Sớm thích ứng với các quy định mới từ EU
Bộ Công thương cho biết, thời gian qua, EU đã ban hành nhiều chính sách điều chỉnh, quy định mới liên quan tới hàng hóa nhập khẩu vào thị trường này. Do đó để giữ được thị phần đòi hỏi các doanh nghiệp xuất nhập khẩu phải nắm vững.
Nội dung đáng chú ý là EU ban hành quy trình mới về nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài. Theo đó, từ ngày 3/6/2024, tất cả doanh nghiệp có liên quan tới hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam vào EU đều phải khai báo dữ liệu trước khi hàng đến trên Hệ thống Kiểm soát hàng hóa nhập khẩu (ICS2). Các hãng vận tải đường biển, đường thủy nội địa, đường bộ và đường sắt cần cung cấp dữ liệu về hàng hóa được gửi đến hoặc qua EU trước khi hàng đến.
Theo ông Nguyễn Thành Hưng, Tổ trưởng Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế thì nếu các bên giao dịch chưa chuẩn bị sẵn sàng và không cung cấp dữ liệu theo yêu cầu của ICS2, hàng hóa sẽ bị dừng ở biên giới EU và không được thông quan.
Việc nắm vững các thay đổi về quy định nhập khẩu vào EU là rất quan trọng |
Nếu hàng hóa bị kiểm tra tại cửa khẩu và trả về ngay thủ tục sẽ không phức tạp, nhưng trong trường hợp hàng nhập khẩu vào thị trường cả năm mới thu hồi và trả về thì thủ tục tái nhập vào Việt Nam rất phức tạp, doanh nghiệp sẽ chịu rất nhiều khó khăn. Hơn nữa, sản phẩm xuất khẩu mà bị thu hồi và phải đăng tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông chắc chắn ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh hàng hóa của Việt Nam vốn đã khó khăn để xây dựng uy tín.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần chú ý đến Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), EU thí điểm áp dụng giai đoạn chuyển tiếp từ ngày 1/10 năm nay và thực hiện đầy đủ từ năm 2026. Lý do là bởi, EU đang triển khai kế hoạch nhằm đạt được mục tiêu trở thành lục địa trung hòa khí carbon vào năm 2050. Lãnh đạo Liên minh châu Âu có lý do để lo rằng, các doanh nghiệp EU có thể chuyển những hoạt động sản xuất phát thải nhiều carbon ra nước ngoài để tranh thủ các tiêu chuẩn còn lỏng lẻo, hay còn được hiểu là “rò rỉ carbon” bằng cách chuyển lượng khí thải ra ngoài châu Âu, điều này có thể làm suy yếu nghiêm trọng tham vọng trung hòa khí hậu của EU và toàn cầu.
Thị trường này cũng đề ra nhiều tiêu chuẩn khắt khe và khó tính, nhất là các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, dư lượng thuốc trừ sâu, phân bón, tiêu chuẩn xã hội... Đơn cử, gạo không dùng chất tạo màu, tạo mùi, bảo quản, tẩy trắng… Ngưỡng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong gạo là dưới 0,01mg/kg và các nhà nhập khẩu và nhà quản lý EU sẽ thường xuyên kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm. Việc thu hồi gạo trên thị trường nếu vi phạm và tái xuất về Việt Nam là bắt buộc, nếu để tiêu hủy tại chỗ sẽ còn tốn kém cho doanh nghiệp hơn cả đưa hàng về như đã nêu ở trên.
Bộ Công thương đã chỉ đạo các Thương vụ khu vực châu Âu đẩy mạnh công tác nghiên cứu phát triển thị trường. Cơ quan đầu ngành công thương yêu cầu nhanh chóng cập nhật chính sách mới của nước sở tại để tham mưu cho Bộ và Chính phủ các phản ứng chính sách phù hợp cho doanh nghiệp. Đồng thời, Bộ đã chỉ đạo Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ và các Thương vụ thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu chuyên sâu thị trường, cập nhật, phổ biến thông tin thị trường cho các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp; hỗ trợ nâng cao năng lực của doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam đảm bảo sự thích nghi với thị trường và xu hướng phát triển…
Theo các chuyên gia, cơ quan quản lý cần sớm có động thái điều chỉnh cơ chế, chính sách, thu hút đầu tư của Việt Nam để thích nghi với các xu hướng chính sách thương mại của EU, nhất là trong bối cảnh khu vực kinh tế này đang ngày càng chú trọng tới phát triển xanh, giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng sạch, kinh tế tuần hoàn.
Theo thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU, các mặt hàng như đồ gỗ, sao su, cà phê, ca cao... và các sản phẩm bắt nguồn từ da, giấy,… phải đáp ứng quy định deforestation của EU. Kể từ ngày 31/12/2025, những sản phẩm này xuất khẩu vào EU được yêu cầu phải có các giấy chứng nhận sản phẩm không liên quan đến phá rừng và suy thoái rừng kèm theo. Ngoài ra, cơ chế đầu tư, quản lý và cấp chứng chỉ carbon của Việt Nam cho các mặt hàng thép, xi măng, sắt, phân bón vào EU nhằm thích ứng với quy định CBAM của EU dự kiến thực thi từ năm 2026 cũng rất quan trọng.
Về phía các doanh nghiệp, cần không ngừng đổi mới sản xuất, đảm bảo tiêu chí về môi trường và xã hội, xây dựng chuỗi cung ứng bền vững và tăng cường khả năng truy xuất nguồn gốc… chính là cơ sở để duy trì sự hiện diện tại thị trường EU. Song với đó, cần đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa ngành hàng để giảm bớt sự phụ thuộc vào các thị trường/ngành hàng truyền thống như Mỹ hay EU. Các doanh nghiệp xuất khẩu có thể tìm đến và phát triển các thị trường ngách khu vực Bắc Âu, Đông Âu, Mỹ La Tinh. Quy mô có thể nhỏ hơn so với EU nhưng đang có tốc độ tăng trưởng cao và vẫn có dư địa để khai thác. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần nắm bắt thời cơ thông qua sự phục hồi từ thị trường khu vực ASEAN và một số nước châu Á để tăng cường khả năng xuất khẩu trong thời gian sớm nhất.