Sôi động làn sóng thoái vốn
Vì sao khối ngoại thoái vốn ở một số doanh nghiệp? | |
Ngân sách hụt thu vì thoái vốn chậm | |
Hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa và thoái vốn – nhiệm vụ khó khả thi |
“Đại gia” ồ ạt chuyển nhượng
Đầu tháng 1/2021, Tập đoàn Hòa Phát ra thông báo sẽ chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại 10 đơn vị thành viên, bao gồm cả các DN trong lĩnh vực thép xây dựng và mảng nội thất. Việc thoái vốn tại các công ty con được Hòa Phát giải thích: Các DN thành viên này trước đây chủ yếu được hình thành mang tính chất thủ công, sử dụng nhiều lao động phổ thông, hiện nay không còn phù hợp với mô hình sản xuất quy mô lớn của tập đoàn này nữa.
Sau khi thoái vốn tại 10 đơn vị thành viên, Hòa Phát sẽ tập trung tái cơ cấu mô hình tổ chức, chỉ còn 4 đơn vị trực thuộc là Tổng công ty Gang Thép, Tổng công ty Ống thép Tôn mạ màu, Tổng công ty Phát triển nông nghiệp và Tổng công ty Phát triển bất động sản.
Nhiều tập đoàn lớn đang đẩy mạnh thoái vốn để tập trung vào các lĩnh vực cốt lõi |
Cùng thời điểm này, 3 đại gia khác trong các lĩnh vực nông nghiệp, bất động sản là Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) Agrico, DIC Crop và Đức Long Gia Lai cũng đồng loạt thoái vốn tại các công ty con và công ty liên kết. Theo đó, HAGL Agrico sau khi chuyển nhượng thành công đơn vị thành viên là An Đông Mia cho Công ty cổ phần nông nghiệp Trường Hải (Thadi), DN này tiếp tục chuyển nhượng cho Thadi 3 đơn vị thành viên khác là Công ty cao su Hoàng Anh Quang Minh, Công ty Bò sữa Tây Nguyên và Công ty cổ phần Hoàng Anh Đắk Lắk.
Trong khi DIC Crop nhượng toàn bộ vốn góp trên 3.000 tỷ đồng tại hai công ty con là Đại Phước Thiên Minh và Đại Phước Thiên An. Còn Đức Long Gia Lai vì “sa lầy” trong các khoản nợ lũy kế nên đã phải chuyển nhượng toàn bộ 100% vốn góp tại Công ty TNHH Nông nghiệp Đức Long Gia Lai và Công ty TNHH MTV Nông trại cao nguyên Quảng Phú 1.
Theo các chuyên gia kinh tế, chuyển nhượng vốn ở nhóm các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn trong nước sôi động là một tín hiệu dịch chuyển tích cực của trào lưu tái cấu trúc tài chính sau nhiều tháng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Hoạt động tái cấu trúc ở các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn đang kích thích mạnh đối với thị trường mua bán sáp nhập (M&A), đồng thời thúc đẩy quá trình thoái vốn, cổ phần hóa các DNNN trong cùng lĩnh vực, ngành nghề.
Ông Phan Lê Thành Long - Giám đốc Viện Kế toán quản trị công chứng Australia tại Việt Nam cho rằng, việc sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn trong giai đoạn vừa qua đã khiến biên lợi nhuận của nhiều DN lớn sụt giảm nghiêm trọng. Việc quá phụ thuộc vào doanh số bán hàng và tính ổn định của thị trường để tạo ra dòng tiền khiến các DN phải gia tăng đội ngũ nhân sự, tăng các đợt khuyến mại và giảm giá. Điều này khiến lợi nhuận biên ngày càng co hẹp. Để thoát ra khỏi vòng xoáy đi xuống nhiều DN chọn lựa giải pháp bán bớt các công ty con và công ty liên kết để tập trung vào các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi. Từ đó tái cấu trúc và đa dạng hóa sản phẩm.
M&A để tái cấu trúc
Nhóm nghiên cứu tại Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng, việc hàng loạt các DN lớn tham gia bán vốn ở các công ty con, công ty liên kết sẽ thúc đẩy mạnh mẽ thị trường mua bán, chuyển nhượng. Theo đó, trong năm 2021 hàng loạt các thương vụ thoái vốn để tái cấu trúc tài chính DN sẽ được thực hiện ở cả nhóm DN tư nhân và nhóm DNNN có cùng ngành nghề.
Ghi nhận đến thời điểm hiện tại, Tập đoàn Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) đã lên kế hoạch thoái hết toàn bộ vốn tại 8 công ty con, chỉ giữ lại 4 đơn vị chính là Thủy điện Hủa Na, Dầu khí Nhơn Trạch 2, Kỹ thuật Điện lực Dầu khí Việt Nam và Năng lượng tái tạo Điện lực Dầu khí. Tập đoàn Cơ điện lạnh (REE) hiện cũng đã bán nốt phần vốn sở hữu lại Công ty cổ phần Nhiệt Điện Phả Lại và Địa ốc Sài Gòn; trong năm nay sẽ tiếp tục bán nốt phần vốn tại Công ty cổ phần Hạ tầng bất động sản Việt Nam.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong tháng 2 tới đây cũng sẽ bán 49% vốn điều lệ của Tổng công ty Phát điện 2 (EVNGENCO 2). Trong khi đó, Tập đoàn Viettel cũng sẽ tiếp tục thoái vốn tại 3 DN thành viên là Tư vấn Viettel, Công trình Vietel và Viettel Post. Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cũng kiên trì với việc thoái vốn và IPO các DN lớn như Vocarimex và Afiex…
Theo nhận định của Viện nghiên cứu Đầu tư và Mua bán sáp nhập – CMAC Institute, trong năm 2021 với tác động của dịch Covid-19, hoạt động M&A trên phạm vi toàn cầu sẽ có sự thay đổi khá lớn về cách thức và mục tiêu luân chuyển của dòng vốn trong các thương vụ. Việc phải tạm dừng các thương vụ M&A đã đàm phán trong năm 2019-2020 khiến nhiều tập đoàn kinh tế lớn rơi vào khó khăn. Những điều này khiến cho xu hướng chính của M&A trong năm 2021 là tập trung vào các thương vụ mang tính chất “sống còn”, mua đứt bán đoạn để tập trung tái cấu trúc và hồi phục các chỉ số tài chính.
Ở góc độ thị trường, ông Warrick Cleine - Tổng giám đốc KPMG Việt Nam cho rằng mặc dù các dự báo M&A từ nay đến giữa năm 2021 vẫn sẽ tiếp tục tích cực và sôi động. Tuy nhiên, do tín hiệu tài chính tiêu cực nhiều hơn ở phía các bên bán vốn nên đầu vào cho mô hình định giá và kết quả định giá sẽ thấp hơn so với trước đây. Theo đó các bên bán sẽ phải chấp nhận mức giá thấp hơn so với kỳ vọng và bên mua có cơ hội mua DN với giá rẻ hơn so với giai đoạn trước dịch Covid-19.