Tăng cho vay với khách hàng là hợp tác xã
Đồng vốn ngân hàng gieo những mùa vàng
|
Cả nước có gần 24.000 hợp tác xã, tổ hợp tác
Bà Bùi Thị Thơm - Phó Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết, thực hiện chủ trương của Đảng về thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, cụ thể hóa các mục tiêu được nêu tại Nghị quyết số 20- NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới phát triển kinh tế tập thể trong tình hình mới, theo thống kê, đến nay các cấp Hội Nông dân cả nước đã vận động thành lập được tới gần 3.800 hợp tác xã và khoảng 20.000 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và các ngành nghề khác.
Doanh thu bình quân hàng năm của mỗi HTX đạt trên 5,5 tỷ đồng (lợi nhuận đạt 350 triệu đồng/HTX; thu nhập bình quân/thành viên/năm đạt 51,5 triệu đồng) và trên 400 triệu đồng/tổ hợp tác; trên 700 hợp tác xã có sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên (chiếm gần 20%).
Bên cạnh đó, các mô hình HTX nông nghiệp tổ chức sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị ngày càng tăng, nhiều HTX đã đăng ký sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn VietGAP.
Nhiều chính sách 'mở' cho hợp tác xã
Thông tin về dư nợ trong lĩnh vực nông nghiệp, ông Lê Hồng Phúc, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Agribank cho biết, trong 1.200 HTX vay tín dụng qua hệ thống của Agribank thì đã có 653 HTX, chiếm 1/3 dư nợ trong toàn hệ thống ngân hàng.
Agribank đang rất nỗ lực để đẩy mạnh tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Hiện, gần 70% vốn của Agribank nằm trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và đây là thị trường nòng cốt. Theo đó, Agribank phối hợp với các cấp Hội Nông dân thành lập 25.000 tổ vay và gần 100.000 tỷ dư nợ; hơn 900.000 tỷ nằm trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Cũng theo ông Phúc, Nghị định 55 của Chính phủ và NHNN đang có những chính sách "rất mở" giao cho các NHTM để quyết định mức độ không đảm bảo tài sản đối với các tổ chức, HTX.
Với Agribank, theo Nghị định, cho vay tối đa 1 tỷ đồng tín chấp đối với HTX, chủ trang trại hoạt động trên địa bàn nông thôn hoặc sản xuất kinh doanh trên lĩnh vực nông nghiệp; tối đa 2 tỷ đồng đối với HTX nuôi trồng thủy sản, đánh bắt xa bờ; tối đa 3 tỷ đồng đối với liên hiệp HTX nuôi trồng thủy sản, khai thác thủy sản xa bờ; đối với các doanh nghiệp, HTX, liên hiệp HTX vay theo mô hình liên kết thì các doanh nghiệp, HTX cũng như HTX đã ký, cung cấp tiêu thụ đối với tổ chức, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp được Agribank cho vay không đảm bảo tới 70% giá trị dự án, phương án vay theo mô hình liên kết, kể cả với các doanh nghiệp, HTX vay theo sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cũng được cho vay 70-80%. Như vậy, đã có những cơ chế, đồng thời các NHTM đều có chính sách thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay.
"Tuy nhiên, đã có cơ chế nhưng kinh tế tập thể, HTX chưa phát triển được. Các NHTM thì ban hành nhiều gói vay, chủ yếu gói cho vay kích thích doanh nghiệp lãi suất rất thấp nhưng không có gói nào cho vay HTX", ông Phúc cho biết.
Hiện, ngoài 653 HTX khu vực miền núi phía Bắc được Agribank cho vay vốn thì trong đó: khu vực miền núi phía Bắc có 223 HTX vay; vùng Trung du Bắc bộ có 164 HTX.
"Chúng tôi đã có nhiều phương án nhưng cũng thấy khó khăn, phía các HTX đầu tiên vốn tự có chưa đáp ứng, nếu vay của dự án trung hạn phải đến 25% vốn tự có", ông Phúc cho hay.
Bên cạnh đó, hệ thống báo cáo tài chính minh bạch, bài bản, thẩm định cũng chưa hoàn thiện; tài sản cũng là vấn đề... Nhiều HTX có nhà lưới, nhà xưởng nhưng tài sản đó đi đồng bộ với giấy tờ đất, kể cả đất thuê bị thế chấp chưa đảm bảo tính pháp luật.
Tính trách nhiệm của các thành viên trong doanh nghiệp, HTX chưa cao, chưa chặt chẽ, vì vậy trong Agribank số lượng HTX dư nợ quá hạn từ những năm trước còn cao, ảnh hưởng tới cho vay.
