Phát triển đô thị nhờ quy mô và tốc độ tăng trưởng
Trong cuộc làm việc với Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam cuối tháng 10/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, phát triển đô thị là một kênh tăng trưởng quan trọng cho đất nước. TS. Huỳnh Thế Du - Đại học Fulbright cho rằng, ủng hộ phát triển đô thị, do các thành phố có lợi thế quy mô và tốc độ thúc đẩy tăng trưởng nhanh cho một quốc gia.
Đô thị Vinhomes Central Park vẫn bị nhiều người chê mật độ dày đặc dân cư |
Việt Nam đang trong quá trình đô thị hóa rất nhanh, hệ thống các thành phố được nâng cấp từ thị xã và thành phố mới… trong những năm qua đã làm thay đổi diện mạo hành chính Việt Nam. Số liệu của Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị, nếu năm 2000 tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam mới chỉ đạt 24,2%, tương đương 18,7 triệu dân, thì đến năm 2019 tỷ lệ này đã lên đến 28,4%. Thời điểm cuối năm 2011 cả nước có 731 đô thị nhưng đến tháng 5/2019 đã tăng lên 833 đô thị, diện tích bình quân sàn nhà ở toàn quốc mỗi một người đạt 23,4m2.
TS. Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho biết: Quá trình đô thị hoá luôn gắn liền với các cuộc cách mạng công nghiệp. Bộ mặt của đô thị như là một sự phản ánh trung thực quá trình phát triển kinh tế. Gắn với thời kỳ cuộc cách mạng cơ khí và cuộc cách mạng điện khí hoá là hình ảnh những chiếc xe điện chạy leng keng trên các đường phố, hay là các tuyến tàu điện ngầm với quá trình điều độ chạy tàu ngày càng hiện đại. Hệ quả của cuộc cách mạng công nghiệp 3.0 và gần đây nhất là 4.0 đã làm thay đổi bộ mặt của đô thị, đặc biệt là đối với phương tiện vận tải công cộng.
Kinh nghiệm của các quốc gia châu Âu là một quốc gia phát triển đô thị bền vững phải đảm bảo được các yếu tố: Nhà ở có giá phù hợp với thu nhập của người dân, đô thị gắn liền với bảo vệ di sản thiên nhiên và văn hóa, đô thị phải đảm bảo chống chịu thiên tai, giảm thiểu tác động đến môi trường từ khâu phân loại rác và tập kết rác trong từng nhà, căn hộ và tổ dân phố trong phường và phải có không gian công cộng cho cư dân. Song phải có sự kết nối giữa đô thị và nông thôn, sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường, giảm hiệu ứng nhà kính…
Trong những năm gần đây các chuyên gia nói nhiều đến phát triển đô thị thông minh. Tổ trưởng Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đưa ra 5 thực trạng của thành phố thông minh hiện nay: Đô thị thông minh hiện nay là do các nhà đầu tư BĐS và công nghệ thực hiện, điều này sẽ có những va chạm về chi phí vận hành giữa nhà nước và người bỏ vốn đầu tư và cư dân vào đô thị sinh sống.
Quy hoạch đô thị thông minh hiện vẫn là mong muốn chính trị là hiệu quả kinh tế và ứng dụng công nghệ nhưng lại ít hỏi đến cư dân sống trong đó cần đáp ứng những vấn đề gì. Từ đó dẫn đến áp dụng công nghệ tràn lan, gắn camera an ninh quét từng centimet trong khu đô thị đặt ra vấn đề quyền con người và tự do cá nhân của cư dân. Đô thị thông minh đòi hỏi cư dân thông minh, vô hình trung đã gạt những người yếu thế không đủ năng lực tài chính ra ngoài xã hội. Khía cạnh văn hóa xã hội trong quy hoạch đô thị thông minh cũng ít được quan tâm mà lại thiên về quản lý con người trong môi trường đô thị.
Điều TS. Kiên mong muốn xây dựng đô thị thông minh ở Việt Nam phải lấy con người làm trung tâm và tiếp cận quy hoạch theo hướng liên ngành và tích cực. Theo đó, gắn kết công việc – đời sống – giải trí để tạo an cư và ít bị tác động từ khủng hoảng kinh tế, từng bước thu hẹp khoảng cách giữa đô thị và nông thôn. Theo TS. Kiên, trước mắt từ nay đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 cần coi trọng chính sách phát triển đô thị tích hợp. Trong đó chú ý đầu tư xây dựng các thành phố hiện có, thực hiện cải tạo và tu bổ hạ tầng giao thông và internet.
Xây dựng đô thị thông minh phải sử dụng ngân sách Trung ương, địa phương và kinh phí người dân đóng góp. Không nên tạo sự chia cắt như Ciputra, Phú Mỹ Hưng… Khuyến khích hình thành các khu nhà ở của đô thị thông minh hướng tới nâng cao chất lượng cuộc sống cho mọi giai tầng trong xã hội và tạo sự bình đẳng về cơ hội phát triển cho mọi cư dân trong khu phố. Chỉ có như vậy mới dựa vào sự phát triển rất nhanh của khoa học công nghệ tạo nên những bước đột phá về kinh tế.