Triển khai quyết liệt các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang
Quyết liệt các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc | |
Tháo gỡ khó khăn để dòng vốn lưu thông |
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú chủ trì Hội nghị |
Tham dự Hội nghị có ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang; ông Lê Văn Nưng - Ủy viên Ban thường vụ - Phó chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành An Giang cùng lãnh đạo các vụ, cục chức năng thuộc NHNN, NHNN chi nhánh An Giang, các tổ chức tín dụng (TCTD), đại diện lãnh đạo các hiệp hội và doanh nghiệp trên địa bàn.
Ngành Ngân hàng chủ động vào cuộc, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã tác động đến mọi mặt kinh tế, xã hội, đời sống của người dân. Ngay sau khi bắt đầu có dịch, ngành Ngân hàng đã chủ động nắm bắt, dự báo tình hình, triển khai các giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Theo đó, NHNN đã kịp thời ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN (Thông tư 01) và Chỉ thị 02/CT-NHNN (Chỉ thị 02) vào đầu tháng 3/2020 để các TCTD triển khai việc gia hạn các khoản nợ gốc và lãi đến hạn, miễn giảm lãi, phí và tiếp tục cho vay mới đối với những dự án, doanh nghiệp (DN) cần vốn để duy trì và phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang phát biểu tại hội nghị |
Bên cạnh đó, NHNN đã chỉ đạo các TCTD phát triển mạnh các dịch vụ thanh toán trực tuyến, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, tạo điều kiện thuận lợi phục vụ sinh hoạt của người dân trong giai đoạn giãn cách xã hội; miễn, giảm phí thanh toán nhằm hỗ trợ người dân, DN trên quy mô lớn, với số tiền trên 1 nghìn tỷ đồng. Cho vay tái cấp vốn 16 nghìn tỷ đồng từ NHNN để NHCSXH có nguồn vốn cho vay đơn vị để trả lương cho người lao động bị ngừng việc với lãi suất 0%, không cần tài sản bảo đảm...
Sau gần 2 tháng triển khai quyết liệt, tất cả các TCTD, kể cả công ty tài chính, ngân hàng nước ngoài đều vào cuộc mạnh mẽ, thể hiện tinh thần chia sẻ, tháo gỡ, tạo điều kiện cho khách hàng vượt qua và khôi phục sản xuất kinh doanh, thông qua các giải pháp rất hữu hiệu, thiết thực như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ để tháo gỡ khó khăn cho những khách hàng đang có dư nợ tại TCTD, tích cực triển khai các chương trình, gói sản phẩm tín dụng ưu đãi lãi suất thấp hơn lãi suất thông thường tạo điều kiện cho khách hàng có thêm nguồn vốn khôi phục sản xuất kinh doanh,... bước đầu đã phản ánh những cố gắng của toàn ngành Ngân hàng cùng đồng lòng chung sức với người dân, doanh nghiệp, với Chính phủ và các bộ, ngành trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.
Kết quả sau 2 tháng triển khai quyết liệt, tất cả các TCTD, kể cả công ty tài chính, ngân hàng nước ngoài đều vào cuộc mạnh mẽ, đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 215 nghìn khách hàng với dư nợ 138 nghìn tỷ đồng, miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 320 nghìn khách hàng với dư nợ gần 1,13 triệu tỷ đồng, cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt trên 659 nghìn tỷ đồng cho hơn 188 nghìn khách hàng, lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5–2,5% so với trước dịch.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu chỉ đạo Hội nghị |
Riêng trên địa bàn tỉnh An Giang, các TCTD đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 1.542 khách hàng với dư nợ gần 743 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 8.200 khách hàng với dư nợ trên 3.300 tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt trên 12.400 tỷ đồng cho hơn gần 20 nghìn khách hàng.
An Giang nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), là một trong những tỉnh có thế mạnh về lúa gạo, thủy sản, cây ăn trái của cả vùng, có quy mô tín dụng đạt trên 71.200 tỷ đồng, đứng thứ 4 khu vực (sau Cần Thơ, Kiên Giang và Long An), tuy nhiên trước tác động của dịch bệnh, hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn gặp nhiều khó khăn, tín dụng ngân hàng đến cuối tháng 4 giảm 1,86%, là một trong hai tỉnh có tốc độc tăng trưởng tín dụng âm khu vực ĐBSCL.
