Tăng cơ hội tiếp cận tín dụng tiêu dùng “sạch”
Khối ngoại mở rộng tín dụng tiêu dùng | |
Chính thức triển khai gói tín dụng tiêu dùng ưu đãi 20.000 tỷ đồng | |
Thị trường mua trước trả sau tại Việt Nam dự kiến đạt hơn 1,1 tỷ USD trong năm nay |
Nhiều chuyên gia kiến nghị ngành Ngân hàng tập trung tuyên truyền mạnh mẽ và cụ thể hơn đối với hoạt động cho vay tiêu dùng của các TCTD được NHNN cấp phép hoạt động.
Nên phổ cập tài chính đại trà
Tại Tọa đàm “Tín dụng tiêu dùng: Cho vay và thu hồi nợ đúng pháp luật” vừa được Báo Người Lao động tổ chức ngày 20/4, Luật sư Phạm Văn Đức, Công ty Luật TNHH MTV Đức & Phạm cho biết, hiện nay không ít người vay không phân biệt được đâu là công ty tài chính hoặc fintech chính thống, được NHNN cấp phép, đâu là tín dụng đen.
Vì vậy, bên cạnh việc phổ biến tuyên truyền của NHNN trên Thời báo Ngân hàng và các chương trình phát thanh, truyền hình thì các địa phương cũng cần hỗ trợ tuyên truyền mạnh mẽ hơn, cụ thể hơn về các thông tin liên quan đến các TCTD được phép hoạt động cho vay tiêu dùng.
Trong đó cần cập nhật giấy phép hoạt động của các fintech, công ty tài chính được phép cho vay và bắt buộc các TCTD này phải ghi thông tin về giấy phép, về mức lãi suất, phương thức thu nợ trong các hợp đồng vay vốn tiêu dùng.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, hiện nay nhu cầu vay tiêu dùng ngày càng tăng trưởng mạnh, song nhiều người vẫn chưa phân biệt được tín dụng chính thống với tín dụng đen, trong khi những biến tướng của tín dụng đen ngày càng phổ biến. Vì thế Chính phủ, Bộ Tài chính, NHNN và các bộ ngành liên quan cũng nên xem xét tạo ra một chương trình giáo dục tài chính tiêu dùng đại trà, cung cấp kiến thức cơ bản về tài chính cho mọi người dân hiểu. Từ đó, mở rộng thông tin tại các khu công nghiệp, các trường học từ phổ thông đến đại học để phổ biến đến toàn dân.
Về mặt pháp lý, Luật sư Trương Thị Hòa, Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng, hiện nay các Thông tư hướng dẫn hoạt động cho vay của các công ty tài chính như Thông tư 43/2016/TT-NHNN, Thông tư 18/2019/TT-NHNN của NHNN đã quy định khá chi tiết về các nội dung liên quan đến cho vay tiêu dùng. Tuy nhiên, các văn bản pháp lý này cũng đã triển khai được 5-6 năm, nhiều quy định có thể đã có “độ vênh” so với thực tế phát triển nhanh của tín dụng tiêu dùng.
“Vì thế ngành Ngân hàng cũng cần rà soát lại để bổ sung thêm các quy định mới cho phù hợp, nhất là các quy định liên quan đến mua bán nợ tiêu dùng, hoạt động của các công ty đòi nợ, NHNN cần có hướng dẫn chi tiết, cụ thể và phổ biến rộng rãi hơn”, Luật sư Hòa nói.
Tập trung nhiều giải pháp quản lý
Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết, để thúc đẩy hoạt động tín dụng tiêu dùng lành mạnh của hệ thống TCTD trên địa bàn, ngành Ngân hàng TP.HCM đang tập trung triển khai đồng loạt nhiều nhóm giải pháp.
Theo đó, chi nhánh NHNN đã phối hợp với chính quyền địa phương (cấp xã, phường, quận huyện) để tập trung tuyên truyền trực tiếp tại các xóm ấp, khu chế xuất, khu công nghiệp, cộng đồng dân cư. Ngành Ngân hàng cũng phối hợp với UBND các quận huyện, TP. Thủ Đức nắm bắt thông tin những app cho vay không chính thống, không rõ ràng hoạt động trên địa bàn để phối hợp với cơ quan công an có giải pháp xử lý.
Bên cạnh đó, NHNN Việt Nam và UBND TP.HCM đang triển khai nhiều chính sách phát triển tín dụng tiêu dùng. Trong đó Ngân hàng Chính sách Xã hội hiện đã thiết kế các gói cho công nhân lao động. Mới đây, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng đã được NHNN chỉ đạo 4 NHTM lớn tập trung cho vay lãi suất 8,7% đối với vay đầu tư nhà ở xã hội, nếu cá nhân người vay sẽ áp dụng lãi suất là 8,2%.
Theo ông Dũng, hiện nay những thông tin về các công ty tài chính tiêu dùng, dịch vụ trung gian thanh toán đều được NHNN công khai rõ ràng trên website. Ngành Công an thời gian qua cũng đã nhiều lần thông báo, cảnh báo người dân về những app tín dụng đen, núp bóng công ty tài chính trên thị trường. Vì thế, các địa phương cũng cần chủ động phổ biến, tuyên truyền đến người dân trong khu vực của mình để tiếp cận đúng các TCTD chính thức.
Riêng về hoạt động thu nợ, mua bán nợ của các công ty tài chính, theo ông Dũng, hiện NHNN chi nhánh TP.HCM đã phối hợp với Sở Kế hoạch - Đầu tư và Sở Tư pháp TP.HCM nhằm làm rõ tính pháp lý, tính chất hoạt động về hoạt động của các công ty mua bán nợ, công ty thu hồi nợ. Một số chuyên gia cũng kiến nghị nên hình thành sàn mua bán nợ dành riêng cho tín dụng tiêu dùng. Tuy nhiên, để thành lập được sàn giao dịch mua bán nợ tiêu dùng thì cần phải rà soát lại nhiều cơ sở pháp lý.
“NHNN chi nhánh TP.HCM sẽ có kiến nghị với NHNN Việt Nam về những đề xuất này, cũng như đề xuất sửa đổi, bổ sung những thông tư hướng dẫn cho vay tiêu dùng”, ông Dũng cho biết.