Cùng nhau vượt qua thách thức, thực hiện thành công EVFTA
Ngày 27/8, EuroCham và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - trong khuôn khổ Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam - châu Âu (EVBC) đã tổ chức hội thảo trực tuyến đánh dấu 12 tháng đầu tiên thực thi EVFTA. Sự kiện mang tên “EVFTA: Một năm triển khai - Khởi đầu đầy hứa hẹn và tương lai thịnh vượng”, quy tụ hơn 200 người tham dự.
Chủ tịch EuroCham, ông Alain Cany cho biết 12 tháng đầu tiên thực thi EVFTA đã gặt hái nhiều kết quả tốt đẹp. Tuy nhiên, nếu chúng ta muốn tiếp tục xây dựng và phát triển trên khởi đầu đầy hứa hẹn này và khai thác toàn bộ tiềm năng của thỏa thuận lịch sử này, chúng ta phải cùng phối hợp chặt chẽ hơn nữa.
“Nói cách khác, việc Hiệp định có hiệu lực mới chỉ là khởi đầu. Chúng ta cần nỗ lực tương tự trong thập kỷ tiếp theo như chúng ta đã làm trong thập kỷ trước để tiếp tục thành công. Bất chấp những thách thức ngắn hạn đáng kể của đại dịch, chúng ta không được mất tập trung vào các cơ hội dài hạn mà EVFTA mang lại”, Chủ tịch EuroCham nhấn mạnh.
Nhìn lại quá trình Hiệp định đi vào thực thi, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng bất chấp đại dịch, EVFTA đã giúp thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EU như các số liệu đã cho thấy. Sáu tháng đầu năm 2021, xuất khẩu từ Việt Nam sang EU tăng 18,3% so với cùng kỳ, đặc biệt là sự bứt phá của nhóm hàng nông sản; tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu sử dụng được ưu đãi thuế quan theo EVFTA của Việt Nam cũng đạt được mức cao nhất so với năm đầu thực thi của bất kỳ FTA nào khác…
Việt Nam cũng đã nhận được nhiều nguồn đầu tư cũng như chuyển giao công nghệ chất lượng từ châu Âu. Số lượng dự án FDI từ EU tăng lên, đạt tổng số hơn 2.000 dự án. Tuy nhiên, đợt bùng phát làn sóng thứ tư với nhiều diễn biến phức tạp hiện nay đang đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Ví dụ, hơn 90% doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ ở TP. Hồ Chí Minh không thể mở cửa. Bức tranh trên khắp các tỉnh phía Nam cũng tương tự, với hàng nghìn doanh nghiệp buộc phải đóng cửa, trong đó có các doanh nghiệp chế biến và nuôi trồng thủy sản. Có một điểm nghẽn trong hoạt động vận tải, hậu cần và hậu quả là chi phí hàng hóa tăng.
Trong bối cảnh này, EVFTA sẽ hỗ trợ các công ty phục hồi khi đại dịch đã qua đi. TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh khuôn khổ EVBC sẽ là cơ chế quan trọng để các doanh nghiệp châu Âu và Việt Nam hợp tác cùng nhau vượt qua các thách thức và đảm bảo thực hiện thành công hiệp định.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương cho biết, nhìn chung tăng trưởng thương mại là tích cực, ngay cả trong bối cảnh đại dịch. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều thách thức như: Tiêu chuẩn cao của EU về chất lượng, an toàn, môi trường; chi phí vận tải tăng cao; các yếu tố bất định về triển vọng kinh tế, tiêu dùng trong thời gian tới vì tác động của Covid…
Tuy nhiên, cũng có những tín hiệu tích cực cho tương lai, đặc biệt ở những ngành, lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh như hạt điều, cà phê, rau quả. Trọng tâm hiện nay nên tập trung vào các sản phẩm mà Việt Nam có cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị và gia tăng giá trị, chẳng hạn như các ngành công nghiệp tái tạo và các sản phẩm chế biến cho đồ nội thất.
Theo ông Jean Jacques Bouflet, Phó Chủ tịch EuroCham, EVFTA bao gồm các giai đoạn chuyển đổi để các doanh nghiệp có thời gian thích ứng nên điều rất quan trọng là các doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng để dần đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế trong EVFTA, từ đó giúp hội nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.