“Vì vậy, trên tinh thần đồng hành, chia sẻ có trách nhiệm giữa ngân hàng và doanh nghiệp, ngày hôm nay, NHNN phối hợp với UBND tỉnh An Giang tổ chức Hội nghị Kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do dịch Covid-19, với mục tiêu là đẩy mạnh triển khai các chính sách, các giải pháp hỗ trợ rất trực tiếp của ngành Ngân hàng, tăng khả năng tiếp cận vốn khôi phục sản xuất kinh doanh cho người dân, doanh nghiệp” – Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú chia sẻ tại Hội nghị.
Đánh giá cao sự nỗ lực của ngành Ngân hàng, ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết: “Trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh và tập trung tháo gỡ khó khăn, phát triển kinh tế, NHNN là một trong những cơ quan cấp bộ vào cuộc sớm nhất thông qua việc ban hành Thông tư 01 kịp thời với nhiều giải pháp từ cơ cấu lại nợ, giãn nợ, tiết giảm chi phí, cải cách thủ tục hành chính giúp doanh nghiệp, địa phương tháo gỡ khó khăn. Song song với đó, hệ thống ngân hàng đặc biệt là ngân hàng trung ương rất sát sao trong việc kiểm tra giám sát, đối thoại doanh nghiệp, tìm hiểu khó khăn”.
Tiếp tục lắng nghe các kiến nghị liên quan đến cơ chế chính sách
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe các báo cáo của đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước, các TCTD, các hiệp hội và doanh nghiệp chia sẻ về kết quả triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp nói chung và trên địa bàn thành phố An Giang. Các ý kiến phát biểu tại hội nghị đều ghi nhận và đánh giá cao sự hỗ trợ kịp thời của ngành Ngân hàng đã giúp các DN vượt qua khó khăn do dịch bệnh gây ra và phục hồi trong giai đoạn sau dịch.
“Trong suốt quá trình hoạt động, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn nhất đối với các công ty du lịch khi dịch bệnh bùng phát, chúng tôi luôn nhận được sự đồng hành, chia sẻ từ phía ngân hàng BIDV chi nhánh An Giang” - bà Nguyễn Thị Mỹ Linh, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Du lịch Việt Xanh cho biết: “Ngân hàng đã hỗ trợ giảm lãi suất cho vay và giảm các phí giao dịch trực tuyến. Sự hợp tác, hỗ trợ của ngân hàng theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thống đốc NHNN rất kịp thời và phù hợp, đáp ứng mong muốn của doanh nghiệp”.
Đại diện doanh nghiệp phát biểu tại Hội nghị |
Bên cạnh kết quả tích cực, vẫn còn một số người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, còn chậm trong tiếp cận các chính sách về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, cho vay mới. Do vậy, NHNN đã xây dựng chương trình công tác của Ban lãnh đạo NHNN làm việc tại các địa phương, đợt này sẽ làm tại 14 tỉnh, thành phố để nắm bắt tình hình triển khai các chính sách hỗ trợ của ngành Ngân hàng, kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh để các chính sách hỗ trợ khắc phục khó khăn và phục hồi kinh tế sau dịch của ngành Ngân hàng phát huy hiệu quả hơn nữa.
Còn theo ông Nguyễn Thanh Việt - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh An Giang, việc giảm lãi suất cho vay và gia hạn nợ của ngân hàng trên địa bàn thời gian qua còn chậm do các chi nhánh ngân hàng thương mại (NHTM) phải xin ý kiến Hội sở. Để chính sách giảm lãi và gia hạn nợ được triển khai kịp thời hỗ trợ DN, ông Việt đề xuất NHNN cần hỗ trợ các NHTM trong việc phân loại DN, khoản vay, ngành nghề đặc thù để các ngân hàng thuận lợi hơn trong từng đối tượng DN bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Một số ý kiến phản ánh những vướng mắc về thủ tục chứng minh thiệt hại do dịch bệnh cũng như việc phân loại các loại hình DN để hỗ trợ phù hợp và kịp thời. Tiếp thu các kiến nghị này, đại diện các NHTM lớn tại An Giang cũng đã giải đáp và tháo gỡ trực tiếp một số khó khăn vướng mắc mà các DN gặp phải khi tiếp cận các gói vay ưu đãi hoặc làm hồ sơ xin giảm lãi suất, gia hạn nợ đối với các khoản vay cũ phát sinh trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát.
