Phát triển thanh toán số hướng tới chuyển đổi số toàn diện
Người tiêu dùng Việt Nam đang đón nhận sự tiện lợi của thanh toán số Gen Z: Thế hệ dẫn dắt thanh toán số Thanh toán số sôi động nơi "cửa ngõ" giao thương |
Ông có thể cho biết kết quả thúc đẩy TTKDTM trên địa bàn tỉnh thời gian qua?
Trên cơ sở Quyết định 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành phê duyệt Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025, tỉnh Quảng Ninh cũng đã ban hành, triển khai Kế hoạch số 97/KH-UBND về việc triển khai Đề án phát triển TTKDTM trên địa bàn Quảng Ninh, giai đoạn 2022-2025. Hiện trên địa bàn có trên 2,9 triệu tài khoản mở tại ngân hàng, trong đó có 370 nghìn tài khoản mở bằng phương thức điện tử (eKYC); ngoài tài khoản mở tại các NHTM còn có 773 nghìn tài khoản Mobile-Money. Tốc độ tăng trưởng TTKDTM 6 tháng đầu năm 2023 đạt 49,8% về số lượng, 24,7% về giá trị so cùng kỳ. TTKDTM lĩnh vực dịch vụ công cũng đạt được những kết quả khả quan.
Cùng với đó, tỉnh đã chỉ đạo, triển khai các mô hình thanh toán hiệu quả như: Mô hình Chợ 4.0 – TTKDTM tại tất cả các địa phương. Hiện nay toàn bộ 13/13 địa phương trong tỉnh Quảng Ninh đều đã áp dụng mô hình chợ 4.0 với các chợ trung tâm và chợ hạng I. Đến 30/6/2023, nhiều địa phương đạt kết quả trên 70% số lượng hộ kinh doanh tại chợ trung tâm chấp nhận TTKDTM.
Bên cạnh đó, địa phương cũng thúc đẩy thanh toán qua mã QR trong thanh toán dịch vụ y tế, đã có 6 đơn vị bệnh viện, trung tâm y tế áp dụng. Giải pháp thanh toán qua mã QR động đã giúp quy trình thanh toán viện phí nhanh chóng, chính xác, thuận tiện hơn, giảm thiểu ùn tắc tại các quầy thanh toán do có thể thực hiện ngay tại phòng khám thông qua dịch vụ Mobile Banking của ngân hàng mà không cần qua quầy thu ngân của bệnh viện.
Để có được kết quả như trên về TTKDTM, ngay sau khi ban hành Kế hoạch số 97/KH-UBND, tỉnh đã yêu cầu từng sở, ban, ngành, địa phương và đơn vị liên quan cụ thể hóa thành Kế hoạch cho cả giai đoạn 2022-2025 và hàng năm để chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt các cơ chế, chính sách về phát triển TTKDTM.
Quảng Ninh coi phát triển thanh toán số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng trong quá trình chuyển đổi số toàn diện |
Đánh giá của ông về vai trò TTKDTM trong việc phát triển kinh tế, nhất là trong công cuộc chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính của tỉnh?
TTKDTM là xu hướng tất yếu, đồng thời là động lực trong quá trình phát triển kinh tế, thương mại toàn cầu. Việc sử dụng phương thức thanh toán điện tử sẽ tận dụng được nhiều lợi thế hơn như giúp tăng tốc độ, đơn giản hóa quy trình thanh toán và giảm nguy cơ gian lận thương mại. Riêng với Quảng Ninh, tỉnh được đánh giá là một trong những trung tâm, động lực phát triển kinh tế của khu vực phía Bắc. Nơi có sự giao thương nhộn nhịp thì sự phát triển của thanh toán điện tử đem đến nhiều lợi ích cho nền kinh tế nói chung, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh nói riêng. Cụ thể, giúp đẩy nhanh chu trình luân chuyển vốn, nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế và hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, thanh toán điện tử giúp tiết kiệm thời gian và chi phí quản lý so với thanh toán bằng tiền mặt như chi phí thu ngân, chi phí nộp, rút, bảo quản tiền mặt… đồng thời, tránh được các rủi ro như thiếu, mất tiền, tiền giả. TTKDTM còn đóng vai trò quan trọng góp phần hỗ trợ thúc đẩy và là yếu tố không thể thiếu trong phát triển thương mại điện tử.
