Phát triển ngành logistics Việt Nam với khu vực châu Âu, châu Mỹ
Triển khai Quyết định số 200/QĐ/TTG của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 và Chương trình hành động của Bộ Công Thương năm 2021, để giúp các cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội, ngành hàng và cộng đồng doanh nghiệp có cái nhìn cụ thể hơn về thực trạng tình hình cũng như nhu cầu và xu hướng hoạt động logistics tại khu vực châu Âu, châu Mỹ, nắm bắt được các cơ hội và thách thức trong bối cảnh thực thi các FTA và đưa ra một số giải pháp nhằm phát triển ngành logistics với các khu vực này, sáng nay (17/12), Bộ Công Thương phối hợp với các tổ chức trong nước và quốc tế tổ chức Diễn đàn phát triển ngành logistics Việt Nam với khu vực châu Âu, châu Mỹ.
Để doanh nghiệp logistics tham gia thị trường châu Âu, châu Mỹ không dễ |
Khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, ngành logistics Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ. Chỉ số hoạt động logistics gần đây nhất của Ngân hàng Thế giới xếp Việt Nam đứng thứ 39 trên 160 quốc gia và đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á, đây cũng là kết quả cao nhất mà Việt Nam từng đạt được. Bên cạnh đó, logistics cũng là một trong những ngành tăng trưởng nhanh và ổn định nhất của Việt Nam với mức tăng trưởng trung bình 14-16% mỗi năm, đóng góp vào GDP từ 4-5%.
Đến nay, cả nước đã có khoảng 30.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics với khoảng 5.000 doanh nghiệp hoạt động chuyện nghiệp. Đó là những tín hiệu rất đáng mừng cho triển vọng phát triển của ngành logistics của Việt Nam.
Sự phát triển của ngành logistics Việt Nam gắn liền với những thành tựu quan trọng trong sự phát triển kinh tế nhờ vào việc đẩy mạnh mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế, tích cực tham gia vào các hiệp định thương mại tự do với những cam kết sâu rộng và toàn diện, mang đến nhiều cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp logistics nói riêng.
Nổi bật trong bức tranh hội nhập kinh tế của Việt Nam là sự phát triển trong quan hệ hợp tác thương mại với các khu vực châu Âu, châu Mỹ. Đây là khu vực từ lâu đã được biết tới với nhiều đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam như: Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu và rất nhiều đối tác quan trọng khác.
Theo Bộ Công Thương, năm 2021 dù phải chịu tác động của đại dịch Covid 19, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và khu vực châu Âu, châu Mỹ 10 tháng đầu năm vẫn đạt mức tăng trưởng ấn tượng là 18,8%, đạt gần 170 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang các đối tác khu vực Âu Mỹ đạt 131 tỷ USD và tương đương với tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.
Với việc các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã và đang đi vào hiệu lực, như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA)… các doanh nghiệp Việt Nam có rất nhiều cơ hội để tăng cường trao đổi thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường khu vực Âu, Mỹ. Trong bối cảnh đó, các yếu tố liên quan đến logistics đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, mở ra cánh cửa cho nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Tuy nhiên, Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, trong một bức tranh tổng thể có phần khởi sắc, chúng ta cũng phải nhìn nhận một thực tế đó là ngành logistics nước nhà vẫn phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Trong đó, nổi bật là các vấn đề về chi phí dịch vụ, các nút thắt về cơ sở hạ tầng kho bãi, thiết bị, nhân lực…
Đặc biệt dịch bệnh Covid-19 đã tác động tiêu cực lên ngành logistics toàn cầu, gây ra một số khó khăn. Đó là tình trạng ùn tắc trên các tuyến vận tải container, tình trạng thiếu container rỗng tiếp nối từ năm 2020 đến nay và hiện nay vẫn đang tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp tới xuất khẩu Việt Nam khi rủi ro dịch bệnh bùng phát vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn tại nhiều nơi trên thế giới.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, dòng dịch chuyển thương mại, đầu tư toàn cầu đã và đang đòi hỏi Việt Nam phải có những giải pháp thiết thực và kịp thời để nâng cao sức cạnh tranh cho ngành logistics nước nhà, từng bước hiện thực hóa mục tiêu đưa Việt Nam thành trung tâm logistics của khu vực. Vì vậy, làm thế nào để các doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp logistics của Việt Nam có thể vượt qua những khó khăn, tận dụng được tối đa các cơ hội mà khu vực thị trường châu Âu, châu Mỹ mang lại là một câu hỏi không dễ giải đáp.