ nghèo có thu nhập bình quân dưới 21 triệu đồng/hộ/năm chỉ còn chiến 0,41% trong tổng hộ dân tại 5 huyện ngoại thành.
Theo thống kê của UBND TP.HCM, trong giai đoạn vừa qua mặc dù mỗi năm diện tích đất sản xuất nông nghiệp của địa phương giảm trung bình khoảng 900ha/năm nhưng nhờ ứng dụng công nghệ cao và chuyển dịch chuyển dịch sang các loại cây trồng vật nuôi có giá trị đã khiến tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp của TP.HCM tăng bình quân 5,9%/năm trong giai đoạn 2016-2019; giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp thực tế năm 2019 ước đạt 23.400 tỷ đồng, tăng bình quân 6,01%/năm.
Đặc biệt, với phong trào “Thành phố chung sức xây dựng nông thôn mới”, trong những năm vừa qua, các quận huyện tại TP.HCM đã huy động mạnh mẽ được sức dân tham gia đóng góp tài sản, vật lực. Toàn thành phố đã có trên 26.000 hộ dân chấp thuận hiến gần 3 triệu m2 đất đề xây dựng đường giao thông nông thôn, ước giá trị trên 2.200 tỷ đồng.
Cũng trong 10 năm vừa qua, việc xây dựng, kết nối người dân các địa phương tham gia vào hợp tác xã và các liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản cũng có những thành quả vượt bậc. Hiện các hợp tác xã nông nghiệp, chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản của TP.HCM đã đạt con số hơn 9.500 đơn vị, có thể cung cấp cho thị trường gần 200 con heo/ngày, hơn 6.700 tấn rau, củ quả và 550 tấn thủy sản/năm. Tổng giá trị giao dịch ở các hợp tác xã, chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản đạt 22,5 tỷ đồng/tháng.
Cũng nhờ phát triển các mô hình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, vay vốn ưu đãi lãi suất đầu tư phát triển các cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, năng suất lao động của người dân khu vực nông thôn TP.HCM có mức tăng trưởng khá mạnh.
Đến cuối 2018 năng suất lao động nông thôn trung bình toàn TP.HCM đạt mức 90 triệu đồng/người/năm, tăng 206% so với 2008. Trong đó, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp có mức doanh thu bình quân đạt hàng tỷ đồng/năm như sản xuất rau sạch (0,8-1 tỷ đồng/năm), trồng hoa lan (doanh thu bình quân đạt 2 tỷ đồng/ha/năm), chăn nuôi bò sữa (quy mô 20 con: doanh thu bình quân đạt 0,8 tỷ đồng/năm), nuôi cá cảnh (doanh thu bình quân đạt 10 - 15 tỷ đồng/ha/năm…
Nhiều mô hình làng nghề truyền thống tại TP.HCM đã được khôi phục và phát triển như: nghề làm bánh tráng tại Phú Hòa Đông (huyện Củ Chi), nghề đan lát tại Thái Mỹ (Củ Chi), nghề đúc đồng tại Gò Vấp…