Tác nghiệp ở Trường Sa
Đoàn công tác ngành Ngân hàng kết thúc tốt đẹp chuyến thăm huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 Trường Sa - Nơi cảm xúc lắng đọng và đong đầy |
Cùng với những ghi nhận từ chuyến đi này, tạo ấn tượng cho tôi nhất là câu chuyện về Phó Tổng giám đốc Agribank Nguyễn Thị Phượng đã 6 lần ra với Trường Sa. Những lần trò chuyện chắp nối với chị Phượng lúc trên tàu, lúc đi trên đảo đã giúp tôi hoàn thành bài viết “Người nữ cán bộ ngân hàng luôn nặng tình với biển đảo”. Bài viết đã được đăng trên Thời báo Ngân hàng đúng dịp Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3.
Sau bài viết, tôi có một điều ước, một ngày gần nhất được đặt chân đến Trường Sa. Và cơ hội cũng đã đến khi vào giữa tháng 5/2024, ngành Ngân hàng tổ chức một đoàn công tác ra thăm huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1. Được sự quan tâm và tạo điều kiện của lãnh đạo báo, tôi lại tiếp tục hành trình ra với biển đảo. Nhưng hải trình lần này có chiều dài gấp 4 lần so với chuyến hải trình trước. Song những gì trải nghiệm trong chuyến đi vùng biển đảo Tây Nam đã giúp cho tôi tự tin và kinh nghiệm hơn trong chuyến tác nghiệp tại biển đảo lần này.
Tạm biệt đất liền bằng 3 hồi còi dài, chúng tôi chính thức rời quân cảng Cam Ranh, bắt đầu hải trình hướng Đông. Giữa biển cả bao la, dõi mắt trông theo những con tàu cá của ngư dân giữa trùng khơi, trước mắt tôi như hiện ra những Hải đội Hoàng Sa năm nào - những chiến binh đã không ngại hy sinh, vượt qua bao sóng to gió lớn, xác lập chủ quyền biển đảo đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Tổ quốc.
Tác giả (giữa) cùng các nhà báo đang phỏng vấn Trung tá Lê Ngọc Nam - Chính trị viên Đảo Đá Tây |
Từng ngày từng ngày trôi qua, hơn 200 thành viên đến từ mọi miền đất nước đã vượt gần 1.200 hải lý, đến thăm và tặng quà các cán bộ, chiến sĩ, người dân tại các điểm đảo: Song Tử Tây, Sinh Tồn Đông, Len Đao, An Bang, Đá Tây C, Trường Sa lớn thuộc quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK-I/16 Phúc Tần.
Tại mỗi điểm đảo, do thời gian có hạn nên tôi tranh thủ ghi lại thật nhiều hình ảnh về đảo, về cuộc sống thường ngày của các cán bộ, chiến sĩ hải quân và người dân trên đảo. Được nghe cán bộ, chiến sĩ báo cáo công tác huấn luyện sẵn sàng chiến đấu và tăng gia sản xuất, được nhìn những vườn rau quả tăng gia trên đảo mới thấu hiểu những vất vả, khó khăn, nhọc nhằn của quân dân nơi đảo xa.
Bước chân lên các đảo nổi, đảo chìm, nắm chặt bàn tay các chiến sĩ, quân dân trên đảo, thăm hỏi trò chuyện và chứng kiến những khó khăn, gian khổ của lính đảo, cảm nhận sức sống kiên cường của cỏ cây, hoa lá nơi đây mới thấu hiểu và thêm yêu thương, trân trọng, cảm phục những cán bộ, chiến sĩ hải quân và người dân đảo.
Các chiến sĩ hải quân trên đảo tranh thủ đọc Thời báo Ngân hàng do phóng viên mang theo tặng |
Đã không biết bao lần ngược xuôi trên mọi miền đất nước, nhưng chỉ khi ra với Trường Sa thân yêu, tôi mới cảm nhận hết được hai chữ thiêng liêng khi nói về Tổ quốc. Đến Vùng biển Len Đao - Gạc Ma - Cô Lin, trên boong tàu Trường Sa 571, các thành viên đoàn công tác được tham gia lễ tưởng niệm và thả bè hoa tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo. Những người con ưu tú của đất mẹ Việt Nam đã vĩnh viễn yên nghỉ trong lòng đại dương bao la để lại bao ước mơ dang dở và niềm tiếc thương vô hạn của người thân, đồng đội. Với khí thế hiên ngang, các anh đã làm cho quân xâm lược run sợ, chùn bước.
Lễ tưởng niệm là khoảng thời gian lắng đọng nhất trong cả chuyến hải trình. Nhiều thành viên trong đoàn không cầm được nước mắt khi nghĩ về những liệt sỹ đã hy sinh giữa biển khơi, đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt...
Hành trình đến với Trường Sa và Nhà giàn DK1 lần này có thể nói là một kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời làm báo của tôi. Hành trình đến với Trường Sa cũng chính là hành trình từ trái tim mà bất cứ người Việt Nam yêu nước nào cũng đều mong mỏi một lần được đến. Câu thơ của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm như mãi vang vọng và nhắc nhở các thế hệ người Việt. “Biển Đông vạn dặm dang tay giữ. Đất Việt muôn năm vững trị bình”.