Quyết liệt các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc
Ngành Ngân hàng Vĩnh Phúc: Đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó | |
Vĩnh Phúc đối thoại với doanh nghiệp để khắc phục khó khăn bởi dịch Covid-19 |
Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn và ông Lê Duy Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc đồng chủ trì hội nghị; Tham gia hội nghị có đại diện lãnh đạo các vụ, cục chức năng thuộc NHNN và các sở, ngành, TCTD, hiệp hội, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Lãnh đạo NHNN và lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc chủ trì hội nghị |
Kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn đánh giá, dịch bệnh Covid-19 đã tác động tiêu cực lên mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Nhờ sự chỉ đạo kịp thời quyết liệt của Đảng và Chính phủ, với hệ thống chính sách mạnh mẽ của các Bộ, ngành và địa phương nên công tác phòng chống dịch và hỗ trợ sản xuất, kinh doanh đã đạt được những kết quả tích cực, tạo được lòng tin trong nhân dân.
Đối với ngành Ngân hàng, nhận thức rõ khó khăn của người dân và doanh nghiệp, ngay sau khi Chính phủ công bố dịch, NHNN đã chủ động nắm bắt, dự báo tình hình, xây dựng kịch bản và chương trình hành động của ngành, chỉ đạo các TCTD triển khai các giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ khách hàng vay vốn.
Chia sẻ về các giải pháp thời gian qua, Phó Thống đốc cho biết, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, hiệu quả, góp phần ổn định vĩ mô; chủ động xây dựng nhiều kịch bản điều hành lãi suất, tỷ giá, ngoại tệ để ứng phó với diễn biến, tác động của thị trường quốc tế và trong nước. Đặc biệt, NHNN đã điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành tạo cơ sở cho các TCTD giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng. Đây là bước đi rất kịp thời, phù hợp để hỗ trợ nền kinh tế.
Về tín dụng được điều hành theo hướng tập trung vốn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tăng trưởng, chủ động điều hòa lượng tiền cung ứng, đảm bảo thanh khoản cho nền kinh tế, tăng cường cho vay với lãi suất thấp đối với các lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là các lĩnh vực thiết yếu, các ngành nghề bị ảnh hưởng nặng bởi dịch.
NHNN đã ban hành Thông tư 01 và Chỉ thị 02 vào đầu tháng 3/2020 tạo khuôn khổ pháp lý để các TCTD triển khai việc gia hạn các khoản nợ gốc và lãi đến hạn, miễn giảm lãi, phí và tiếp tục cho vay mới đối với những dự án, doanh nghiệp cần vốn để duy trì và phục hồi ngay trong thời điểm cao trào chống dịch.
Cùng với đó, NHNN đã cho vay tái cấp vốn 16.000 tỷ đồng để Ngân hàng Chính sách xã hội có nguồn vốn cho doanh nghiệp vay trả lương người lao động bị ngừng việc với lãi suất 0%, không cần tài sản bảo đảm theo đúng tinh thần Nghị quyết 42 của Chính phủ và Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ.
Báo cáo cụ thể hơn kết quả tình hình triển khai Thông tư 01, ông Nguyễn Xuân Bắc - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, sau 2 tháng triển khai quyết liệt, tất cả các TCTD, kể cả công ty tài chính, ngân hàng nước ngoài đều vào cuộc mạnh mẽ. Đến nay, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 215 nghìn khách hàng với dư nợ 138 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 320 nghìn khách hàng với dư nợ gần 1,13 triệu tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt trên 659 nghìn tỷ đồng cho hơn 188 nghìn khách hàng, lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5 - 2,5% so với trước dịch.
Riêng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, các TCTD đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 371 khách hàng với dư nợ 917 tỷ đồng; miễn, giảm lãi vay cho 1.215 khách hàng với dư nợ 2.584 tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi cho 9.465 khách hàng với doanh số cho vay kể từ ngày 23/01/2020 là 11.825 tỷ đồng.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả tích cực, vẫn còn một số người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, chưa hoặc còn chậm trong tiếp cận các chính sách về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, cho vay mới. Do vậy, NHNN đã xây dựng chương trình công tác của Ban lãnh đạo, tổ chức hội nghị tại các địa phương trong đó có tỉnh Vĩnh Phúc. Hội nghị nhằm nắm bắt tình hình triển khai các chính sách hỗ trợ của ngành Ngân hàng, kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh để các chính sách hỗ trợ khắc phục khó khăn và phục hồi kinh tế sau dịch của ngành Ngân hàng phát huy hiệu quả hơn nữa.
