EVFTA và những thách thức cần vượt qua
Cùng nhau vượt qua thách thức, thực hiện thành công EVFTA | |
EVFTA: Nhìn lại để hướng tới | |
EVFTA: Hiểu rõ thì xuất khẩu sang nước thứ ba cũng được hưởng ưu đãi |
Thách thức không nhỏ
Theo Bộ Công thương, 5 tháng cuối năm 2020, tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu sử dụng được ưu đãi thuế quan theo EVFTA của Việt Nam là 14,8% và tiếp tục tăng lên tới mức 29% đến hết nửa đầu năm 2021. Quan sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, đây là mức tận dụng cao nhất so với năm đầu thực thi của bất kỳ FTA nào khác, ví dụ gấp 2 lần tỷ lệ sử dụng ATIGA; gấp 7 lần AIFTA; gấp 2 lần tỷ lệ sử dụng các thị trường mới của CPTPP. Trong khi đó, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 8 tháng năm 2021, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU đạt 26,1 tỷ USD, tăng 14,5%. Đây là con số khá tích cực trong bối cảnh Covid-19.
Để tận dụng được những lợi thế từ EVFTA, thủy sản cần phải nhanh chóng gỡ được thẻ vàng của EU |
Tuy nhiên nếu nhìn vào tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 8 tháng đạt 212,55 tỷ USD, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm trước, con số tăng trưởng xuất khẩu vào EU như vậy cũng không phải quá ấn tượng. Cho thấy mặc dù EU là thị trường lớn, rất tiềm năng cho hàng xuất khẩu của Việt Nam, song dường như các doanh nghiệp Việt Nam thời gian qua chưa khai thác được triệt để các lợi thế mang lại, đồng thời đối mặt với nhiều thách thức. Một trong những thách thức lớn nhất là khó khăn trong đáp ứng các yêu cầu về quy tắc xuất xứ trong EVFTA như nhiều cảnh báo trước khi Hiệp định có hiệu lực, và trong thực tế năm qua đã khiến việc tận dụng thuế quan 0% không dễ dàng.
Đơn cử trong lĩnh vực xuất khẩu thủy sản, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, EVFTA đã góp phần đáng kể trong những thành quả xuất khẩu thủy sản của Việt Nam thời gian qua khi mà 50% số dòng thuế đã giảm xuống 0% vào năm 2020 ngay sau khi EVFTA có hiệu lực. Tuy nhiên, ngay cả khi có nhiều mặt hàng thủy sản chính như cá ngừ, mực, bạch tuộc thuộc diện hưởng thuế 0% nhưng do thiếu nguồn nguyên liệu trong nước, các doanh nghiệp phải nhập khẩu về chế biến nên không được chấp nhận là “có xuất xứ thuần túy”, do đó không được hưởng thuế ưu đãi theo EVFTA.
Trong khi đó, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và các quy định giãn cách đã ảnh hưởng đến sản xuất nguyên liệu thô trong nước, cùng với đó là tình trạng thiếu hụt container, chi phí vận chuyển đường biển đi châu Âu tăng gấp nhiều lần, cạnh tranh từ các đối thủ xuất khẩu khác… không chỉ làm giảm đi cơ hội tận dụng ưu đãi thuế quan của EVFTA mà còn khiến nhiều doanh nghiệp thua lỗ lớn, thậm chí khó trụ vững tại thị trường này. Số liệu xuất khẩu thủy sản tháng 8 đã cho thấy rõ điều này, với mức giảm từ 16% đến 50% so với cùng kỳ ở tất cả các thị trường, trong đó riêng thị trường EU giảm 32%.
Hợp tác để biến thách thức thành cơ hội
Không chỉ quy tắc xuất xứ chặt hơn, các điều kiện về hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, dán nhãn, môi trường, điều kiện lao động… cũng khiến các doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn hơn rất nhiều. Và đây cũng là những áp lực đối với nhiều mặt hàng thế mạnh của Việt Nam, nhất là các mặt hàng nông sản mà thị trường EU cũng có nhu cầu rất lớn.
