Đảm bảo xuất khẩu và bình ổn thị trường gạo trong nước
Bình ổn thị trường trong nước
Theo Bộ Công Thương, thời gian vừa qua, tình hình thương mại lương thực toàn cầu diễn biến phức tạp, khó lường do tác động bởi nhiều yếu tố như lệnh cấm xuất khẩu gạo tại một số nước (Ấn Độ, UAE, Nga). Cùng với đó, hiện tượng El Nino gây ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất lương thực, ngũ cốc tại nhiều khu vực cùng với diễn biến địa chính trị còn phức tạp... đã và đang ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu gạo của Việt Nam trong thời gian tới.
Trước bối cảnh đó, để công tác điều hành xuất khẩu gạo đảm bảo mục tiêu tiêu thụ thóc, gạo hàng hóa, đảm bảo lợi ích của người trồng lúa; cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, đảm bảo dự trữ lưu thông tối thiểu theo quy định; đảm bảo xuất khẩu có hiệu quả; thực hiện các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về giải pháp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo và đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia… Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị, cơ quan chức năng liên quan thuộc Bộ Công Thương, Sở Công Thương các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ.
Bộ Công Thương chỉ đạo đảm bảo cung cầu gạo tại thị trường nội địa, chủ động điều tiết hoạt động xuất khẩu hiệu quả. |
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương giao lực lượng quản lý thị trường tại địa phương theo dõi sát tình hình giá gạo, kiểm tra, kiểm soát nguồn cung, giá bán gạo, ngăn chặn các hành vi vi phạm về niêm yết giá, đầu cơ, găm hàng, định giá bất hợp lý; Tăng kiểm tra, ngăn chặn và xử lý nghiêm việc vận chuyển, kinh doanh gạo không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Vụ Thị trường trong nước theo dõi sát tình hình thị trường, chủ động chỉ đạo Sở Công Thương các địa phương có phương án chuẩn bị nguồn cung gạo, đảm bảo chất lượng và cân đối cung cầu mặt hàng gạo tại thị trường trong nước, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu của người dân, góp phần bình ổn giá gạo nói riêng và giá lương thực nói chung, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.
Các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất và duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP. Chủ động theo dõi sát tình hình thương mại gạo thế giới, động thái của các nước xuất khẩu gạo, nhu cầu tiêu thụ của các nước nhập khẩu, trao đổi cùng Hiệp hội để xây dựng phương án tổ chức sản xuất, giao dịch, đàm phán đảm bảo hiệu quả xuất khẩu; Tích cực tham gia chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn sở tại, góp phần bình ổn giá thóc, gạo nội địa, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; Xây dựng kế hoạch cụ thể từng bước nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh; xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhân viên làm nghiệp vụ xuất nhập khẩu, công tác thị trường, marketing theo hướng chuyên nghiệp; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nắm bắt, khai thác thông tin thị trường, đàm phán, ký kết thực hiện hợp đồng, xử lý tranh chấp thương mại quốc tế.
Theo dõi, cập nhật thị trường gạo thế giới
Cục Xuất nhập khẩu chủ trì phối hợp với đơn vị chức năng thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Hiệp hội Lương thực Việt Nam, các cơ quan thương vụ nước ngoài theo dõi sát diễn biến thị trường gạo thế giới; phối hợp theo dõi tình hình sản xuất lúa gạo, diễn biến cung cầu, giá cả thị trường thóc, gạo nội địa; tham mưu, đề xuất các giải pháp phục vụ công tác điều hành xuất khẩu gạo trong tình hình mới; Chủ trì làm việc với Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo để nắm bắt thông tin, hỗ trợ hướng dẫn, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, khả năng đàm phán, ký kết, thực hiện hợp đồng xuất khẩu, kịp thời cập nhật tình hình xuất khẩu gạo và hỗ trợ thương nhân xử lý vướng mắc trong trường hợp cần thiết.
Cục Xúc tiến thương mại bố trí kinh phí cho các chương trình xúc tiến thương mại gạo phù hợp với tín hiệu thị trường và tạo điều kiện để thương nhân khai thác hiệu quả lợi thế từ các FTA nhằm đa dạng hóa, chiếm lĩnh các thị trường mới, tiềm năng và nâng cao sức cạnh tranh cho ngành hàng gạo Việt Nam. Đẩy mạnh hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm gạo của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam đến các nhà phân phối trong nước và ngoài nước.
Cục Phòng vệ thương mại tiếp tục triển khai các hoạt động cảnh báo nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và trợ giúp thương nhân xuất khẩu gạo trong trường hợp bị nước nhập khẩu điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
Vụ Chính sách thương mại đa biên phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu và các Vụ Thị trường ngoài nước đàm phán về mở cửa thị trường và các biện pháp phi thuế quan đối với mặt hàng gạo để gỡ bỏ các rào cản, tạo thuận lợi cho xuất khẩu gạo của Việt Nam. Đồng thời, tận dụng tiến trình rà soát các Hiệp định đã được đưa vào thực thi để đề nghị các đối tác mở cửa thêm, gia tăng hạn ngạch thuế quan dành cho sản phẩm gạo của Việt Nam; Xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ ngành gạo tận dụng hiệu quả các FTA; kịp thời thông tin về những thuận lợi, khó khăn và các vấn đề cần lưu ý đối với xuất khẩu gạo của Việt Nam vào các thị trường mà Việt Nam đã ký kết, tham gia các Hiệp định song phương và đa phương.
Vụ Pháp chế phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo, trình Chính phủ theo đúng chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ. Triển khai kiểm tra thi hành pháp luật về kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP.
Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ chỉ đạo Thương vụ Việt Nam tại các nước theo dõi sát thông tin về tình hình thị trường, động thái cơ chế chính sách xuất khẩu, nhập khẩu khẩu gạo của nước sở tại.
Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch cụ thể từng bước nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh; xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhân viên làm nghiệp vụ xuất nhập khẩu, công tác thị trường, marketing theo hướng chuyên nghiệp; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nắm bắt, khai thác thông tin thị trường, đàm phán, ký kết thực hiện hợp đồng, xử lý tranh chấp thương mại quốc tế