Miền Tây vắng mùa nước nổi
Ba nguồn vốn hợp lại chống hạn, mặn | |
Hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại do ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn vùng ĐBSCL |
Cách đây hai năm tôi có dịp đến vùng đất An Giang, khi đó An Giang đang vào mùa nước nổi. Ngồi trên chiếc xuồng con bơi len lỏi giữa những cây tràm trong Rừng tràm Trà Sư mà bấy giờ nước đang dâng lên, tôi nghe chị hướng dẫn viên du lịch nói một câu đầy lo âu: “Năm nay nước thấp quá, nhắm chừng hai, ba năm nữa sẽ không còn mùa nước nổi nào ở xứ mình đâu em”. Tôi thẩn thờ một lúc rồi bị cuốn hẳn vào sắc xanh của bèo trôi, sắc trắng bạc của nước và chim chóc kêu râm ran trên những tán tràm. Không cố ý nhưng câu nói của chị hướng dẫn viên du lịch đã bị tôi phớt lờ đi.
Năm ngoái tôi qua cồn Tân Lộc mọc giữa sông Hậu cũng ngay mùa nước nổi. Tôi được ăn mấy món đặc sản mùa này như lẩu mắm cá linh, cá linh kho mía, gỏi bông súng, bông điên điển… Trong bữa ăn tôi cũng nghe bà con bàn chuyện mực nước năm nay thấp hơn mọi năm, miền Tây đang có nguy cơ vắng bóng những cơn lũ tràn về.
Hạn mặn ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang diễn biến phức tạp |
Quả thực năm nay nước lũ chưa về hoặc sẽ không về nữa. Nước lũ hay nước nổi cũng là một thôi, nhưng tôi thích gọi là nước nổi hơn vì những năm gần đây đồng bào miền Tây đã học cách sống chung với lũ, ở những nơi đầu nguồn sông Mekong chảy vào nước ta đã dựng nhà sàn, đắp bờ, khai thác nguồn lợi từ thiên nhiên. Vì thế mà nước lũ hiền hòa hơn suy nghĩ của người dân vùng miền khác chưa có dịp đến và trải nghiệm miền Tây.
Đến với mùa nước nổi miền Tây mới thu vào mắt hết cái vẻ đẹp của nó. Nước đã khoác lên những cánh đồng miền Tây một sắc trắng tinh khôi, từng nhịp sóng nối nhau, những căn chòi dựng cao giữa đồng, sắc bông điên điển vàng nghiêng ngả trong những chiều hoàng hôn đỏ rực… gợi thương gợi nhớ. Sống ở miền Tây, mùa nước nổi không còn xa lạ gì với tôi. Nhưng mỗi độ nước về tôi đều “thân chinh” lên tận miệt An Giang, Đồng Tháp, Long An - những nơi tiếp giáp biên giới, thượng nguồn của sông Mekong ở Việt Nam - để tìm lại một mùa nước nổi trong kí ức tuổi thơ tôi. Mùa nước nổi miền Tây không đáng sợ như cơn lũ miền Trung thương tâm năm nào cũng lăm le cuộc sống. Nước nổi mang đến cho đồng ruộng, sông ngòi phù sa dồi dào. Nước mang bao tôm cá về để dân Cửu Long khai thác. Biết bao món ăn níu giữ chân người mang đặc trưng của vùng sông nước mà phải ăn ngay dịp nước nổi tràn về, trong căn nhà sàn gỗ giữa bạt ngàn sóng nước mới thấy hết cái hồn của đất chín Rồng dân dã như: mắm cá linh, cá khô lóc nướng, lươn um, canh chua bông súng cá rô đồng, gỏi bông điên điển,… Nếu nói về ẩm thực miền Tây thì ngay trong mùa nước nổi thôi đã có một danh sách các món ăn tuyệt vời, hấp dẫn du khách bốn phương.
Từ đầu năm 2020 đến nay, nhiều nguồn tin đã dự báo rằng năm nay miền Tây vắng lũ. Những ngày nay các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang rơi vào tình trạng hạn mặn và nó sẽ còn kéo dài thêm nữa. Tôi vừa xót xa cho dân mình phải khóc ròng vì lúa trên đồng chết khô, vừa tiếc nuối một mùa nước nổi. Những dòng sông trơ đáy, con cá rô đồng không còn nước để vẫy đuôi. Mặt ruộng nứt nẻ, lúa khát thèm một giọt mưa mà trời vẫn hạn hán kéo dài, mưa chỉ còn là giấc mơ bình dị của người lao động.
Tôi nhớ ngày tôi còn bé, cũng có lần tôi với chị đi gánh nước từ dưới sông lên tưới ruộng. Những năm tôi lớn lên, mực nước đã được điều hòa, hạn mặn cũng không dữ dội như năm nay. Là người con miền Tây ai mà không khỏi hoang mang, buồn lòng khi thấy lúa chết dần chết mòn, khi những vườn trái cây trĩu nặng (có thể) sẽ không còn ra quả được nữa? Dòng sông thì khô cạn, một chiều tôi đứng trên bờ nhìn sông khô mà tự hỏi lòng rằng: dòng sông trong kí ức tuổi thơ đâu?…
Chỉ mong rằng mưa sẽ sớm rơi trên dải đất mà chúng tôi yêu thương. Chỉ mong rằng dòng Mekong sẽ sớm được khơi thông phía thượng nguồn để khi chảy về đất nước tôi nước sông sẽ lại đong đầy vẽ nên dáng hình đồng bằng tươi đẹp, trù phú.
Miền Tây ơi, cơn lũ có còn không?
Đồng bằng, tháng Ba, 2020