Phụ nữ nông thôn đồng bằng sông Cửu Long cần được hỗ trợ về việc làm
Thiếu việc làm dẫn tới ly hương
Đồng bằng sông Cửu Long đang đối mặt với nhiều nguy cơ từ biến đổi khí hậu, việc thu hồi đất nông nghiệp phục vụ mục đích khác... Xu hướng đó kéo theo nhiều hệ lụy ảnh hưởng tới đời sống, việc làm của người dân khu vực nông nghiệp nông thôn, đặc biệt là đối với lao động nữ.
Thêm vào đó, trình độ khoa học công nghệ ngày càng phát triển nên yêu cầu số lượng lao động ít hơn, đồng thời đòi hỏi chất lượng lao động cao hơn. Đây là một thách thức lớn với lao động nữ nông thôn.
Nghiên cứu về thực trạng và cơ hội việc làm cho phụ nữ nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long của IPSARD thực hiện với hỗ trợ của chương trình Aus4Reform cho biết tỷ lệ lao động nữ ở đồng bằng sông Cửu Long thiếu việc là 2,84% và thất nghiệp là 3,57%.
Trong khi đó, để tìm việc làm phi nông nghiệp đối với phụ nữ nông thôn đồng bằng sông Cửu Long vẫn rất khó khăn, vì làng nghề kém phát triển do không có thị trường đầu ra, cạnh tranh gay gắt.
Trong thời gian qua, hàng loạt các chính sách về đào tạo và việc làm cho lao động nữ đồng bằng sông Cửu Long đã được ban hành, cũng có nhiều chương trình đào tạo nghề cho nữ lao động nhưng chưa linh hoạt, đào tạo cho phụ nữ chủ yếu ngắn hạn, tập trung vào các nghề phụ nữ thường làm hàng ngày như trang điểm, cắm hoa, nấu ăn… Kết quả là lao động nữ vẫn khó tìm việc.
“Nhìn chung, tỷ lệ thất nghiệp, khả năng tiếp cận nguồn lực sản xuất, cơ hội đào tạo để chuyển đổi nghề nghiệp của lao động nữ đồng bằng sông Cửu Long vẫn thấp toàn diện so với mặt bằng chung của cả nước”, bà Trần Thị Thanh Nhàn, đại diện IPSARD cho biết.
Ly hương vẫn khó khăn
Tình trạng thiếu việc làm, không có khả năng tiếp cận cơ hội nghề nghiệp khiến phụ nữ nông thôn đồng bằng sông Cửu Long phải ly hương tìm sinh kế. Tuy nhiên, khi ly hương làm việc, phụ nữ gặp nhiều rủi ro và khó khăn như không bảo hiểm xã hội, không có chế độ khám sức khỏe định kỳ, thậm chí có con nhỏ cũng khó tìm nơi gửi trẻ…
Có một thực tế là với những lao động nữ làm việc trong các doanh nghiệp dệt may hay chế biến thủy sản, khi đã quá tuổi 35 cũng không trụ nổi với công việc kéo dài nhiều giờ trong phòng lạnh hay ngồi nhiều giờ bên máy may… Họ trở về quê khi đã quá tuổi 35, về rồi trở lại làm nông nghiệp cũng khó vì không có kinh nghiệm, cũng không có kỹ năng nghề để làm các nghề khác…
“Nhiều phụ nữ sau 35 tuổi không còn được làm việc trong các công ty xí nghiệp, các chị về địa phương phải làm những nghề tự do để kiếm sống, cuộc sống vất vả do thu nhập không ổn định”, bà Nguyễn Thị Kim Hương, Trưởng ban Kinh tế, Hội Phụ nữ tỉnh Sóc Trăng, cho biết.
“Có xã có tới 400 chị đi tìm việc làm ngoài địa phương, nhưng ở ngay trong xã lúc vào vụ không tìm nổi người làm”, bà Nguyễn Thị Kiều Oanh, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bến Tre, cho biết.
Tỷ trọng lao động làm công ăn lương khu vực phi nông nghiệp tại đồng bằng sông Cửu Long (%) |
Để giải quyết vấn đề trên một cách căn cơ và mang tính dài hạn, các đại biểu khuyến nghị cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách hỗ trợ việc làm cho lao động nữ, có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp khu vực đồng bằng sông Cửu Long sử dụng nhiều lao động nữ hơn.
Đặc biệt là, cần có chính sách ưu tiên cho vay vốn giải quyết việc làm đối với các dự án tạo nhiều việc làm cho lao động nữ nông thôn từ Quỹ quốc gia về việc làm.
Đồng thời, cần nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề gắn với tạo việc làm; nâng cao kiến thức số, đào tạo kỹ thuật tiên tiến cho phụ nữ và trẻ em gái. Việc đào tạo kỹ thuật phải có mục tiêu cụ thể nhằm tăng cường cơ hội việc làm trong tương lai.