Phát triển thị trường lúa gạo xuất khẩu
Tổng hợp thị trường lúa gạo quý III và dự báo Đảm bảo xuất khẩu và bình ổn thị trường gạo trong nước |
Cơ hội xen lẫn thách thức
Những năm gần đây, Việt Nam đã có bước tăng trưởng vượt bậc và chuyển mình mạnh mẽ trong sản xuất và xuất khẩu gạo; mở rộng thị trường, nâng cao vị thế gạo Việt Nam tại hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2023, nhờ tận dụng tốt các FTA đã ký kết, sản xuất và xuất khẩu gạo đã lập kỷ ôm lục về sản lượng, năng suất, khi cán đích với kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt 4,78 tỷ USD, tăng 36,6% so với năm trước. Đây là mức cao nhất trong nhiều năm của ngành lúa gạo Việt Nam. Đến nay, những thị trường khó tính như châu Âu, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Australia và một số thị trường mới ở các nước khu vực Trung Đông cũng đang dần ưa chuộng các loại gạo chất lượng cao có xuất xứ từ Việt Nam.
Sản xuất lúa gạo trong nước đang đứng trước những cơ hội lẫn thách thức |
Năm 2024, dù tình hình thế giới dự báo vẫn sẽ có nhiều khó khăn, song tình hình xuất khẩu gạo đã có những tín hiệu lạc quan ngay từ những tháng đầu năm. Cụ thể, 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gạo đạt 708 triệu USD, tăng 49,8%, cho thấy triển vọng tại các thị trường lớn tiếp tục khả quan. Bên cạnh đó, theo nhiều dự báo, giá gạo sẽ còn tăng trong năm 2024 do nguồn cung bị thắt chặt. Do các hạn chế xuất khẩu của Ấn Độ cộng thêm những biến động thời tiết bất thường, trong khi nhu cầu gạo tiếp tục gia tăng...
Đây là cơ hội và cũng là thách thức đối với sản xuất, xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam. Tại Hội nghị lúa gạo toàn cầu - SS Rice News Convention 2024, vừa mới được tổ chức tại TP. Đà Nẵng, ông Nguyễn Anh Sơn, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, hiện tình hình thương mại gạo toàn cầu đang chịu tác động bởi nhiều yếu tố đã ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, xuất khẩu gạo của nhiều quốc gia. Việt Nam là một trong 3 quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, nên tất cả sự thay đổi về chính sách, biến động về cung cầu và khuynh hướng giá cả của các quốc gia tiêu thụ gạo trên thế giới đều ảnh hưởng trực tiếp đến ngành gạo Việt Nam.
Nâng cao chất lượng gạo Việt
Trong thời gian qua, với các chính sách hỗ trợ kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành cùng các giải pháp khơi thông thị trường, lưu thông hàng hóa, việc thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu đối với mặt hàng lúa gạo đã ghi nhận được một số kết quả tích cực, góp phần tiêu thụ thóc, gạo hàng hóa với giá có lợi cho người nông dân trực tiếp sản xuất.
Cũng theo ông Nguyễn Anh Sơn, để đảm bảo mục tiêu và hiệu quả trong công tác quản lý, điều hành xuất khẩu gạo, Bộ Công thương là cơ quan chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan, địa phương và Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 về kinh doanh xuất khẩu gạo. Trong đó, Bộ Công thương là cơ quan chủ trì xem xét, thẩm định, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo cho các thương nhân Việt Nam, nhằm đảm bảo hoạt động xuất khẩu lúa gạo diễn ra công bằng, hiệu quả. Từ đó, thúc đẩy sự phát triển bền vững, hướng tới nâng cao chất lượng, trị giá và vị thế ngành hàng lúa gạo của Việt Nam.
Triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-BCT ngày 15/8/2023 về tăng cường công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu gạo và bình ổn thị trường trong nước, trong giai đoạn hiện nay. Hiện, Bộ Công thương cũng đang xây dựng và sẽ sớm ban hành chỉ thị triển khai các nhiệm vụ được giao, phục vụ công tác điều hành xuất khẩu gạo.
Trước đó, hàng năm Bộ Công thương cũng đã chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ quan quản lý nhà nước tại các địa phương có doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo, VFA và các thương nhân tổ chức các buổi họp, hội nghị để cùng thống nhất triển khai quyết liệt nhóm giải pháp để đảm bảo nguồn cung, bình ổn giá lương thực trong nước và tạo thuận lợi, hạn chế rủi ro cho hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo theo từng giai đoạn trong năm. Cuối năm 2023, tại hội nghị Thượng đỉnh Lúa gạo quốc tế tổ chức tại Philippines, gạo Việt Nam đã được vinh danh “Gạo ngon nhất thế giới”. Đây là cơ hội để các thương hiệu Việt uy tín mở rộng thị trường xuất khẩu cũng như gia tăng giá trị sản phẩm, nâng cao vị thế thương hiệu gạo Việt Nam.
Tiếp tục nâng cao vị thế cho ngành lúa gạo trong nước, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao vùng Đồng bằng sông Cửu Long, với mục tiêu hình thành một triệu ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường… Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp đạt 1 triệu ha. Lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu chất lượng cao, phát thải thấp chiếm trên 20% tổng lượng gạo xuất khẩu của toàn vùng chuyên canh.