Sẵn sàng nguồn vốn cho doanh nghiệp, người dân
Ngành Ngân hàng Hòa Bình: Triển khai hiệu quả các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp | |
Tận dụng tối đa các cơ hội hỗ trợ doanh nghiệp | |
Quyết liệt hỗ trợ, nhưng phải đảm bảo an toàn |
Đồng hành gỡ khó cho doanh nghiệp
Thông tin tại hội nghị, bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, trước tác động của dịch bệnh, NHNN đã triển khai nhiều giải pháp về tiền tệ, tỷ giá, lãi suất, tín dụng… nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay bị ảnh hưởng bởi dịch. Đặc biệt NHNN đã kịp thời ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN làm cơ sở để các TCTD thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ để hỗ trợ khách hàng.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Lê Quang Tiến chủ trì hội nghị |
Kết quả sau hơn 2 tháng triển khai quyết liệt, đến nay tất cả các TCTD, kể cả công ty tài chính, ngân hàng nước ngoài đều vào cuộc mạnh mẽ, đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho hơn 223 nghìn khách hàng với dư nợ hơn 151 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 320 nghìn khách hàng với dư nợ trên 1,14 triệu tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt trên 767 nghìn tỷ đồng cho hơn 196 nghìn khách hàng, lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5 - 2,5% so với trước dịch. Bên cạnh đó, Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đã thực hiện gia hạn nợ cho hơn 150 nghìn khách hàng với dư nợ hơn 3.800 tỷ đồng, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ cho hơn 75 nghìn khách hàng với dư nợ gần 1.600 tỷ đồng, cho vay mới đối với hơn 680 nghìn khách hàng với dư nợ hơn 25 nghìn tỷ đồng.
Riêng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, Phó giám đốc NHNN tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Đình Chi cho biết, tính luỹ kế từ ngày 23/1 đến ngày 20/5/2020, các TCTD trên địa bàn đã miễn giảm lãi suất cho 1.610 khách hàng với tổng dư nợ là 1.663.302 tỷ đồng, số lãi được miễn giảm là 1.320 triệu đồng; cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 494 khách hàng với tổng dư nợ là 3.323 tỷ đồng; cho vay mới với lãi suất ưu đãi là 11.535 tỷ đồng cho 4.720 khách hàng…
Phó Thống đốc yêu cầu các TCTD trên địa bàn cần sát sao hơn trong triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng... |
Nhìn chung các ý kiến tại hội nghị đều ghi nhận sự vào cuộc quyết liệt của ngành Ngân hàng trong việc tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ người dân, DN trên địa bàn tỉnh khôi phục, ổn định sản xuất. Đặc biệt ông Nguyễn Văn Thời - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên đánh giá cao Thông tư 01/2020/TT-NHNN là “rất ngắn gọn, nhưng đã toát lên đầy đủ tinh thần đồng hành, hỗ trợ của ngân hàng với DN”. “Ngành Ngân hàng đã luôn đồng hành và tạo mọi điều kiện hỗ trợ cho cộng đồng DN tỉnh phát triển: phân loại DN theo từng nhóm để có chính sách hỗ trợ kịp thời (giãn nợ, giảm lãi vay, giảm phí…). Rất nhiều DN tiếp cận được sự hỗ trợ từ phía ngân hàng để duy trì sản xuất kinh doanh”, ông Thời chia sẻ.
Đặc biệt, việc cơ cấu lại nợ, giảm lãi và phí, giữ nguyên nhóm nợ là điều mà DN rất trông chờ và mong muốn. Theo đó, các ngân hàng hầu hết đã chủ động kéo dài thời gian trả nợ, trước đây là 6 tháng giờ được kéo dài ra 8 tháng, kết hợp giảm lãi, phí. Tuy nhiên ông Thời cũng bày tỏ mong muốn các ngân hàng tiếp tục quan tâm nhiều hơn tới các đối tượng DN nhỏ, DN siêu nhỏ bởi đây là những đối tượng bị tổn thương nhiều nhất vì dịch bệnh.
