Sôi động thanh toán số tại “cửa ngõ” giao thương
Đổi mới nhận thức và hành động về thanh toán không dùng tiền mặt Thanh toán không dùng tiền mặt “bội thu” Quảng Ninh hướng tới không tiền mặt với dịch vụ công |
Đi chợ ở Móng Cái: Đã có QR lo!
Nơi đây quy tụ hàng nghìn hộ kinh doanh, trong đó có cả người Việt, người Hoa bởi chỉ cần đi qua cây cầu Ka Long vắt qua sông Ka Long sẽ là nước láng giềng Trung Quốc.
Khi vừa bước chân tới chợ, điều ấn tượng đầu tiên với đoàn đó chính là tấm biển chạy chữ “Chợ công nghệ 4.0 – thanh toán không dùng tiền mặt”. Chia sẻ về mô hình mới này, ông Nguyễn Đức Tuân – Đội trưởng quản lý chợ Trung tâm Móng Cái cho biết, cả chợ có 872 quầy hàng thì 100% đều đã có mã QR thanh toán. Ban quản lý chợ cùng đại diện các NHTM trên địa bàn đi tới từng quầy hàng, vận động từng tiểu thương làm quen với phương thức thanh toán mới. Hiện mô hình này cũng đã được nhân rộng ra cả với chợ 2, chợ 3 và một số chợ khác ở thành phố Móng Cái. Nhờ đó, việc giao thương, buôn bán trở nên thuận tiện hơn rất nhiều, khách du lịch đến với chợ mua sắm cũng không cần nhiều tiền mặt trong người, vừa đảm bảo an toàn, vừa giao dịch nhanh chóng, thuận tiện.
“Một trong những điều kiện để có thể thanh toán qua thiết bị di động là phải có wifi. Hiểu được điều này, ban quản lý đã tiến hành lắp wifi miễn phí, đảm bảo 2.500 người có thể truy cập cùng một lúc để hỗ trợ bà con tiểu thương cũng như người dân mua hàng có thể thanh toán qua điện thoại di động”, ông Tuân chia sẻ.
Hoạt động buôn bán tại chợ của người dân trở nên thuận tiện hơn với thanh toán không dùng tiền mặt |
Ghi nhận tại chợ, các mã thanh toán được dán đồng loạt tại đầu các quầy hàng – nơi dễ nhìn thấy nhất. Các tiểu thương lẫn người mua hàng ai nấy đều tỏ ra hào hứng với hình thức thanh toán hiện đại, dễ sử dụng. Vui vẻ giới thiệu về mã QR thanh toán của cửa hàng mình, bà Phạm Thị Yến - chủ quầy hàng 241 cho biết: “Kể từ khi sử dụng hình thức thanh toán mới, tôi cảm thấy rất tiện lợi, tiểu thương chúng tôi không phải đau đầu đổi tiền lẻ trả lại cho khách, không sợ khách trả thiếu tiền, tiền rách, tiền giả… còn khách hàng đến mua cũng thanh toán nhanh chóng, lúc đông khách không cần xếp hàng chờ thanh toán nên hầu như 90% khách hàng tới đây đều đã quét mã trả tiền”.
Để có thể vận động người dân thay đổi thói quen thanh toán khi trao đổi, mua bán hàng hoá, ông Nguyễn Quang Hưng - Giám đốc VietinBank Móng Cái chia sẻ, nhân viên ngân hàng đã “đi từng ngõ, gõ cửa từng cửa hàng” để hỗ trợ, hướng dẫn người dân hiểu được sự tiện lợi, an toàn của các hình thức thanh toán số. Chính quyền các phường, xã, ban quản lý chợ cũng rất nhiệt tình cùng ngân hàng phối hợp trong việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM). Nhờ tổ chức các chiến dịch phủ mã QR trên diện rộng, hiện chi nhánh đã cấp trên 2.000 mã thanh toán QR; cấp ipay ở trạng thái hoạt động cho 21.974 khách hàng.
Không chỉ tới từng hộ kinh doanh, các ngân hàng trên địa bàn còn tích cực hỗ trợ người dân trong suốt quá trình sử dụng dịch vụ thanh toán bằng nhiều cách khác nhau. Là một ngân hàng triển khai tốt dịch vụ TTKDTM trên địa bàn, ông Hoàng Thanh Tùng – Giám đốc phòng giao dịch Trà Cổ BIDV Móng Cái chia sẻ, tại các biển mã thanh toán QR, ngân hàng đã ghi lại thông tin liên hệ của nhân viên ngân hàng, sẵn sàng hỗ trợ 24/7 khi khách hàng cần, thay vì để khách hàng gọi lên tổng đài...
