Phát huy nội lực từ kinh tế tuần hoàn để vượt COVID-19
Nhờ kinh tế tuần hoàn, rơm rạ được tận dụng làm giá thể để trồng nấm rơm |
Khai thác trọn vẹn "tinh hoa"
Theo ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia kinh tế, sau hơn 30 năm đổi mới, quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa của đất nước diễn ra giúp đời sống người dân ngày càng được cải thiện, trở thành một nước có thu nhập trung bình nhưng cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm, suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu. Vì vậy, việc lựa chọn nền kinh tế tuần hoàn đối với Việt Nam là yêu cầu tất yếu nhằm khắc phục hạn chế của mô hình tăng trưởng truyền thống.
Bên cạnh đó, phát triển kinh tế tuần hoàn giúp Việt Nam tránh lệ thuộc vào nền kinh tế bên ngoài, nhất là về nguyên liệu và nhiên liệu phục vụ sản xuất.
Thực tế đã chứng minh, nhờ mô hình kinh tế tuần hoàn và tư duy đổi mới sáng tạo, nhiều doanh nghiệp đã khai thác trọn vẹn "tinh hoa" của sản phẩm, giảm thiểu triệt để chất thải ra môi trường, và tận dụng tối đa cơ hội để phát triển bền vững ngay trong đại dịch.
Hiện, Công ty TNHH Mía đường Nghệ An (NASU) - thành viên của Tập đoàn TH - đã xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn với tiêu chí mọi chất thải, phụ phẩm đều có giá trị. Lượng bã mía, bã bùn từ quá trình ép mía lấy đường được sử dụng làm nhiên liệu đốt lò, tro đốt trở thành phân bón ruộng mía. Bã mía cũng được đưa vào làm nhiên liệu sản xuất khí hơi để chạy máy phát điện. Ngoài ra, các phần không sử dụng của cây mía như lá và rễ sẽ được giữ lại và để phân huỷ tự nhiên, tạo một lớp thảm phủ trên đất giúp bảo vệ đất, giữ ẩm và thay thế phân bón hoá học. Rỉ mật, một phụ phẩm từ quy trình ly tâm nước mía dùng chế biến thức ăn cho bò sữa...
Tương tự, Heineken Việt Nam cũng đang áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn nhằm kiến tạo những giá trị bền vững. Cụ thể, gần như 100% chai bia thủy tinh được thu hồi lại để tái sử dụng trước khi được tái chế tại nhà máy thủy tinh vào cuối vòng đời sản phẩm. Các nguyên vật liệu khác như nhôm, nhựa và giấy đều được tái sử dụng hoặc tái chế; xử lý 100% nước thải đạt tiêu chuẩn an toàn loại A trước khi trả về môi trường một cách an toàn. Bên cạnh đó, 4 trên 6 nhà máy bia của Heineken Việt Nam sử dụng nhiệt năng từ năng lượng tái tạo và nhiên liệu sinh khối, không phát thải các-bon, giảm 2.500 tấn phát thải CO2 chỉ riêng trong khâu kho vận trong năm 2018.
Đặc biệt, đại dịch COVID-19 đang càng làm sâu sắc thêm yêu cầu về thay đổi mô hình tăng trưởng hướng đến phát triển bền vững. Trong bối cảnh đó, nhiều quốc gia trên thế giới như Thụy Điển, Trung Quốc, Nhật Bản... đang chuyển đổi mạnh mẽ sang kinh tế tuần hoàn. Trong đó, Thụy Điển là một trong những điểm sáng với phương châm “thay đổi tư duy tiêu dùng ắt dẫn đến thay đổi tư duy sản xuất” nên đã tái chế được 53% vật liệu nhựa tiêu dùng trong đời sống xã hội, 50% chất thải trong ngành xây dựng, tái chế 99% rác thải thành năng lượng điện. Bài học thành công của quốc gia này là kinh nghiệm để Việt Nam phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, cũng như thúc đẩy hợp tác nhằm tiếp nhận chuyển giao các công nghệ về thiết kế, chế tạo, chuyển đổi số.
Tại Hội thảo trực tuyến Kinh tế tuần hoàn tại các thị trường mới nổi, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam Trần Hồng Hà khẳng định, thực hiện kinh tế tuần hoàn là cách thức để Việt Nam thực hiện trách nhiệm quốc tế trong các cam kết về bảo vệ môi trường biến đổi khí hậu, thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), hỗ trợ doanh nghiệp giảm rủi ro về khủng hoảng thừa sản phẩm, khan hiếm tài nguyên; tạo động lực để đầu tư, đổi mới công nghệ, giảm chi phí sản xuất, mở rộng chuỗi cung ứng, đồng thời tạo ra thị trường mới, cơ hội việc làm mới, nâng cao sức khỏe người dân, cộng đồng và thế giới tự nhiên.
Xóa bỏ khoảng cách để phát triển
Tuy còn nhiều tiềm năng để phát triển nhưng kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam còn đối mặt với vô số thách thức. Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nền kinh tế nước ta đang trong quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, còn rất nhiều việc phải làm để nâng tầm thương hiệu quốc gia nên vô tình vấn đề bảo vệ môi trường chưa được chú trọng. Đầu tư cho nghiên cứu, sáng tạo các cách làm hay để doanh nghiệp áp dụng vào kinh tế tuần hoàn chưa được quan tâm đúng mức.
Bên cạnh đó, một số chuyên gia chỉ ra rằng, Việt Nam vẫn còn thiếu các cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, nhận thức về kinh tế tuần hoàn và sự cần thiết chuyển đổi sang phát triển kinh tế tuần hoàn còn hạn chế. Nguồn lực cho việc thực hiện chuyển đối sang kinh tế tuần hoàn còn yếu, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam có công nghệ lạc hậu, lỗi thời, quy mô sản xuất nhỏ lẻ và thiếu nguồn lực đầu tư cho công nghệ tái chế. Điều khó khăn nhất hiện nay chính là việc thay đổi thói quen sản xuất và tiêu dùng của toàn xã hội.
Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tuần hoàn phát triển nhanh và bền vững, chuyên gia Vũ Vinh Phú cho rằng cần phải xuất phát từ nhận thức của các ngành các cấp, nhất là của lãnh đạo, nhận thức đúng mới hành động kiên quyết và hiệu quả được.
Ngoài ra, cần thực hiện ba nhóm giải pháp về chính sách, con người, công nghệ cần được quyết ngay, đó là cần cơ chế chính sách thông thoáng, cởi mở, cắt giảm thủ tục hành chính để tạo điều kiện cho kinh tế tuần hoàn, tăng cường kiểm tra, giám sát; người làm thương mại, sản xuất phải làm từ cái tâm và xuất phát từ lợi ích của nhân dân; mạnh dạn đầu tư công nghê tiên tiến, mở rộng sản xuất kinh doanh, kinh phí chưa có nhiều nhưng có thể chọn lọc tập trung đầu tư để phát huy tối đa hiệu quả.
Cùng chung nhận định này, đại diện một doanh nghiệp theo mô hình kinh tế tuần hoàn đề xuất mỗi doanh nghiệp nên xây dựng mô hình theo chiều sâu, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu vào, áp dụng khoa học công nghệ vào các ngành, đặc biệt là xử lý rác thải để tái tạo nguyên liệu mới; quy định lộ trình thay thế các nhiên liệu, sản phẩm sử dụng nguyên liệu nguy hại, sản phẩm sử dụng một lần bằng các nhiên liệu, nguyên liệu thân thiện với môi trường, sản phẩm sử dụng nhiều lần, kéo dài thời gian sử dụng hữu ích của sản phẩm.