Sức bật cho hợp tác thương mại Việt Nam – EU
Tạo sức bật mới cho thương mại Việt Nam-EU | |
EVFTA và những thách thức cần vượt qua | |
Cùng nhau vượt qua thách thức, thực hiện thành công EVFTA |
Phải khẳng định, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 không chỉ là đòn bẩy thúc đẩy thương mại hai chiều mà còn là lợi thế ưu việt cho cộng đồng doanh nghiệp hai bên trong bối cảnh kinh tế, giao thương toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng do đại dịch Covid-19.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho hay, trao đổi thương mại hai chiều Việt Nam - EU sau 1 năm thực thi hiệp định đạt 54,87 tỷ USD, tăng 12,1% so với giai đoạn cùng kỳ, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 38,48 tỷ USD, tăng 11,3% và kim ngạch nhập khẩu đạt 16,39 tỷ USD, tăng 14,04%.
Sàn thương mại điện tử là kênh đưa nông sản Việt Nam ra thế giới |
Ông Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Bộ Công thương chia sẻ, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề do đợt dịch thứ 4 bùng phát tại vùng xuất khẩu trọng điểm phía Nam, 9 tháng năm 2021, thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và EU vẫn ghi nhận sự tăng trưởng khả quan, kể cả so với thời kỳ trước đại dịch, với kim ngạch đạt 41,3 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó xuất khẩu đạt 28,85 tỷ USD, tăng 11,7% và nhập khẩu đạt 12,4 tỷ USD, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Đáng chú ý, ngày càng nhiều doanh nghiệp tận dụng được ưu đãi từ EVFTA qua việc sử dụng chứng nhận xuất xứ (C/O) ưu đãi. Theo thống kê của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), trong năm đầu tiên thực thi hiệp định, các cơ quan, tổ chức được uỷ quyền cấp C/O mẫu EUR.1 đã cấp khoảng 207.682 chứng nhận C/O với kim ngạch đạt khoảng 7,71 tỷ USD đi 27 nước EU. Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang EU còn thực hiện tự chứng nhận xuất xứ cho 6.115 lô hàng được hưởng ưu đãi thuế quan theo EVFTA.
Đồng thời, năng lực cạnh tranh và thị phần của hàng hóa Việt cũng ngày càng được cải thiện rõ rệt tại thị trường EU. Việt Nam hiện đã vươn lên trở thành đối tác thương mại hàng hóa lớn nhất của EU trong khu vực ASEAN, với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2020 đạt 43,2 tỷ EUR (theo Eurostat) và xếp trong Top 10 nước cung ứng hàng hóa lớn nhất vào thị trường EU.
Trong bức tranh kinh tế toàn cầu đã xuất hiện điểm sáng, tại thị trường EU, nhiều chỉ số kinh tế bắt đầu phục hồi tích cực, nhu cầu nhập khẩu và tiêu thụ hàng hóa có xu hướng gia tăng. Dự báo GDP của EU sẽ tăng trưởng 4,8% trong năm 2021 và 4,5% trong năm 2022. Việt Nam là một nền kinh tế có độ mở cao, phải nhanh chóng thích ứng, chủ động tham gia vào quá trình tái cấu trúc chuỗi cung ứng với các đối tác EU, mở ra cơ hội thu hút nguồn vốn đầu tư, công nghệ tiên tiến, trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu mới đang được hình thành.
Doanh nghiệp Việt Nam đã đạt được thành công ban đầu xây dựng mô hình kinh doanh thương mại điện tử xuyên biên giới, mở ra cơ hội cho nông sản và các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam sang EU. Lần đầu tiên, hàng tấn vải Bắc Giang được xuất khẩu tới châu Âu thông qua nền tảng thương mại điện tử Vỏ Sò của Viettel Post, trong khi các phương thức thương mại truyền thống bị hạn chế bởi đại dịch.
Bà Cao Cẩm Linh, Giám đốc chiến lược Tổng công ty cổ phần Viettel Post nhìn nhận, dù mới chỉ bán 1.200 đơn hàng tại thị trường Đức, về số lượng tuy không lớn nhưng đã tiếp cận được thị trường lớn, mở ra hướng đi mới.
“Đừng nhìn vào giá trị của một đơn hàng mà hãy nhìn vào lợi nhuận. Khi sàn thương mại điện tử Vỏ Sò tiếp cận được người bán và người tiêu dùng cuối cùng, Vỏ Sò chỉ là nền tảng kết nối các sản phẩm Việt Nam ra thị trường quốc tế, thì người hưởng lợi chính là người bán, kích thích người bán có lợi nhuận cao hơn nhiều so với bán trong nước, từ đó phải thay đổi hành vi về đóng gói”, bà Cao Cẩm Linh chia sẻ.
Đại dịch Covid-19 ở khía cạnh nào đó đã thúc đẩy doanh nghiệp phát triển theo hướng bền vững hơn, đồng thời tạo sức ép buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải chủ động điều chỉnh, thay đổi phương thức kinh doanh để bắt kịp những xu hướng mới, nâng cao năng lực cạnh tranh và vươn lên mạnh mẽ.
Ông Alain Cany - Chủ tịch EuroCham khuyến nghị, Việt Nam và EU cần hợp tác chặt chẽ trong việc giải quyết các vấn đề tồn tại vì lợi ích chung của cộng đồng doanh nghiệp. Cùng với việc dịch bệnh được kiểm soát trở lại, cộng thêm lợi thế lớn từ EVFTA, Việt Nam sẽ có cơ hội thu hút làn sóng FDI mới từ các nhà đầu tư châu Âu đang tìm kiếm một điểm đến ổn định, an toàn, thịnh vượng và cạnh tranh.