Sông nước miền Tây mùa bông súng
Kích cầu du lịch miền Tây | |
Miền Tây vắng mùa nước nổi |
Dầm mình trong nước lấy bông súng |
Khấm khá nhờ bông súng
Tôi đã đi nhiều vùng quê, có thể nói đó là những chuyến “phượt đồng” tuyệt diệu để tìm hiểu nét đặc sắc vùng quê dân dã. Tôi cũng có những chuyến “phượt” miền Tây Nam bộ, đến nhiều tỉnh như Long An, Cần Thơ, An Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long… và thấy cuộc sống thật gần gũi. Người dân đối xử với nhau ân cần, hiền hòa và mến khách bởi chất hào phóng nơi này. Vào mùa cá linh - cá lên theo nước - nhiều người dân đã thu được thành quả lớn bằng việc đánh bắt. Nhưng thu nhập từ bông súng cũng không phải ít và có những người chuyên ngụp trong đầm, ruộng nước để lấy bông súng bán cho thương lái.
Xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành (Tiền Giang) là vùng trồng bông súng. Qua tìm hiểu tôi biết được rằng, bông súng có hai kiểu sinh trưởng, một là do người dân trồng, chăm sóc nên sẽ có thân mập hơn; hai là súng mọc hoang, người ta gọi là “súng ma”, thân nhỏ và dài. Ở xã Tam Hiệp, gần 20 năm trước đã có những người dân chuyển từ cấy lúa sang trồng bông súng, cho thu nhập cao hơn.
Như hộ gia đình ông Nguyễn Minh Toàn, Nguyễn Minh Hợp, Huỳnh Thư… ở ấp 7, Nguyễn Đãng ở ấp 6. Có hộ chuyển gần như hoàn toàn công ruộng của gia đình, hộ ít 1,5ha, hộ nhiều thì 2ha. Từ đó bông súng có thể phát triển, trổ hoa và cho thu nhập quanh năm, nhưng nhiều nhất vẫn là từ đầu mùa hè đến sát tết Dương lịch. Điển hình như gia đình ông Nguyễn Đình Toàn, mỗi ngày cung cấp ra thị trường hơn 100 kg bông súng, thu về từ 400 đến 800 nghìn đồng.
Ông Toàn cho hay: “Bông súng là một loại rau đồng miền Tây quen thuộc. Bông súng thường góp mặt trong nhiều món ăn của miền Tây như bông súng mắm kho, canh chua bông súng, bông súng chấm cá kho, gỏi bông súng… Với tôi các món ăn ấy món nào cũng ngon mê mẩn”.
Bông súng cũng có thể làm rau sống, bóp xổi, xào, luộc, làm lẩu, muối chua… Bông súng trở thành nét văn hóa ẩm thực, dân dã nhưng làm nổi bật vẻ đẹp của đời sống người dân trong vùng.
Cũng theo ông Toàn, bông súng cho thu nhập cao hơn nhiều so trồng lúa. Ngoài ra, khi trồng súng trong đầm, ao nhà còn có thể nuôi thêm tôm, cá, tăng thu nhập. Còn ông Nguyễn Minh Hợp rất biết ơn bông súng, bởi từ đó mà đời sống của gia đình ông đã khá giả hơn. Ông Hợp chia sẻ: “Chuyển đổi cây trồng đầu tiên phải là ông Toàn. Từ đó một số hộ làm theo. Trước đây cuộc sống của gia đình tôi và nhiều hộ dân khác rất khó khăn vì trồng lúa có năm thất bát hoặc thu nhập ít ỏi. Nhờ làm thêm bông súng nên đã đỡ hơn rất nhiều, con cái được học hành tử tế hơn. Chịu khó gắn bó với đầm, ruộng và chăm sóc thì cây phát triển tốt lắm. Đúng là bông súng không phụ lòng người”.
Với những hộ dân không trồng súng, thì họ đến các kênh, rạch để lấy bông súng ma đem bán. Đó là một nghề nhiều người chọn mưu sinh, ngụp lặn trong nước để lấy bông. Như hôm chúng tôi về xã Bình Thạnh, thị xã Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) gặp những người dân chăm chỉ mưu sinh đen nhẻm, tóc cháy sém. Vào mùa lấy bông, người dân dậy từ rất sớm để mưu sinh. Bình Thạnh là xã nằm sát biên giới nước bạn Campuchia. Người dân thường đeo đèn pin lên trán để lấy bông súng từ 3 giờ sáng để 6 giờ kịp cân cho thương lái. Dù công việc này vất vả nhưng là mơ ước của người dân nghèo nơi biên giới. Bởi với công việc ấy, họ không cần phải tốn kém tiền bạc đầu tư mua sắm dụng cụ. Chỉ cần chiếc thuyền ba lá nhỏ là có thể hành nghề.
