Ổn định thị trường vật liệu xây dựng
Nhu cầu tăng đột biến
Sau cơn bão số 9, hàng nghìn ngôi nhà ở Quảng Nam, Quảng Ngãi và một số địa phương khác trong khu vực miền Trung bị hư hỏng, tốc mái. Bởi vậy, trong những ngày qua, nhu cầu vật liệu xây dựng trên thị trường khu vực tăng cao. Cung vượt cầu, khiến một số hệ lụy tiêu cực nảy sinh, cơ quan chức năng đã phải nỗ lực vào cuộc, để sớm ổn định thị trường vật liệu xây dựng trên địa bàn.
Tại Quảng Ngãi, theo thống kê từ Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, bão số 9 đã khiến 84.664 ngôi nhà bị sập, hư hỏng. Trong đó có 165 nhà bị đổ sập và 84.499 ngôi nhà bị tốc mái, hư hại... Để khắc phục hậu quả thiên tai nhiều gia đình đã phải gấp rút đi mua vật liệu, trong đó tập trung vào các mặt hàng như tôn, ngói lợp, xà gồ, đinh vít... Trong số đó, rất nhiều gia đình phải đi mua tôn, ngói về lợp lại nhà, khiến các mặt hàng này trở nên khan hiếm và giá tăng cao hơn so với thời điểm trước đây. Nhu cầu người dân lớn dẫn tới nhiều nơi hết hàng, chỗ còn hàng để bán thì giá lại “nhảy múa”, khiến người tiêu dùng gặp khó khăn.
Một người dân trú tại xã Nghĩa Thương (huyện Tư Nghĩa) cho biết, do cần mua ngói lợp xuất xứ từ Bình Định, về lợp lại nhà. Tuy nhiên, trên thị trường giá ngói này đã tăng lên đến 20 nghìn đồng/viên. Trong khi, trước đây chỉ 6 nghìn đồng/viên. Chưa kể để lấy được số hàng lớn rất khó khăn, phải chờ đợi. Tương tự, như các loại ngói lợp Bình Định, các loại ngói lợp khác của Hạ Long, Vina Gốm... cũng tăng giá hơn so với thời điểm trước đó. Bên cạnh đó, các mặt hàng vật liệu xây dựng khác như, tôn, xi măng, hay tấm lợp xi măng cũng rơi vào cảnh “cháy hàng”, giá cũng nhảy múa theo nhu cầu tăng đột biến. Đơn cử như, tôn Hoa Sen trước thời điểm mưa bão chỉ có 70 đến 80 nghìn đồng/tấm, sau đó do nhu cầu tăng cao nên cũng đã tăng giá lên hơn 100 nghìn đồng/tấm.
Sau mưa bão, nhu cầu vật liệu xây dựng tăng cao trên thị trường |
Theo một số đại lý tôn trên địa bàn, nguyên nhân mặt hàng tôn lợp tăng giá do thời điểm sau bão số 9, một số nơi ở Quảng Ngãi mất điện, họ phải chạy máy phát điện để cắt tôn, nên chi phí có tăng hơn so với ngày thường. Tuy nhiên, trái ngược với những người kinh doanh thiếu đạo đức, lợi dụng mưa bão để trục lợi, thì vẫn có nhiều đại lý vật liệu xây dựng ở địa phương, giữ giá như ngày thường, để cùng chia sẻ những khó khăn với người tiêu dùng, vốn đã rất khó khăn sau những ngày mưa bão...
Không để trục lợi sau mưa bão
Tương tự, do ảnh hưởng của bão số 9, hàng loạt nhà dân ở Quảng Nam cũng bị tốc mái, nên nhiều người dân đã đổ xô đi mua tôn, ngói và nhiều vật liệu xây dựng khác về sửa nhà. Thực tế, trên thị trường vật liệu xây dựng tại một số địa phương trong khu vực miền Trung đã có những biến động, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng...
Để bảo vệ quyền lợi cho các “thượng đế”, nắm bắt được tình hình thị trường, Tổng Cục quản lý thị trường đã có công văn hỏa tốc gửi Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng đợt mưa lũ vừa qua yêu cầu xử lý nghiêm những trường hợp lợi dụng bão lụt để găm hàng, tăng giá.
Theo đó, Cục Quản lý thị trường 16 tỉnh, thành phố, trong đó có Quảng Ngãi phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại. Kiên quyết không để tình trạng găm hàng, đẩy giá, đảm bảo ổn định giá các mặt hàng, trong đó, có các mặt hàng vật liệu xây dựng. Sau đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng đã có văn bản yêu cầu xử lý nghiêm tình trạng găm hàng, tăng giá các mặt hàng vật liệu xây dựng, nhu yếu phẩm sau bão.
Ông Đặng Văn Minh - Chủ tịch UBND Quảng Ngãi cũng đã đề nghị cơ quan chức năng ở địa phương, tăng cường kiểm tra giá cả vật liệu xây dựng. Nghiêm cấm việc doanh nghiệp, các cửa hàng, cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng lợi dụng mưa bão, lũ trục lợi. Lực lượng quản lý thị trường tỉnh phải huy động tổng lực để tăng cường giám sát thị trường, nhất là ở lĩnh vực vật liệu xây dựng nhằm bình ổn giá, tránh ảnh hưởng tiêu cực đến người dân trong lúc khó khăn sau mưa bão...
Trong khi đó, để đảm bảo nguồn cung các mặt hàng vật liệu xây dựng cho khu vực miền Trung, cơ quan chức năng của Bộ Công thương cũng đã chủ động liên hệ với các công ty, tập đoàn sản xuất vật liệu xây dựng, trong đó tập trung vào các sản phẩm tôn, ngói lợp, xi măng... đưa hàng về địa phương. Đồng thời, yêu cầu các hệ thống phân phối, các đại lý không được tăng giá tại các địa bàn bị ảnh hưởng bởi mưa bão. Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) đã liên hệ và đề nghị một số doanh nghiệp sản xuất tấm tôn lớn như, Công ty TNHH Tôn Hoà Phát, Công ty TNHH Thương mại và Công nghiệp Việt Mỹ... Các công ty đều cam kết, nguồn cung tấm lợp được đảm bảo và không tăng giá tại các địa bàn bị ảnh hưởng của cơn bão số 9, đồng thời cung cấp, đáp ứng nhu cầu cho người dân trên địa bàn...
Trước đó, tại cuộc làm việc về công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 9 và mưa lũ với các địa phương trong khu vực miền Trung, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã yêu cầu Bộ Công thương, làm việc với các công ty, nhà cung ứng lớn, nhanh chóng đưa tôn, ngói đến người dân vùng tâm bão. Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu phải bảo đảm ổn định, không để hiện tượng lợi dụng nhu cầu cao mà nâng giá, gây thêm khó khăn cho bà con... Với nhiều nỗ lực, nhìn chung chỉ sau một thời gian ngắn thị trường vật liệu xây dựng tại khu vực miền Trung cũng đã dần ổn định. Đến nay, tại các địa phương trong khu vực giá cả các mặt hàng vật liệu xây dựng đã ổn định như thời gian trước, sức mua giảm dần, nguồn cung đang tăng lên và không còn những biến động “nhảy múa” như những ngày đầu sau cơn bão số 9.