Ổn định kinh tế sẽ “giữ chân” kiều hối
Linh hoạt chính sách kiều hối | |
Kiều hối sẽ phục hồi sau Covid | |
Kiều hối 2020 khó đạt mục tiêu |
TS. Nguyễn Trí Hiếu |
Báo cáo Di cư và Kiều hối của Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, lượng kiều hối của năm 2020 tại Việt Nam sẽ giảm hơn 7%, còn 15,7 tỷ USD. Nếu tính từ năm 2010, thì đây sẽ là lần đầu tiên kiều hối về Việt Nam giảm.
Trao đổi với Thời báo Ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia ngân hàng cho rằng, lượng kiều hối về Việt Nam năm 2020 giảm là điều tất yếu khi mà dịch bệnh Covid-19 đã làm đình trệ hoạt động sản xuất kinh doanh, khiến thu nhập của người lao động bị sụt giảm, trong đó có người lao động Việt Nam ở nước ngoài. Tuy nhiên, TS. Hiếu cho rằng, mức khoảng 7% như WB đưa ra là khá thấp và cũng là điều đáng mừng trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn như hiện nay.
Ông nhận định thế nào về tình hình kiều hối năm 2021?
Tôi cho rằng kiều hối năm nay sẽ bị tác động nhiều hơn là năm 2020. Bởi những khó khăn của năm 2020 do dịch Covid-19 nhiều khả năng sẽ kéo theo các hệ quả suy thoái kinh tế, đóng cửa biên giới. Năm nay WB đã hạ dự báo mức tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu xuống mức 4% - thấp hơn 0,2 điểm phần trăm so với mức dự báo trước đó, khi một nửa các quốc gia trên toàn cầu bị hạ thấp dự báo tăng trưởng trong Báo cáo Triển vọng Kinh tế toàn cầu của WB.
Hiện nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới vẫn đang phải căng mình ứng phó với dịch Covid-19. Mặc dù tin vui là có vắc-xin, nhưng để vắc-xin phát huy được hiệu quả và được cung ứng rộng rãi thì cần một thời gian ít nhất là 6 tháng đến 1 năm. Trong khi số lượng người thất nghiệp ở Mỹ đang tăng mạnh, mà đây vốn là thị trường thu hút kiều hối về Việt Nam mạnh nhất mỗi năm, cộng thêm những khó khăn khác của nền kinh tế thế giới năm 2021 nên với tình hình này tôi cho rằng kiều hối về Việt Nam năm 2021 nhiều khả năng sẽ giảm.
Những năm gần đây kiều hối về Việt Nam không đơn thuần chỉ là hỗ trợ người thân, mà còn để đầu tư sản xuất kinh doanh, gia tăng tiêu dùng phải không thưa ông?
Cách đây khoảng 20 năm, kiều hối chuyển về Việt Nam chủ yếu là để hỗ trợ thân nhân. Nhưng những năm trở lại đây, kiều hối chuyển về với mục đích đầu tư nhiều hơn, mặc dù vẫn là thông qua thân nhân của họ. Các hoạt động như gửi tiền vào ngân hàng, đầu tư chứng khoán, đầu tư vào các doanh nghiệp… tăng mạnh. Không khó lý giải khi Chính phủ ngày càng có nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam theo hướng cởi mở, thuận lợi hơn. Môi trường kinh doanh có ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các chủ thể trong nền kinh tế. Người thụ hưởng kiều hối tại Việt Nam cũng không phải đóng thuế như tại một số quốc gia khác, số tiền gửi về cũng không bắt buộc phải đổi ra tiền đồng. Thêm nữa, kinh tế Việt Nam ngày càng có độ mở lớn, các Hiệp định thương mại như CPTPP, UVFTA… có hiệu lực sẽ tạo sân chơi kinh tế thuận lợi cho kiều bào đầu tư.
Theo ông tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2020 có phải là một trong những yếu tố thuận lợi để kỳ vọng thu hút kiều hối về Việt Nam trong năm 2021?
Điều quan trọng trong thu hút kiều hối về Việt Nam nằm ở yếu tố kinh tế trong nước cũng như các chính sách đối với nguồn vốn này. Tôi thừa nhận tăng trưởng của kinh tế Việt Nam năm qua là hết sức ấn tượng. Lượng kiều hối đổ về Việt Nam như dự báo của WB chỉ giảm khoảng 7% đã cho thấy sự tin tưởng của kiều bào đối với kinh tế Việt Nam, khi chúng ta đang kiểm soát khá tốt dịch Covid-19 mà không phải dùng tới các biện pháp quá mạnh gây đóng băng nền kinh tế như ở một số quốc gia khác.
Nhưng năm 2021 thật sự rất khó để có một dự báo chính xác về tình hình dịch Covid-19 và kinh tế thế giới, việc kiểm soát dịch cũng như các chính sách hỗ trợ DN, người dân của Chính phủ mỗi quốc gia cũng không giống nhau. Nên phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, kinh tế Việt Nam có những tín hiệu sáng sủa, kiều bào rất mong muốn gửi tiền về nhưng lại còn phụ thuộc vào khả năng kinh tế nước sở tại có chịu tác động nhiều không.
Thêm nữa, việc có những điều chỉnh linh hoạt, phù hợp trong chính sách, đi cùng với các kịch bản dự phòng trong điều hành tiền tệ của quốc gia cũng sẽ là yếu tố để góp phần thu hút lượng kiều hối về Việt Nam.
Xin cảm ơn ông!