Ghi nhận các ý kiến đóng góp, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh, hoạt động của hệ thống ngân hàng trong giai đoạn hiện nay phải chủ động, tích cực hỗ trợ nền kinh tế với tinh thần “đồng hành - chia sẻ - trách nhiệm”, đặc biệt phải xử lý dứt điểm các vướng mắc, khó khăn trong triển khai Thông tư 01.
Đồng bộ các giải pháp hỗ trợ
Để các giải pháp của ngành Ngân hàng được triển khai kịp thời, hiệu quả hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú yêu cầu các đơn vị vụ, cục NHNN trong giai đoạn tới cần tập trung làm tốt các nhiệm vụ: Rà soát, tham mưu Ban Lãnh đạo NHNN sửa đổi, bổ sung hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách, quy định pháp luật về hoạt động ngân hàng gây cản trở, vướng mắc, khó khăn cho sản xuất kinh doanh; tạo điều kiện cho các TCTD hoạt động phù hợp với điều kiện thực tế, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế kịp thời ứng phó, giảm thiểu tác động của dịch Covid-19; Đẩy mạnh triển khai các giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, các chương trình miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán điện tử; Khẩn trương phối hợp bộ, ngành, địa phương triển khai các nhiệm vụ được giao của NHNN tại Nghị quyết 42 ngày 9/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Chủ động cân đối vốn để đầu tư các dự án hiệu quả, có khả năng phục hồi ngay sau khi dịch kết thúc.
Các chi nhánh, phòng giao dịch cần sát sao hơn trong triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng; kịp thời phản ánh với NHNN về các khó khăn, vướng mắc, đề xuất kiến nghị liên quan đến cơ chế chính sách của ngành Ngân hàng trong quá trình triển khai của TCTD.
Toàn cảnh Hội nghị |
Đối với NHNN chi nhánh tỉnh An Giang, Phó Thống đốc yêu cầu phải thường xuyên làm việc với các sở, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp trên địa bàn để nắm bắt, chủ động xử lý các kiến nghị đối với hoạt động ngân hàng; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo NHNN, UBND tỉnh để được xem xét xử lý theo quy định. Để ngành Ngân hàng trên cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh An Giang nói riêng có thể triển khai hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn, Phó Thống đốc mong muốn, lãnh đạo UBND tỉnh An Giang chỉ đạo các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp phối hợp chặt chẽ với ngành Ngân hàng trong triển khai các chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để cùng tháo gỡ khó khăn trong các lĩnh vực đất đai, thuế, cơ sở hạ tầng... khi tiếp cận vay vốn ngân hàng; tiếp tục hỗ trợ các TCTD trên địa bàn trong xử lý tài sản bảo đảm, xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42/2017/QH14.
Tuy nhiên, Phó Thống đốc cũng lưu ý, chia sẻ khó khăn với DN nhưng trên tinh thần không hạ chuẩn cho vay, đảm bảo an toàn hệ thống, chủ động cân đối vốn để đầu tư các dự án hiệu quả, có khả năng phục hồi ngay sau khi dịch kết thúc; Tổ chức thanh tra, kiểm tra, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các chi nhánh TCTD trên địa bàn không chấp hành, chậm xử lý, cố tình gây khó khăn, phiền hà, thiếu trách nhiệm trong triển khai theo đúng chủ trương của ngành, quy định và chỉ đạo của NHNN. Các chi nhánh, phòng giao dịch của các TCTD cần sát sao hơn trong triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng; Xử lý nghiêm các lãnh đạo và cán bộ nghiệp vụ triển khai chậm, cố tình gây khó khăn, phiền hà, thiếu trách nhiệm; Kịp thời phản ánh với NHNN về các khó khăn, vướng mắc, đề xuất kiến nghị liên quan đến cơ chế chính sách của ngành Ngân hàng trong quá trình triển khai của TCTD.
Phó Thống đốc cũng đề nghị, các hiệp hội doanh nghiệp phối hợp hướng dẫn, tuyên truyền, giải thích các chính sách hỗ trợ, sự đồng hành, chia sẻ của ngành Ngân hàng để doanh nghiệp thành viên nắm bắt, tiếp cận thuận lợi. Về phía các doanh nghiệp, cần tăng cường năng lực quản trị điều hành, tái cấu trúc hoạt động, xây dựng phương án chuyển đổi sản xuất kinh doanh hiệu quả, phù hợp với thực tế làm cơ sở để các TCTD thẩm định cho vay.