Ông Cao Văn Ất thậm chí còn không dùng thuyền mà di chuyển bằng xe máy. Ông chở vợ rong ruổi đến các kênh nhiều bông súng, lấy bông rồi tức khắc có thương lái trên bờ nhìn thấy, xuống cân, hoặc vợ ông mang đặt ở lề đường quốc lộ bán lẻ. Ông Ất bảo, cuộc sống mỗi người mỗi khác, nghèo nên phải nay đây mai đó, nhưng cũng tiện khi mà cả gia đình bám vào công việc mưu sinh khá nhọc nhằn nhưng cũng vui vẻ này. Tôi hỏi ông vì sao vui? Ông Ất lạc quan: “Vui vì đồng nước mênh mông bát ngát này, dân chúng tôi đến “lấy hàng”, rồi bán luôn cho người ta, thu tiền về để đong gạo, mua sắm đồ dùng, thức ăn khác. Rất tiện lợi!”.
Bình thường, cọng bông súng trồng dài từ 2 đến 2,5m, nhưng là bông súng mọc hoang, thường rất dài, từ 3 đến 5m. Bông súng nhổ xong sẽ được cắt thành khúc, rửa sạch và bán.
Thương hiệu của vùng
Ở tỉnh Long An, bông súng cũng là một thương hiệu. Nhiều ao, đầm, kênh mương mọc đầy bông súng. Nhưng ở huyện Mộc Hóa và thị xã Kiến Tường, bông súng đẹp tuyệt vời. Người nông dân cho biết, có thể do chất đất, nước nơi đây đã khiến bông súng rất to, cọng bông súng dài, mập hơn những nơi khác. Hoa mà trắng thì trắng như bông. Tím thì tím đến kiệt cùng.
Nhiều bạn trẻ đã có những trải nghiệm của mình trên mênh mang sông nước, những cánh đồng hoa súng. Hành trang đôi khi rất đơn giản, chỉ cần một chiếc xe máy, một chiếc máy ảnh, sức khỏe ổn định là có thể rong ruổi trên những cánh đồng hoa, chụp ảnh. Dân phượt cũng có thể đi theo người dân thu hoạch súng. Chắc chắn sẽ có được nhiều bức ảnh đẹp và độc đáo về mùa hoa súng. Ở mỗi địa phương, chúng ta không chỉ chụp được ảnh đẹp mà còn có thể tìm hiểu thêm chuyện mưu sinh của người nông dân, trải nghiệm công việc đánh bắt cá của họ, nướng cá uống rượu.
Để có những bức ảnh ấn tượng, dân săn ảnh còn chuẩn bị thêm các thiết bị kích sáng, giúp việc chụp được đẹp hơn. Thậm chí mang theo cả người mẫu, quần áo, nón lá, khăn rằn... Dù chẳng phải một loài hoa quá cao sang, đài các, nhưng bao năm qua hoa súng vẫn là một biểu tượng đẹp của miền Tây mùa nước nổi. Nếu có dịp về miền Tây mùa này, đừng bỏ lỡ việc khám phá những cánh đồng phủ đầy sắc hồng, sắc tím của loài hoa súng.
Anh Bùi Thành Sang, người có nhiều năm gắn bó và khám phá mùa nước nổi miền Tây, chia sẻ: “Bông súng, cá linh là lộc trời ban cho cả vùng. Đặc biệt nơi đây đang thu hút nhiều bạn trẻ về du lịch. Bởi những trải nghiệm nơi đây vô cùng thú vị. Người dân hiền hòa, các món ăn ngon lại rẻ. Đặc biệt là các món lẩu cá có kèm bông điên điển, bông súng”.
Văn hóa và đời sống người dân miền Tây vẫn luôn thu hút khách du lịch và sự khám phá của dân phượt. Bởi nhu cầu khám phá của con người là vô tận và những vẻ đẹp của thiên nhiên, đời sống con người cũng là kho tàng vô tận.