Theo tôi, khi TTKDTM được khuyến khích và đưa vào như một phương thức thanh toán chính yếu trong xã hội sẽ đem lại nhiều lợi ích để thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững. Nó sẽ tạo sự minh bạch trong các giao dịch, giúp dòng tiền trong nền kinh tế được lưu thông nhanh và hiệu quả hơn.
Một trong những điều kiện, tiêu chí để thực hiện các TTHC trực tuyến cấp độ 4 là các loại phí liên quan phải được thanh toán trực tuyến. Do vậy TTKDTM là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy mạnh mẽ quá trình cải cách hành chính, nhất là cải cách TTHC, cùng với đó, 3 trụ cột của chuyển đổi số toàn diện là Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Do vậy, để đạt được các mục tiêu số hóa mọi mặt trong đời sống kinh tế - xã hội thì hoạt động ngân hàng nói chung và TTKDTM nói riêng có vai trò rất quan trọng, không chỉ riêng trên địa bàn Quảng Ninh mà cả trên toàn quốc.
UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 97/KH-UBND về triển khai đề án phát triển TTKDTM trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025. Theo ông, cần giải pháp nào để đạt được những mục tiêu của kế hoạch này?
Để thúc đẩy TTKDTM, trước tiên về phía tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện tốt, triển khai đầy đủ, kịp thời, hiệu quả các chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về TTKDTM và chuyển đổi số. Cùng với đó, tỉnh cũng sẽ tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương và các đơn vị thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các giải pháp đã đề ra tại Kế hoạch số 97/KH-UBND. Trong đó, trọng tâm là:
Thứ nhất, chú trọng đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền và giáo dục tài chính đến người dân để có đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết và tin tưởng sử dụng dịch vụ TTKDTM một cách an toàn, hiệu quả.
Thứ hai, ứng dụng, phát triển nhanh, mạnh hơn nữa các sản phẩm, dịch vụ thanh toán dựa trên
internet, thiết bị di động, dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo (AI); phát triển dịch vụ Mobile-Money nhằm thúc đẩy TTKDTM, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Thứ ba, thúc đẩy thanh toán điện tử trong khu vực dịch vụ hành chính công, các dịch vụ thiết yếu như điện, nước, y tế, giáo dục...; mở rộng quy mô triển khai mô hình Chợ 4.0 trên toàn địa bàn tỉnh; mô hình thanh toán qua mã QR động tại các cơ sở y tế, trung tâm phục vụ hành chính công.
Thứ tư, triển khai các hình thức miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán để khuyến khích người dân TTKDTM.
Thứ năm, tăng cường công tác đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động thanh toán; áp dụng các biện pháp phòng ngừa rủi ro, bảo vệ quyền lợi của khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán; đấu tranh xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về thanh toán điện tử, TTKDTM, phòng chống rửa tiền và các loại tội phạm mạng.
Quảng Ninh là một trong những địa phương đã ban hành một Nghị quyết riêng về thúc đẩy chuyển đổi số, đó là Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về Chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong Nghị quyết này đã đặt ra rất nhiều mục tiêu, trong đó có thúc đẩy thanh toán số và thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Quảng Ninh trong việc phát triển kinh tế số, xã hội số, chính quyền số.
Riêng mục tiêu về TTKDTM được đặt ra trong Nghị quyết 09 là tỷ lệ người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán điện tử đạt 95% (đến năm 2025) và 99% (đến năm 2030), cao hơn so mục tiêu cả nước là trên 80% cho thấy quyết tâm chuyển đổi số mạnh mẽ của tỉnh Quảng Ninh, đồng thời đánh giá cao vai trò của TTKDTM trong việc triển khai và hiện thực hóa Nghị quyết vào cuộc sống. Quảng Ninh coi phát triển thanh toán số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng trong quá trình chuyển đổi số toàn diện của tỉnh.
Xin cảm ơn ông!