Trong khi các doanh nghiệp xuất khẩu gặp các thách thức để tiếp cận được thị trường EU thì trong nước các doanh nghiệp cũng đối mặt với cạnh tranh của hàng hóa từ EU cũng ngày càng lớn dần. Nếu như năm 2020, nhập khẩu từ EU của Việt Nam chỉ tăng 4,3% thì hết 8 tháng năm 2021, nhập khẩu từ EU đã tăng 17,1% so với cùng kỳ. Đây có thể xem là một thách thức không nhỏ, bởi xét về năng lực cạnh tranh, kinh nghiệm thị trường cũng như khả năng tận dụng các FTA, các doanh nghiệp EU rõ ràng đều có lợi thế hơn hẳn. Tuy nhiên, thách thức này phần nào giảm bớt khi nhiều hàng hóa nhập khẩu từ EU là các sản phẩm như linh kiện điện tử, nguyên phụ liệu, máy móc thiết bị, dây chuyền công nghệ… là nguồn đầu vào sản xuất quan trọng cũng như giúp nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh của hàng Việt Nam.
Tuy nhiên xét về tổng thể, 12 tháng đầu tiên thực thi EVFTA đã mang lại nhiều kết quả tốt đẹp, giúp tăng cường đáng kể hoạt động thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EU như các số liệu đã cho thấy. Theo TS. Vũ Tiến Lộc - nguyên Chủ tịch VCCI, sau những thành công bước đầu hết sức khả quan và tích cực trong thực thi EVFTA, chúng ta đang bước vào một giai đoạn mới khó khăn hơn, thách thức hơn, đặc biệt dưới áp lực chưa từng có vì dịch bệnh Covid hiện nay. Trong bối cảnh đó, ông Lộc cho rằng EVFTA có thể đóng góp và là một trợ lực ý nghĩa cho cộng đồng doanh nghiệp trong các nỗ lực vượt qua dịch bệnh để tiếp tục kinh doanh trong thời gian tới nếu được khai thác hiệu quả.
Ví dụ, lợi thế về thuế quan trong EVFTA có thể là một lực hấp dẫn quan trọng để thu hút các khách hàng EU quay trở lại với Việt Nam sau thời gian đỉnh dịch. Bên cạnh đó, nếu xuất khẩu sang EU tận dụng được EVFTA sẽ là động lực để doanh nghiệp tiếp tục đầu tư khôi phục sản xuất sau dịch. Mặt khác, các lợi thế từ thuế quan trong nhập khẩu máy móc thiết bị, công nghệ, nguyên phụ liệu cho sản xuất từ EU theo EVFTA có thể giúp doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí, đồng thời tăng năng suất lao động, cải thiện hiệu quả cạnh tranh khi “trở lại đường đua”.
Nhưng để những kỳ vọng như vậy diễn ra, sự hợp tác giữa các doanh nghiệp và cơ quan quản lý hai bên có ý nghĩa rất quan trọng. Trong chuyến công tác châu Âu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội vừa kết thúc, bên cạnh những nội dung trao đổi quan trọng về chính trị, văn hóa và các hỗ trợ hợp tác của các nước EU… tại hầu hết các cuộc làm việc, vấn đề tiếp tục tạo điều kiện để thực thi EVFTA một cách hiệu quả nhất đều được đặt ra. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nhìn nhận hợp tác hai bên ví như “Con chim có đôi cánh”, tức là cần có cả hai cánh thì mới bay cao, bay xa được.
Còn với các doanh nghiệp, việc hiểu rõ các nội dung, quy định và cam kết trong EVFTA là điều tất yếu. Cùng với đó, việc chủ động chuẩn bị về năng lực, nguồn hàng, hợp tác liên kết để tạo chuỗi cung ứng, đáp ứng được các yêu cầu, tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm… là những yếu tố rất cần thiết nếu muốn có được “miếng bánh” trong cuộc chơi chất lượng cao này.