Đồng bộ các giải pháp hỗ trợ
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe các báo cáo của đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước, các TCTD, các hiệp hội và doanh nghiệp chia sẻ về kết quả triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp nói chung và trên địa bàn cũng như những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tiếp cận các chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi tại các TCTD để cùng nhau tháo gỡ.
Ông Nguyễn Văn Viện - Giám đốc Công ty Trường Nguyện cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh ảnh hưởng, doanh nghiệp đã được ngân hàng VietinBank và BIDV có những biện pháp hết sức tích cực và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp.
Đánh giá cao sự nỗ lực của ngành Ngân hàng, ông Lê Duy Thành - Phó Bí thư thường trực, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh và tập trung tháo gỡ khó khăn, phát triển kinh tế, NHNN là một trong những cơ quan cấp bộ vào cuộc sớm nhất thông qua việc ban hành Thông tư 01 kịp thời với nhiều giải pháp từ cơ cấu lại nợ, giãn nợ, tiết giảm chi phí, cải cách thủ tục hành chính giúp doanh nghiệp, địa phương tháo gỡ khó khăn. Song song với đó, hệ thống ngân hàng đặc biệt là ngân hàng trung ương rất sát sao trong việc kiểm tra giám sát, đối thoại doanh nghiệp, tìm hiểu khó khăn.
Để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, Phó Thống đốc Đoàn Thái Sơn yêu cầu các TCTD trên địa bàn tiếp tục quyết liệt triển khai có hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng theo chỉ đạo của Thống đốc tại Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 03/01/2020, Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 12/3/2020, Chỉ thị 02/CT-NHNN ngày 31/3/2020 theo hướng chia sẻ tối đa khó khăn với người dân, doanh nghiệp trước, trong và sau khi dịch kết thúc; Chủ động cân đối vốn để đầu tư các dự án hiệu quả, có khả năng phục hồi ngay sau khi dịch kết thúc.
Các chi nhánh, phòng giao dịch cần sát sao hơn trong triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng; kịp thời phản ánh với NHNN về các khó khăn, vướng mắc, đề xuất kiến nghị liên quan đến cơ chế chính sách của ngành Ngân hàng trong quá trình triển khai của TCTD.
Đối với NHNN chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc, Phó Thống đốc yêu cầu phải thường xuyên làm việc với các sở, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp trên địa bàn để nắm bắt, chủ động xử lý các kiến nghị đối với hoạt động ngân hàng; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo NHNN, UBND tỉnh để được xem xét xử lý theo quy định.
Để ngành Ngân hàng trên cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng có thể triển khai hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn, Phó Thống đốc mong muốn, lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp phối hợp chặt chẽ với ngành Ngân hàng trong triển khai các chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để cùng tháo gỡ khó khăn trong các lĩnh vực đất đai, thuế, cơ sở hạ tầng... khi tiếp cận vay vốn ngân hàng; tiếp tục hỗ trợ các TCTD trên địa bàn trong xử lý tài sản bảo đảm, xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42/2017/QH14.
Phó Thống đốc cũng đề nghị, các hiệp hội doanh nghiệp phối hợp hướng dẫn, tuyên truyền, giải thích các chính sách hỗ trợ, sự đồng hành, chia sẻ của ngành Ngân hàng để doanh nghiệp thành viên nắm bắt, tiếp cận thuận lợi. Về phía các doanh nghiệp, cần tăng cường năng lực quản trị điều hành, tái cấu trúc hoạt động, xây dựng phương án chuyển đổi sản xuất kinh doanh hiệu quả, phù hợp với thực tế làm cơ sở để các TCTD thẩm định cho vay.