Phát triển OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới
Để Chương trình OCOP phát triển bền vững | |
Đưa sản phẩm OCOP tới tay “thượng đế” | |
Gắn OCOP với dịch vụ du lịch |
Những năm qua, việc triển khai thực hiện, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tại tỉnh Kon Tum đã gặt hái được nhiều thành công. Các sản phẩm của doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), tổ hợp sản xuất có sự chuyển biến tích cực cả về chất lượng, mẫu mã, dần xây dựng được thương hiệu và khai thác triệt để thế mạnh vốn có của địa phương.
Việc đẩy mạnh triển khai chương trình OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới là rất cần thiết, phù hợp với quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp của địa phương, góp phần tăng thu nhập, nâng cao giá trị sản phẩm và bảo vệ môi trường.
Sau 2 năm triển khai, chương trình OCOP góp phần quan trọng vào khai thác và phát huy lợi thế sản phẩm nông nghiệp, nông thôn |
Xác định OCOP là chương trình phát triển kinh tế trọng tâm, gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững, trong giai đoạn 2018-2020, các cấp, các ngành tỉnh Kon Tum đã vào cuộc mạnh mẽ, người dân đồng lòng ủng hộ, nhiều doanh nghiệp, HTX tích cực tham gia. Đến nay Kon Tum có 88 sản phẩm OCOP đạt chuẩn từ 3 sao trở lên. Trong đó, có 82 sản phẩm đạt 3 sao; 5 sản phẩm 4 sao và 1 sản phẩm 5 sao của 56 chủ thể sản xuất. Các sản phẩm được công nhận OCOP đều là sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của các địa phương. Có thể nói, đây là kết quả của chính quyền trong việc nỗ lực triển khai thực hiện chương trình này trong giai đoạn 2018-2020.
Chỉ sau 2 năm triển khai, chương trình OCOP đã góp phần quan trọng vào khai thác và phát huy lợi thế sản phẩm nông nghiệp, nông thôn. Từng bước làm thay đổi tập quán sản xuất, tạo ra hướng đi mới của người nông dân, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn. Việc xây dựng và thực hiện các sản phẩm OCOP giúp các địa phương khơi dậy sự sáng tạo của nông dân trong phát triển các sản phẩm đặc trưng, nâng cao thu nhập, đời sống người dân và thúc đẩy tiến trình xây dựng nông thôn mới.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kon Plông (Kon Tum), năm 2021, địa phương bám sát quan điểm, định hướng về chương trình OCOP của tỉnh để thực hiện hiệu quả việc phát triển, quảng bá các sản phẩm địa phương. Tập trung nâng cao vai trò cấp cơ sở trong việc phát triển sản phẩm thế mạnh của vùng và vai trò của người dân, cộng đồng, doanh nghiệp theo hướng phát triển nội sinh, gia tăng giá trị sản phẩm...
Đến nay, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kon Plông đã đánh giá sơ bộ và dự kiến tập trung hỗ trợ phát triển các sản phẩm có tính khả thi cao như cam đen của trang trại Nguyễn Quang Đông; sâm dây tươi, khô, đương quy tươi, khô của trang trại Hà Quang Đại; măng nứa của HTX nông, lâm nghiệp và dịch vụ Đăk Nên; gạo đỏ của HTX Công Bằng Măng Đen; măng khô bát độ của HTX nông, lâm nghiệp và dịch vụ Pờ Ê; sâm dây tươi của Công ty TNHH Việt Khang Nông… Hiện chính quyền huyện Kon Plông đang đẩy mạnh triển khai, áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp để thực hiện hiệu quả việc phát triển, quảng bá sản phẩm OCOP để đến cuối năm 2021 có từ 3 sản phẩm trở lên được đánh giá, xếp hạng 3 sao cấp huyện.
Huyện Sa Thầy cũng phấn đấu trong giai đoạn 2021- 2025 có khoảng 25 sản phẩm đạt 3 sao trở lên. Trong đó, có 2 sản phẩm trở lên đạt tiêu chuẩn 4 sao cấp tỉnh. Để đạt được mục tiêu này, chính quyền huyện đề ra nhiều giải pháp như tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hộ sản xuất kinh doanh về mục đích, ý nghĩa chương trình OCOP.
Đồng thời, tiếp tục đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, phát triển doanh nghiệp nông nghiệp, HTX, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị. Có cơ chế hỗ trợ tổ chức sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao, tăng mạnh sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm…
Không riêng chính quyền huyện Kon Plong hay Sa Thầy, nhiều địa phương của Kon Tum đang nỗ lực xây dựng các sản phẩm OCOP mang bản chất đặc trưng riêng. Như huyện Đăk Glei là ví dụ, với nhiều nỗ lực đến nay, địa phương này có hơn 20 sản phẩm của doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hộ sản xuất đăng ký tham gia chương trình OCOP. Trong đó, có 9 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao cấp tỉnh. Cạnh đó, thông qua việc hỗ trợ giao thương, kết nối tiêu thụ của các nhà phân phối, nhiều sản phẩm OCOP được đưa vào tiêu thụ tại các cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn, hệ thống siêu thị, chuỗi nhà hàng ở các địa phương…
Để hỗ trợ cho phát triển các sản phẩm OCOP, theo Sở Công Thương tỉnh Kon Tum, trong thời gian qua, đơn vị tổ chức nhiều hoạt động để các chủ thể có cơ hội xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường, bán sản phẩm thông qua việc tham gia các hội chợ trong cả nước; ký kết các biên bản ghi nhớ hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, giao lưu sản phẩm OCOP giữa Kon Tum và các tỉnh, thành trong cả nước. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các sản phẩm; khai trương 2 điểm trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP. Các chủ thể đã tích cực, chủ động phát huy thế mạnh của mình phát triển sản xuất, hình thành được các sản phẩm có chất lượng cao, phong phú, đa dạng giới thiệu tới người tiêu dùng trong cả nước, hướng tới xuất khẩu sản phẩm ra ngoài nước.
Với sự quyết liệt chỉ đạo, triển khai các chính sách hỗ trợ, Kon Tum gặt hái được những thành công trong việc xây dựng sản phẩm địa phương. Trong năm 2021, tỉnh sẽ tổ chức 2 đợt đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh, với mục tiêu có từ 60 sản phẩm OCOP trở lên được chứng nhận đạt hạng 3 sao trở lên và có từ 2 sản phẩm tiềm năng đạt hạng 5 sao đề nghị Trung ương đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia. Trong giai đoạn 2021- 2025, Kon Tum đề ra mục tiêu là quy hoạch và phát triển 350 sản phẩm OCOP, với khoảng 200 chủ thể tham gia. Các sản phẩm tạo ra có thương hiệu, chất lượng hàng hóa cao đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, với ít nhất có từ 10 sản phẩm có tiềm năng đạt 5 sao…