Sản phẩm Make in Vietnam thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và ảnh hưởng của Covid-19 trên toàn thế giới, doanh nghiệp công nghệ số đóng vai trò quan trọng cho quá trình phát triển kinh tế số nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung.
Mặc dù đại dịch bùng phát mạnh trong năm 2021 nhưng doanh thu của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đạt trên 135 tỷ USD, tăng trưởng gần 10%. Đã có nhiều hơn các sản phẩm số Việt Nam tiêu biểu, hướng vào việc giải các bài toán Việt Nam, đã có nhiều hơn số sản phẩm ra nước ngoài, thứ hạng Việt Nam về công nghệ số đã tăng lên.
Đó là nền tảng thương mại điện tử Vỏ Sò, app Viettel Post - các nền tảng Make in Vietnam do Viettel Post tạo ra, đang từng bước chinh phục người Việt trong và ngoài nước.
Tại lễ công bố và trao Giải thưởng "Sản phẩm công nghệ số Make in Vietnam" năm 2021 do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức, sàn thương mại điện tử Vỏ Sò của Viettel Post vinh dự nhận Giải Vàng hạng mục Nền tảng số xuất sắc.
Viettel Post và Vỏ Sò tiếp tục đồng hành cùng người nông dân nâng tầm nông sản Việt |
Kể từ khi ra đời (năm 2019), để tìm chỗ đứng trên thị trường, Vỏ Sò lựa chọn lối đi riêng, trở thành sàn thương mại điện tử của sản vật Việt, phát huy thế mạnh về nông nghiệp, nâng tầm nông sản Việt, đưa sản phẩm nông nghiệp Việt Nam vươn ra thế giới.
Sau 2 năm ra đời, từ con số 0 lên đến 18 triệu khách hàng sử dụng. Năm 2021, Vỏ Sò đã đưa 2,5 triệu hộ sản xuất nông nghiệp, thậm chí cả những hộ tại vùng sâu, vùng xa tiếp cận thương mại điện tử. Đây là tín hiệu vui cho thấy bà con vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số có kênh bán hàng bền vững, trực tiếp từ người bán đến người dùng…
Không dừng ở tiêu thụ sản vật trong nước, Viettel Post tham vọng đưa nông sản Việt chinh phục thị trường quốc tế qua nền tảng thương mại điện tử Vỏ Sò. Tháng 6/2021, với sự hỗ trợ của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), Viettel Post đã xuất khẩu thí điểm thành công hơn 4 tấn vải thiều Bắc Giang sang thị trường châu Âu. Đây là lần đầu tiên Việt Nam thực hiện xuất khẩu theo phương thức thương mại điện tử xuyên biên giới trên nền tảng thương mại điện tử Make in Vietnam.
Bên cạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, Vỏ Sò tích cực cùng Viettel Post tham gia giải quyết các “bài toán” của xã hội. Ngay trong giai đoạn dịch bệnh diễn ra căng thẳng tại các tỉnh thành phía Nam, Vỏ Sò triển khai hình thức đi chợ hộ, bán hàng theo gói combo với mức giá bình ổn nhằm nhanh chóng giải quyết tình trạng ùn ứ nông sản tại các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh cũng như đáp ứng nhu cầu hàng hoá thiết yếu tới các tỉnh, thành.
Tổng giám đốc Viettel Post Trần Trung Hưng cho rằng, con tàu chuyển đổi số quốc gia sẽ đi nhanh hơn khi các doanh nghiệp tự mình xây dựng các nền tảng công nghệ Make in Vietnam giải quyết nội tại của chính doanh nghiệp mình và giải các bài toán của người Việt Nam.
Hay như Wifi Mesh của VNPT là thiết bị giúp tạo lập mạng Wifi, tăng tính kết nối liền mạch. Phiên bản đầu tiên iGate EW12S ra mắt năm 2020 được đánh giá cao về độ ổn định và diện tích phủ sóng rộng. Đến năm nay, thiết bị có thêm bản nâng cấp EW12SX tích hợp 2 cổng LAN/WAN 1Ge, đáp ứng mọi gói cước Internet. Thiết bị có thể chạy trên 2 băng tần 2.4GHz và 5GHz. Sản phẩm thu hút người dùng trong đại dịch do nhu cầu kết nối lớn, nhiều người cùng học và làm việc trên mạng cùng lúc. Một bộ từ 2-3 Wifi Mesh có thể tạo lập vùng phủ sóng lên đến 600 m2. Đây cũng là một trong 4 sản phẩm Make in Vietnam xuất sắc 2021 được trao giải tại Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số lần này.
Thực tế đã chứng minh việc phát triển và đẩy mạnh chuyển đổi số là yêu cầu cấp thiết, không chỉ giúp cho các doanh nghiệp khởi nghiệp giành lợi thế mà còn là giải pháp cho các tổ chức, doanh nghiệp và mô hình truyền thống tiếp tục tồn tại và phát triển. Các doanh nghiệp công nghệ số đồng thời cũng là động lực giúp cho những doanh nghiệp khác tại Việt Nam có nền tảng và động lực để thay đổi cũng như đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, nhanh chóng đưa ngành công nghiệp ICT trở thành trụ cột của nền kinh tế số, đóng góp chủ lực vào GDP quốc gia.
Chuyển đổi số tạo ra dữ liệu như một loại đất đai mới, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng kêu gọi các doanh nghiệp công nghệ số nhận lấy trách nhiệm phát triển các nền tảng chuyển đổi số quốc gia. Các nền tảng số quốc gia sẽ được nêu tên và được giao cho từng doanh nghiệp. Nhận phát triển các nền tảng số này là nhận sứ mệnh quốc gia bởi vì các nền tảng này chính là hạ tầng của nền kinh tế số, và không chỉ vậy, chúng còn giữ lại Việt Nam tài nguyên dữ liệu của người Việt Nam.
Việt Nam đã sẵn sàng cho sự phát triển số mạnh mẽ. Trong tiến trình này, cần thêm cú hích là Chính phủ hoàn thiện thể chế số, hợp pháp hóa các tài sản số, sản phẩm, dịch vụ số và được pháp luật bảo vệ.
"Chuyển đổi số tạo ra dữ liệu như một loại đất đai mới và kêu gọi doanh nghiệp nhận trách nhiệm phát triển các nền tảng chuyển đổi số quốc gia", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết thêm.
Khẳng định chuyển đổi số là xu thế tất yếu của thế giới, là yêu cầu khách quan của sự phát triển, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Chuyển đổi số cần cách tiếp cận toàn cầu, không thể làm một mình mà phải hợp tác và học hỏi các quốc gia, các đối tác, bạn bè quốc tế.
Bên cạnh đó, chuyển đổi số tác động tới tất cả mọi người dân, nên cần cách tiếp cận toàn dân, lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, mục tiêu và là động lực. Chính sách chuyển đổi số phải hướng đến người dân và doanh nghiệp. Người dân và doanh nghiệp phải tích cực, chủ động tham gia hiệu quả vào quá trình chuyển đổi số, trên tinh thần “hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro.
Chuyển đổi số phải tham gia vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu, phát triển bền vững. Chuyển đổi số phải tham gia vào quá trình phòng chống dịch Covid-19 và khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội; góp phần vào thích ứng, chống biến đổi khí hậu; khắc phục sự cạn kiệt tài nguyên… Đặc biệt, chuyển đổi số phải khắc phục già hóa dân số.