Phát huy vai trò của tổ công nghệ số cộng đồng
Theo ông Thái Mạnh Cường - Phó Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Quảng Ninh, để có thể thay đổi thói quen thanh toán của người dân, không chỉ cần nỗ lực của ngành Ngân hàng mà còn là sự chung tay của các sở ngành trên địa bàn. Theo đó, NHNN chi nhánh đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 97/KH-UBND về việc triển khai đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025. Từ đó, UBND tỉnh cũng chỉ đạo các sở, ngành địa phương đẩy mạnh hoạt động này. Riêng NHNN chi nhánh tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các NHTM trên địa bàn phát triển hệ thống thanh toán hiện đại, tiện ích, đem lại thuận tiện cho người sử dụng. Từ hai yếu tố đó, kết quả TTKDTM của tỉnh nói chung trong thời gian qua đã có bước chuyển biến đầy tích cực. Hiện có khoảng 2,8 triệu tài khoản mở tại các ngân hàng, trong 6 tháng đầu năm 2023, số lượng giao dịch TTKDTM tăng 51,7% và 25,1% về giá trị so với cuối năm 2022.
Hiện nay toàn bộ 13 địa phương trong tỉnh Quảng Ninh đều đã áp dụng mô hình chợ 4.0 với các chợ trung tâm và chợ hạng I. Đi chợ không dùng tiền mặt đã trở thành thói quen của nhiều người. Các tiểu thương cũng tích cực làm quen cách thức thanh toán hiện đại, thuận tiện này. Ông Cường nhận định, đây là mô hình rất tốt, không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho việc buôn bán của tiểu thương, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, hướng tới kinh tế số; mà còn giúp khách thăm quan, du lịch khi đến với Quảng Ninh sẽ cảm nhận được một địa phương đang ngày càng văn minh, hiện đại với những dịch vụ thuận tiện, an toàn.
Hiện nay, hình thức thanh toán phổ biến nhất tại các chợ là thanh toán qua mã phản hồi nhanh – QR Code, chỉ cần với chiếc điện thoại thông minh, khách hàng đã có thể ngay lập tức thanh toán khi mua hàng. Các NHTM trên địa bàn đã tích cực thực hiện các chiến dịch phủ kín mã QR đối với các chợ trung tâm và cả các chợ vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, với những nơi mà mạng lưới ngân hàng chưa vươn tới, ông Cường cho biết, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị viễn thông đẩy mạnh các dịch vụ thanh toán qua Mobile Money, giúp người dân nào cũng có thể tiếp cận dịch vụ thanh toán số.
Trong thời gian tới, NHNN tiếp tục chỉ đạo NHTM triển khai các dịch vụ ngân hàng hiện đại để đáp ứng nhu cầu thanh toán của khách hàng, phối hợp với các cơ quan chức năng đảm bảo an toàn, bảo mật trong hoạt động thanh toán. Đặc biệt, nhận định thay đổi thói quen, nhận thức của người dùng là yếu tố rất quan trọng, NHNN chi nhánh tỉnh tích cực đẩy mạnh công tác truyền thông để có thể đem lợi ích của việc TTKDTM tới mỗi người dân, doanh nghiệp. Ông Cường chia sẻ, một trong những mô hình rất hay đang được triển khai trên địa bàn tỉnh đó là tổ công nghệ số cộng đồng, tới từng khu phố để hỗ trợ và hướng dẫn người dân tiếp cận kỹ năng số và sử dụng các dịch vụ công trực tuyến cơ bản. NHNN đã ngay lập tức chỉ đạo các NHTM tham gia tổ này để có thể đưa dịch vụ ngân hàng số tới gần hơn với người dân. Hiện tại toàn tỉnh có hơn 1.400 tổ công nghệ số cộng đồng với hơn 11.000 thành viên, trong đó các cán bộ ngân hàng đã tích cực tham gia.
Theo Kế hoạch số 97/KH-UBND đến cuối năm 2025, Quảng Ninh phấn đấu tỷ lệ cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện TTKDTM qua các kênh thanh toán điện tử đạt 50%. Để đạt được những mục tiêu trên, theo ông Cường cần thêm rất nhiều những nỗ lực, cố gắng từ tất cả các bên, cùng hướng tới một xã hội không tiền mặt theo chủ trương của Chính phủ.