Quảng Ninh hướng tới không tiền mặt với dịch vụ công
Ngành Ngân hàng rất nỗ lực trong kết nối dữ liệu, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt Đổi mới nhận thức và hành động về thanh toán không dùng tiền mặt Thanh toán không dùng tiền mặt “bội thu” |
Thói quen người dân dần thay đổi
9 giờ sáng, Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều người dân tới làm các thủ tục hành chính. Người ra, người vào nhộp nhịp, nhưng tại quầy thanh toán phí dịch vụ, không còn cảnh người dân xếp hàng chờ đợi. Giờ đây, việc thanh toán đã trở nên thuận tiện hơn khi chỉ mất vài chục giây với chiếc điện thoại di động thông minh quét QR Code đã được đặt trên bàn là có thể hoàn thành giao dịch.
Trong lúc ngồi chờ tới lượt làm hộ chiếu, bác Nguyễn Văn Hạnh (71 tuổi) chia sẻ với chúng tôi, đã từ lâu bác không còn thói quen mang nhiều tiền mặt trong người, nhất là khi đến làm các dịch vụ tại trung tâm hành chính công. Thay vào đó, chỉ cần chưa tới một phút, bác thực hiện quét mã và thanh toán nhanh chóng.
“Giờ đây, mọi việc đã trở nên đơn giản khi tôi sử dụng app điện tử của ngân hàng. Ngay cả tiền điện, nước ngày trước phải chờ nhân viên đến thu, hiện tại đều được trừ tự động hàng tháng; vé tàu, xe, máy bay tôi cũng có thể mua qua ứng dụng của ngân hàng, vô cùng tiện lợi. Điều này mang lại trải nghiệm mới cho người dùng như chúng tôi, đặc biệt là an toàn, nhanh chóng”, bác Hạnh cho biết.
Bác Nguyễn Văn Hạnh sử dụng thanh toán qua mã QR tại quầy thu phí |
Không chỉ bác Hạnh, theo quan sát của phóng viên, người dân tới trung tâm làm dịch vụ công đã không còn trả tiền mặt. Những người dân chưa thành thạo việc thao tác thanh toán qua mã QR được nhân viên của trung tâm hướng dẫn, tư vấn nhiệt tình.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Linh - Phó Giám đốc Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Quảng Ninh, cho biết chuyển đổi số, trong đó có hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt là một chủ trương lớn mà Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đang nỗ lực triển khai thực hiện. Sau một thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thói quen thanh toán đối với các dịch vụ công, đặc biệt là các dịch vụ hành chính công, của người dân đang dần có những thay đổi lớn, trở thành đòn bẩy quan trọng thúc đẩy nhanh hoạt động cải cách thủ tục hành chính.
Theo bà Linh, năm 2023, Trung tâm đã đề ra mục tiêu phấn đấu 70% số tiền phí, lệ phí giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và 40% phí, lệ phí giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính tại các Trung tâm Hành chính công cấp huyện được thanh toán bằng phương thức không dùng tiền mặt.
Hướng tới mục tiêu trên, Trung tâm Phục vụ hành chính công các cấp đã phối hợp với ngành Ngân hàng triển khai đồng bộ, quyết liệt các cơ chế, chính sách về thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển mạnh hệ sinh thái số với các sản phẩm, dịch vụ, phương thức thanh toán mới, an toàn, tiện lợi, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp như: quét QR-Code, thanh toán di động, quẹt thẻ máy POS, ví điện tử, hướng dẫn cài đặt và sử dụng ứng dụng Mobile Money.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Linh - Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Quảng Ninh, trả lời phỏng vấn Thời báo Ngân hàng. |
Kết quả, trong quý I/2023, thông qua hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã thu gần 2,2 tỷ đồng phí, lệ phí giải quyết thủ tục hành chính (đạt 75,9%), các Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp huyện đã thu gần 2,1 tỷ đồng tiền phí, lệ phí giải quyết thủ tục hành chính (đạt 91,6%), đều vượt chỉ tiêu đề ra.
Ông Thái Mạnh Cường - Phó Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Quảng Ninh, cho biết NHNN chi nhánh tỉnh đã chỉ đạo NHTM tiếp tục phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ công để đẩy mạnh hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt. Đến nay, 99,2% số thu ngân sách nhà nước, 89,6% số tiền nước, 97,5% tiền điện đã được thực hiện bằng hình thức này, cho thấy thói quen thanh toán của người dân đã dần thay đổi, là tiền đề rất tốt để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn.