"Chúng tôi mong muốn Chính phủ, các ngành có những giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ HTX được phát triển hơn và bản thân HTX tháo gỡ những hạn chế, từ đó chúng tôi mới có những cơ hội mang tín dụng đến với các HTX", Phó Tổng Giám đốc Agribank đề nghị.
Nguồn vốn ngân hàng tích cực trợ lực cho ngành nông nghiệp |
Là lãnh đạo một ngân hàng dành nhiều nguồn lực cho nông nghiệp, ông Trần Khánh - Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp NHTMCP Bắc Á cho biết, từ đầu năm 2018, NHTMCP Bắc Á, Tập đoàn TH và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã ký Biên bản ghi nhớ, ghi nhận sự cam kết ba bên trong việc đầu tư nguồn lực xây dựng mô hình hợp tác xã mới gắn với chuỗi giá trị về thảo dược và rau, củ, quả hữu cơ; hướng dẫn kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm, xây dựng chỉ dẫn địa lý, xuất xứ hàng hóa, thương hiệu sản phẩm và tư vấn đầu tư, tài chính, hỗ trợ vay vốn cho các HTX.
Trong tương lai, Bắc Á sẽ tiếp tục đóng vai trò trung gian/cầu nối để kiện toàn mối liên kết ba bên: Ngân hàng - Doanh nghiệp - HTX; tạo thành chuỗi giá trị khép kín, nâng cao lợi ích cho các chủ thể kinh tế tham gia.
"Để đạt được mục tiêu đồng hành cùng HTX, bản thân các HTX và các cơ quan quản lý HTX cần hỗ trợ các khóa tập huấn, kĩ thuật, kỹ năng quản lý, điều hành HTX. Trong đó, cần nâng cao năng lực lãnh đạo của HTX; tập huấn hiểu về cách thức và quy trình vay vốn NH; các kiến thức cơ bản trong vay vốn ngân hàng cho các HTX. Ngân hàng Bắc Á sẽ đồng hành phối hợp, thường xuyên kết nối hội thảo, diễn đàn để ngân hàng tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình tiếp cận vốn của HTX cũng như hỗ trợ ngân hàng Bắc Á và các tổ chức tín dụng nắm bắt được quá trình phát triển của HTX", ông Trần Khánh đề xuất.
Thông tin về nguồn vốn tín dụng cho HTX, bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN cho biết, nguồn vốn ngân hàng rất quan trọng cho phát triển HTX. Thời gian vừa qua, NHNN đã quan tâm tới việc sửa đổi các văn bản pháp luật về tín dụng, hướng dẫn các tổ chức tín dụng cho vay khách hàng, sửa đổi các vướng mắc trong thực tiễn.
Về cho vay theo Thông tư 39 bảo đảm tiền vay là hoàn toàn dựa trên thỏa thuận khách và tổ chức tín dụng phù hợp với các quy định.
Thực tiễn việc cho vay có thể có tài sản bảo đảm hoặc không, tài sản đảm bảo có thể là bất động sản, hàng tồn kho, cho vay không bảo đảm tài sản thì đánh giá bằng khả năng trả nợ của khách hàng, dự án tốt hay không, nói chung quy định cho vay của ngân hàng đã là rất linh hoạt.
Ngân hàng dành nhiều ưu đãi cho các HTX, HTX được vay từ 1-3 tỷ đồng vay không bảo đảm tài sản. Tuy nhiên, với quy định hiện hành thì vay không bảo đảm tài sản là điều kiện quan trọng nhưng không phải phải tiên quyết, mà nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, khả năng trả nợ, kinh doanh của các HTX…
Về tiếp cận tín dụng, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, ngân hàng sẽ tiếp tục có nhiều giải pháp tăng khả năng tiếp cận tín dụng của người dân, doanh nghiệp. Chính phủ dành nhiều thời gian bàn, NHNN đã quan tâm đến tiếp cận tín dụng của các HTX và có nhiều chỉ đạo yêu cầu các TCTD thu thập thông tin đánh giá tín nhiệm khách hàng, làm sao nâng cao hiệu quả thẩm định, tăng khả năng cho vạy không bảo đảm tài sản, tăng cho vay với khách hàng là các HTX.
"Từ giờ tới cuối năm, NHNN sẽ đồng bộ các giải pháp để tăng khả năng hấp thụ tín dụng của nền kinh tế trong đó có HTX, có giải pháp tháo gỡ khó khăn vào cuộc đồng bộ của các HTX, khắc phục hạn chế như quy mô, cạnh tranh, quản trị, từ đó tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tăng cho vay", bà Hà Thu Giang cho biết.