Ông Nguyễn Việt Thắng - Phó Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư và Phát triển TDT hoạt động trong lĩnh vực may mặc cũng ghi nhận, từ cuối năm 2019 đến đầu tháng 3/2020, các DN may mặc gặp rất nhiều khó khăn trong việc sản xuất do nguồn cung từ phía Trung Quốc bị gián đoạn khi quốc gia này bùng phát dịch Covid-19. Tới giữa tháng 3, khi Trung Quốc có sự hồi phục lại thì dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát ở châu Âu, Mỹ dẫn đến khủng hoảng về cầu. Thời điểm đó DN dù có nguyên, phụ liệu cũng không dám sản xuất, bởi các khách hàng đồng thời giãn thời gian giao hàng và giãn thời gian thanh toán từ 30 lên 60 ngày, thậm chí 90 ngày gây rất nhiều khó khăn cho DN. “Chính trong giai đoạn khó khăn này, DN chúng tôi đã rất may mắn khi có sự đồng hành, hỗ trợ kịp thời của hệ thống ngân hàng. Các khoản nợ đến hạn của chúng tôi được giãn thời hạn trả nợ tới 90 ngày, lãi suất cũng được giảm 0,5%, phí giảm khoảng 20-25%... Chính nhờ hỗ trợ này mà công ty có thêm nguồn lực duy trì sản xuất, trả lương cho cán bộ, công nhân viên”, ông Thắng bày tỏ.
Quang cảnh hội nghị |
Nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh
Trao đổi về một số vướng mắc liên quan tới Thông tư 01, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thái Nguyên Đỗ Trọng Hiệp cho rằng, du lịch là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19. Vì vậy Hiệp hội Du lịch Thái Nguyên kiến nghị NHNN có thể nghiên cứu và xem xét có thêm chính sách hỗ trợ đối với một số lĩnh vực đặc thù như du lịch để hỗ trợ toàn diện hơn cho DN.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Quang Tiến trân trọng cảm ơn sự hỗ trợ của ngành Ngân hàng đã cùng với địa phương đưa ra nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho DN và người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19 thời gian qua. Tuy nhiên để có thể đạt được những kết quả tích cực hơn trong thời gian tới rất cần sự chung sức, đồng hành của cộng đồng DN, doanh nhân cùng với địa phương để vượt qua thách thức. Đặc biệt cần tăng cường hoạt động kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, bởi theo ông Tiến “một trong những điều các DN tâm đắc chính là việc được thường xuyên đối thoại, thường xuyên nắm bắt thông tin và lắng nghe”.
Chia sẻ thêm về các giải pháp hỗ trợ của NHNN, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, DN muốn hoạt động tốt thì phải được hoạt động trong môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường kinh doanh tốt. Chính vì vậy, ngành Ngân hàng với sự chỉ đạo quyết liệt của Thống đốc NHNN đã theo dõi rất sát, và đưa ra các kịch bản điều hành để có thể ứng phó ngay với những diễn biến thị trường tài chính quốc tế, kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. NHNN cũng chú trọng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông qua tích cực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và luôn sẵn sàng nguồn vốn cho các DN, người dân có đủ điều kiện vay vốn.
Giải đáp những khúc mắc của DN xung quanh vấn đề nguồn vốn, Phó Thống đốc cho biết thêm, hiện thanh khoản của hệ thống ngân hàng đang dồi dào. Tuy nhiên tín dụng có tăng trưởng cao hay không còn phụ thuộc vào khả năng hấp thụ của DN; phụ thuộc vào việc DN có đáp ứng được điều kiện tín dụng để được vay hay không. Bản chất nguồn tiền mà các TCTD cho vay được huy động từ dân cư và các TCTD phải đảm bảo trả lãi cho người dân, đặc biệt là phải đảm bảo an toàn nguồn vốn. Bởi vậy Thống đốc NHNN cũng nhiều lần nhấn mạnh chủ trương là không hạ chuẩn cho vay. “Hệ thống TCTD là trung gian tài chính, nếu một TCTD mất khả năng chi trả thì sẽ gây ảnh hưởng lan truyền tới toàn hệ thống, tác động tới nền kinh tế và khi đó thì chính DN sẽ còn gặp nhiều khó khăn hơn”, Phó Thống đốc cho hay.
Để các giải pháp của ngành Ngân hàng tiếp tục được triển khai kịp thời, hiệu quả, hỗ trợ tích cực cho DN và nền kinh tế, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đề nghị Vụ Tín dụng các ngành kinh tế là đơn vị đầu mối tổng hợp những kiến nghị của đại biểu liên quan đến cơ chế, chính sách của ngành Ngân hàng để đề xuất Ban Lãnh đạo NHNN xem xét, sửa đổi, bổ sung phù hợp. Phó Thống đốc cũng giao NHNN chi nhánh tỉnh Thái Nguyên cùng các TCTD trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho người dân và DN. Đồng thời tổng hợp các kiến nghị vượt thẩm quyền báo cáo các đơn vị chức năng của NHNN để tham mưu xử lý. Với các TCTD trên địa bàn, Phó Thống đốc yêu cầu cần sát sao hơn trong triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng; đồng thời xử lý nghiêm các lãnh đạo và cán bộ nghiệp vụ triển khai chậm, cố tình gây khó khăn, phiền hà, thiếu trách nhiệm…