Không chỉ tại Trung tâm Phục vụ hành chính công, thanh toán không dùng tiền mặt cũng đã len lỏi khắp các dịch vụ khác trong đời sống của người dân.
Ông Cường cho biết, vừa qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh phối hợp với ngân hàng trên địa bàn đã chính thức triển khai thanh toán bằng QR-Code động tại tất cả các khoa, phòng phạm vi trong bệnh viện.
QR-Code động là một trong những giải pháp thanh toán không tiền mặt với nhiều tiện ích đang được triển khai tại nhiều cơ sở dịch vụ hiện nay. Theo đó, bệnh nhân có thể thực hiện thanh toán viện phí ngay tại nơi khám bệnh, điều trị mà không phải tới quầy thu ngân của bệnh viện, rút ngắn thời gian chờ đợi từ 15-20 phút cho người bệnh khi đi khám bệnh ngoại trú, cũng như hạn chế phải đi lại nhiều lần đối với bệnh nhân đang điều trị nội trú tại các khoa phòng của bệnh viện.
Quyết tâm nói không với tiền mặt trong dịch vụ công
Nhắc tới Quảng Ninh, ngoài vai trò là cửa ngõ giao thương, trung tâm kinh tế biển của cả nước, địa phương này còn được biết tới với thành tích đáng ngưỡng mộ khi 6 năm liên tiếp giữ ngôi vị quán quân về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); 5 năm dẫn đần Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index); 4 năm dẫn đầu chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân về sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) và 2 năm dẫn đầu Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI). Để giữ vững “ngôi vương” trong cải cách thủ tục hành chính, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt được xem là khâu rất quan trọng, là xu thế tất yếu nhằm xây dựng hệ thống quản trị tài chính công hiện đại, minh bạch.
Không chỉ dịch vụ công, thanh toán không dùng tiền mặt đã len lỏi tới từng hộ kinh doanh tại Quảng Ninh |
Bà Linh cho biết, thanh toán không dùng tiền mặt đã giúp Trung tâm Phục vụ hành chính công các cấp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đơn giản hóa thủ tục, nâng cao tỷ lệ hồ sơ trực tuyến; giảm chi phí quản lý, kiểm đếm, in ấn đơn/phiếu; tiết kiệm chi phí, nhân lực, giúp quản trị hiệu quả; đồng thời góp phần đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi số thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền số.
Bên cạnh đó, thanh toán không dùng tiền mặt đã giúp cho tổ chức, doanh nghiệp, người dân thanh toán phí, lệ phí có thể được thực hiện ở mọi lúc, mọi nơi, chính xác số tiền cần thanh toán, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, bà Linh thẳng thắn nhìn nhận việc triển khai các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt với các dịch vụ hành chính công trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: Đa số người dân vẫn giữ thói quen sử dụng tiền mặt, có tâm lý e dè khi sử dụng thẻ ngân hàng trong các giao dịch thanh toán; Việc đào tạo, bồi dưỡng công dân điện tử, kết nối giữa chính quyền - người dân và doanh nghiệp qua mạng còn nhiều khó khăn do số lượng người dân am hiểu và sử dụng thiết bị công nghệ số chủ yếu là ở giới trẻ và tập trung ở khu vực thành thị, trong khi phần lớn người dân được hưởng dịch vụ công, an sinh xã hội là người cao tuổi, người cần trợ cấp thất nghiệp thường không am hiểu và sử dụng chưa thành thạo các ứng dụng công nghệ số, gây khó khăn cho việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt…
Những tuyến phố không dùng tiền mặt đã không còn xa lạ |
Theo bà Linh, trong thời gian tới, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền hoàn thiện hành lang pháp lý để tạo thuận lợi cho các hoạt động chuyển đổi số và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt đáp ứng yêu cầu thực tiễn, cùng với đó có các giải pháp hỗ trợ miễn phí, giảm phí dịch vụ khi người dân, doanh nghiệp thanh toán phí, lệ phí giải quyết thủ tục hành chính bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, giảm hạn mức duy trì thẻ, giảm thao tác trong thực hiện thanh toán, tăng hạn mức thanh toán đối với các khoản thanh toán trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.